Mặt trận cùng các hội, đoàn thể các cấp của thành phố không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở. Nhờ đó, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn đoàn kết trong khu dân cư.
Mặt trận thành phố phối hợp Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở cho cán bộ Mặt trận các cấp. Ảnh: N.QUANG |
Nhờ có tổ hòa giải ở cơ sở, gia đình chị L.T.T. (SN 1973, trú khu dân cư 24, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) đã trở nên êm ấm, thuận hòa. Chị T. chia sẻ, trước đây hạnh phúc của gia đình bị rạn nứt, trong nhà thường xuyên có lời qua tiếng lại bởi người chồng say xỉn, mượn rượu để chửi bới. Nhưng nhờ có tổ hòa giải can thiệp giúp chồng chị T. nhận thức được hành vi sai trái của mình.
Từ đó đến nay, chị T. và chồng không còn xảy ra mâu thuẫn. “Nếu không có sự can thiệp của tổ hòa giải, có lẽ gia đình tôi đã tan vỡ, vợ chồng ly hôn. Đến nay, chồng tôi đã tu chí làm ăn, không khí trong gia đình luôn đầm ấm, vui tươi”, chị T. nói.
Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư (KDC) 24 Phan Văn Hòa chia sẻ, sau khi nắm được sự việc xảy ra tại gia đình chị T., tổ hòa giải nhanh chóng tìm hiểu sự tình, lắng nghe đầu đuôi câu chuyện. Sau đó, các hòa giải viên mời vợ chồng chị T. ngồi lại và chỉ ra cái đúng, cái sai và nhẹ nhàng khuyên can. Từ đó hàn gắn lại tình cảm gia đình. “Làm công tác hòa giải phải lắng nghe, thấu hiểu bản chất của sự việc, từ đó đưa ra lời khuyên hợp tình, hợp lý. Cũng nhờ vậy mà hàng chục vụ việc lớn nhỏ xảy ra tại KDC 24 đều được chúng tôi hòa giải thành công”, ông Hòa nói thêm.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Cẩm Lệ Trần Tuấn cho biết, hiện nay toàn quận có 118 tổ hòa giải với 742 thành viên. Từ đầu năm 2022 đến nay đã hòa giải thành công 18/24 vụ việc, qua đó góp phần bảo đảm an ninh - trật tự, tăng cường sự đoàn kết trong nhân dân. Bên cạnh đó, Mặt trận quận thường xuyên hướng dẫn các phường củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải; phối hợp Phòng Tư pháp quận tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở cho tổ trưởng, tổ phó tổ hòa giải, từ đó nâng cao chất lượng trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Trong khi đó, tại xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), nhiều vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ người dân được hòa giải thành công, gắn kết tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng. Chia sẻ về lần hòa giải thành công gần đây, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Trung Nghĩa Lý Khang nói về trường hợp tranh chấp đất giữa hộ ông D.C.A (SN 1975) và hộ ông N.T (SN 1978) trú cùng thôn.
Cả hai hộ gia đình tranh chấp đất ở do ranh giới hai nhà chồng lấn. Sau khi tìm hiểu sự việc, tổ hòa giải mời cán bộ địa chính xã tham gia để xác định ranh giới. Khi có được căn cứ, tổ hòa giải mời ông A. và ông T. đến để giảng hòa. Ban đầu, hai bên đều căng thẳng, lời qua tiếng lại nhưng sau khi nghe tổ hòa giải phân tích, giải thích thấu tình, đạt lý, 2 hộ gia đình đã đồng ý bắt tay làm hòa, xóa bỏ hiểu lầm.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Ninh Lê Thị Chinh cho biết, xã có 8 tổ hòa giải với 53 hòa giải viên. Từ đầu năm đến nay, toàn xã có 14 trường hợp nảy sinh mâu thuẫn trong nội bộ người dân được các tổ tham gia hòa giải. Trong đó, có 6 vụ việc được hòa giải thành công, 4 vụ việc đang được xác minh và 4 vụ việc chuyển lên cấp trên. “Làm công tác hòa giải phải kiên nhẫn tháo gỡ các “nút thắt” mâu thuẫn, phải khéo léo, tránh tình trạng phát sinh thêm mâu thuẫn giữa các bên”, bà Chinh nói thêm.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang Lê Duy Cửu cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện xảy ra 56 vụ việc, qua đó đã hòa giải thành công 36 vụ việc, hòa giải không thành 15 vụ việc, đang giải quyết 5 vụ việc.
Theo ông Cửu, để nâng cao hiệu quả hòa giải ở cơ sở, thời gian đến, Mặt trận huyện sẽ thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng cho hòa giải viên; phát huy vai trò của Mặt trận các cấp, các hội, đoàn thể trong giám sát, giải quyết kiến nghị, bức xúc của nhân dân. Đồng thời, tăng cường vận động người dân xây dựng gia đình văn hóa, thôn xóm văn hóa, đẩy mạnh thực hiện mô hình tộc họ không có người vi phạm pháp luật, tộc họ hiếu học…
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm, công tác hòa giải ở tuyến cơ sở đạt hiệu quả sẽ giảm các vụ việc phải chuyển đến tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân.
Đồng thời, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính vì vậy, thời gian đến, Mặt trận, các hội, đoàn thể các cấp cần tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng, phát huy những kết quả đã đạt được trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Từ đó góp phần cùng các cấp chính quyền, cơ quan chức năng xây dựng tình đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân.
NGUYỄN QUANG