Chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy

.

Mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng” đi vào hoạt động, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức của người dân trên địa bàn thành phố trong thực hiện quy định về an toàn phòng, chống cháy nổ. Đây là giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Người dân ở phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.  Ảnh: LÊ HÙNG
Người dân ở phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: LÊ HÙNG

Xây dựng mô hình “4 tại chỗ”

Nhằm nâng cao năng lực PCCC tại khu dân cư, Công an thành phố vận động mỗi hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay. Đối với hộ gia đình kết hợp kinh doanh, số bình chữa cháy xách tay được yêu cầu trang bị nhiều hơn. Bước vào giai đoạn mới, tình hình cháy, nổ phức tạp hơn, Công an thành phố đẩy mạnh triển khai xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”. Mô hình nhằm phát huy tính chủ động, tương trợ nhau giữa các gia đình trong khu dân cư, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, thực hiện công tác PCCC.

Thượng tá Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an thành phố cho biết: “Nếu cháy xảy ra, vai trò của lực lượng chữa cháy tại chỗ rất quan trọng, có thể kìm hãm đám cháy và chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến ứng cứu. Đặc biệt, tại các kiệt, hẻm nhỏ, vai trò của lực lượng này càng quan trọng hơn, bởi khi có sự cố xảy ra, chủ yếu dựa vào lực lượng tại chỗ là chính, vì các phương tiện chữa cháy hiện đại rất khó tiếp cận và tác chiến”.

Để mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” đạt hiệu quả thực tiễn, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an các quận, huyện phối hợp Công an các phường, xã chủ động hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCCC; quy chế hoạt động của tổ liên gia; cách sử dụng phương tiện chữa cháy, CNCH và thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra cho các thành viên trong hộ gia đình…

Theo Thượng tá Phạm Tấn Quốc, Phó trưởng Công an quận Ngũ Hành Sơn, thời gian đến, dự báo sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, nhất là tại các khu dân cư. Do vậy, mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” sẽ góp phần giúp người dân hiểu rõ hơn về công tác PCCC, nắm được các kiến thức cơ bản trong công tác chữa cháy, giảm nguy cơ gây thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố cháy, nổ xảy ra…

Việc thành lập mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương và công an các cấp đối với người dân trong công tác PCCC. Ông Lê Công Tuấn (SN 1976, trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) cho rằng: “Mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” giúp người dân chủ động, đoàn kết và có kỹ năng ứng phó các sự cố cháy, nổ tại chỗ nhanh chóng, hạn chế tối đa thiệt hại”.

Phát hiện, xử lý sớm hỏa hoạn

Đến nay, Công an các quận, huyện triển khai thực hiện và tổ chức ra mắt 47 điểm xây dựng mô hình, trong đó 18 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 29 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”. Việc mở rộng và tăng độ phủ kín của mô hình trên là giải pháp để phát hiện sớm hỏa hoạn và tăng thêm hiệu quả, phương tiện cho lực lượng PCCC tại chỗ.

Theo Công an thành phố, tùy vào thực tiễn, mỗi địa phương có cách làm khác nhau, song vẫn đáp ứng được yêu cầu của mô hình. Mục tiêu của thành phố là phấn đấu kiện toàn trang thiết bị và từng bước nhân rộng, để người dân nhận thấy rõ tính hiệu quả và tầm quan trọng của công tác PCCC tại cơ sở. Với mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 5 - 15 hộ gia đình liền kề cùng tham gia. Mỗi hộ được bố trí một chuông báo cháy, hai nút nhấn báo cháy lắp trong và ngoài nhà.

Do được liên kết nên khi nhấn chuông, tất cả các hộ đều nghe, từ đó hỗ trợ cứu người, tài sản và tổ chức chữa cháy. Trong khi đó, mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” được lắp đặt một hộp phương tiện chữa cháy, bên trong có bình chữa cháy xách tay và xà beng, kìm cộng lực…

Thượng tá Nguyễn Thành Nam cho rằng, nếu lực lượng tại chỗ hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt công tác phòng ngừa, phát hiện và chữa cháy, CNCH kịp thời khi đám cháy mới phát sinh sẽ làm hạn chế cháy nổ lớn, đồng thời giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Trên thực tế, cháy, nổ luôn gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Việc kiềm chế cháy, nổ, không để xảy ra cháy lớn là nhiệm vụ hết sức quan trọng không chỉ với lực lượng PCCC mà còn đối với các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân.

Hiện nay, các vụ cháy, nổ xảy ra tại khu dân cư, nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh... có xu hướng gia tăng, đặc biệt các khu dân cư trong kiệt, hẻm sâu, xe chữa cháy không thể tiếp cận được, trong khi ở đó các điều kiện an toàn PCCC không bảo đảm.

Vì vậy, việc thành lập các “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” giúp xây dựng lực lượng tại chỗ có kỹ năng chữa cháy, có trách nhiệm phối hợp cơ quan chức năng để phản ứng kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Trên địa bàn thành phố hiện có 8.314 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC, trong đó có 1.818 cơ sở có nguy cơ về cháy, nổ; 53.000ha rừng; nhiều khu vui chơi, giải trí, khu nghỉ dưỡng cao cấp, các công trình trọng điểm; gần 240.100 nhà ở hộ gia đình, 10.415 nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất dinh doanh, trong đó có hàng trăm khu dân cư nằm sâu trong kiệt, hẻm tồn tại nhiều nguy cơ cháy, nổ… Trong 10 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 57 vụ cháy dân sự; kết quả điều tra xác định, nguyên nhân chủ yếu do chập điện; sơ suất, bất cẩn trong sử dụng lửa, nhiệt…

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.