Cần giải pháp căn cơ cho hạ tầng giao thông trên bán đảo Sơn Trà

.

Sau 1 tháng nỗ lực khắc phục sạt lở, đến nay, các tuyến giao thông trên bán đảo Sơn Trà cơ bản hoàn thành, tạo điều kiện cho các loại phương tiện lưu thông trở lại. Tuy nhiên, về lâu dài cần có những giải pháp căn cơ cho hạ tầng giao thông nơi đây.

Một điểm trên tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà bị sạt lở nặng sau trận mưa rất lớn ngày 14-10. Ảnh: THÀNH LÂN
Một điểm trên tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà bị sạt lở nặng sau trận mưa rất lớn ngày 14-10. Ảnh: THÀNH LÂN

Theo Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng, sau đợt mưa lũ ngày 14-10, trên các tuyến đường du lịch lên bán đảo Sơn Trà có hơn 60 điểm sạt lở. Trong đó, tuyến Tiên Sa có 9 điểm sạt lở đất, đá nghiêm trọng, chắn ngang lối đi; tuyến Hồ Xanh - Bãi Bắc - Cây Đa có 21 điểm sạt lở với 19 điểm sạt taluy dương, 2 điểm sạt taluy âm, đất đá tràn lấp mặt đường với khối lượng khoảng 16.000m3; cùng với đó, tuyến đường Yết Kiêu - Bãi Bắc sạt lở tại 12 vị trí, đá lăn, trụ điện và cây đổ chắn ngang đường. Ngoài ra, tuyến đường nhánh Suối Đá có 2 vị trí sạt lở, cây gãy đổ, đá lăn...

Ngay sau bão số 5, công ty đã huy động tổng lực nhân lực và phương tiện nhanh chóng khắc phục sạt lở trên bán đảo Sơn Trà. Đến nay, toàn bộ 64 điểm sạt lở trên bán đảo đã được dọn dẹp đất đá, khắc phục bước đầu, trong đó, đã cơ bản sửa chữa hoàn tất 6 vị trí sạt lở nghiêm trọng. Trước đó, trong những ngày đầu và giữa năm 2022, mặc dù trời không mưa, lũ nhưng một số điểm trên các tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà vẫn bị sạt lở tràn đất đá xuống mặt đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông qua đây.

Theo ông Võ Văn Toàn, Giám đốc Công ty CPĐT Tư vấn kỹ thuật xây dựng Kỹ Việt, với địa hình núi non cao, các tuyến đường vắt qua các sườn đồi có độ dốc lớn, hoặc chạy sát bờ biển với taluy âm sâu, việc áp dụng các phương pháp thi công truyền thống khiến đường trên bán đảo Sơn Trà bị sạt lở nếu bị tác động của thiên nhiên. Vì thế, cần phải có những giải pháp mới, căn cơ và dài hơi hơn cho các cung đường này.

Cụ thể, đối với các vách taluy có hiện tượng trượt lở cần phải làm tường chắn, hệ thống rãnh thoát nước mặt phù hợp; giảm tải tại các vị trí có hiện tượng trượt lở taluy âm; bảo vệ bề mặt mái dốc như: trồng cỏ, sử dụng vật liệu địa kỹ thuật, xây phủ bằng bê-tông,... Cùng với đó, tăng cường bảo dưỡng các taluy sườn dốc hệ thống đường giao thông, duy trì và nâng cao độ che phủ của thảm thực vật.

Đồng thời, hạn chế đến mức tối đa sự đào khoét đất đá; nếu có tạo vách taluy thì cần phải tạo nhiều cấp và tạo góc nghiêng nhỏ; bạt thoải mái dốc địa hình, hạ thấp độ cao mái dốc bằng cách giật cấp, tạo các đường cơ, đặc biệt là trong xây dựng hệ thống đường giao thông trên các đới vỏ phong hóa...

Đồng thời đẩy mạnh công tác rà soát, dự báo hư hỏng; riêng công tác khắc phục sửa chữa thực hiện xử lý tận gốc, bảo đảm tuổi thọ công trình lâu dài. Ngoài ra, áp dụng công nghệ vật liệu Rhinophalt, phủ Ceramic để thay thế công nghệ sơn vạch kẻ đường tại các khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở...

Theo khảo sát của phóng viên, hiện vẫn còn một số tuyến đường nhánh trên bán đảo Sơn Trà đang được dọn dẹp đất đá và sửa chữa hư hỏng, tuy nhiên vẫn bảo đảm lưu thông thông suốt. Hiện Sở Giao thông vận tải đã khảo sát và kiến nghị thành phố lên kế hoạch triển khai các dự án quy mô lớn nhằm tăng cường xây dựng các tuyến kè chống sạt lở trên toàn khu vực bán đảo Sơn Trà. “Về lâu dài, sở thuê đơn vị tư vấn tìm phương án xử lý tình trạng sạt lở đường lên bán đảo Sơn Trà, có thể là phun bê-tông hoặc trồng các loại cây có khả năng giữ đất, đá tốt”, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Trung Nghĩa cho hay.

Được biết, đối với tình trạng đá lăn xuống đường, UBND thành phố thống nhất chủ trương xử lý tạm thời bằng giải pháp sử dụng nhân công kết hợp thiết bị hỗ trợ dọn dẹp, phá bỏ, đánh tẩy các tảng đá bị phong hóa có nguy cơ lăn xuống đường ở vị trí xảy ra sạt lở taluy dương, đá lăn xuống đường (vào ngày 14-4, 9-5) và xung quanh.

Còn các đoạn có nguy cơ sạt lở taluy dương, đá lăn khác dọc tuyến đường Hoàng Sa, UBND thành phố cũng thống nhất giải pháp xử lý trước mắt như: sửa chữa các lưới chắn đá bị hư hỏng cục bộ, bổ sung tường chắn bằng rọ đá, bổ sung tường kết hợp lưới, cáp chắn đá...

Về lâu dài, UBND thành phố đã giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng tổ chức khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư công trình xử lý đá lăn xuống tuyến đường Hoàng Sa tại bán đảo Sơn Trà để triển khai xử lý.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.