Phụ nữ với các mô hình bảo đảm an toàn giao thông

.

Phụ nữ phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) triển khai mô hình tình nguyện “Chuyến xe an toàn đồng hành em đến trường” để hỗ trợ các gia đình trên địa bàn đưa đón trẻ sau tan học miễn phí. Bên cạnh đó, mô hình “Điểm chờ an toàn sau giờ học”, giúp học sinh ngồi đọc sách, thư giãn trong lúc chờ phụ huynh đến đón đã phát huy hiệu quả.

Các thành viên trong đội tình nguyện mô hình “Chuyến xe an toàn đồng hành em đến trường” đón các em từ trường về đến nhà an toàn. Ảnh: XUÂN DŨNG
Các thành viên trong đội tình nguyện mô hình “Chuyến xe an toàn đồng hành em đến trường” đón các em từ trường về đến nhà an toàn. Ảnh: XUÂN DŨNG

Mô hình “Chuyến xe an toàn đồng hành em đến trường” khởi phát từ tháng 10-2020 tại Chi hội phụ nữ số 4 (phường Hòa Phát). Song, mô hình triển khai chưa lâu thì Covid-19 bùng phát nên phải tạm ngừng. Nhận thấy mô hình có ý nghĩa thiết thực, được người dân ủng hộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hòa Phát tái khởi động mô hình từ tháng 9-2022 tại 15/15 chi hội phụ nữ cơ sở.

Mỗi chi hội thành lập nhóm zalo với khoảng 5 thành viên để thực hiện nhiệm vụ đón các em về nhà sau giờ học. Chị Sử Thị Khai, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 4 cho biết, đội tình nguyện được thành lập trên tinh thần tự nguyện, tập hợp các phụ nữ làm nội trợ hoặc có nhiều thời gian rảnh. Trong đó, đội công khai số điện thoại của các thành viên để các phụ huynh tiện liên lạc và có trang phục riêng để các em dễ nhận diện.

Trung bình mỗi ngày, đội tình nguyện của chi hội hỗ trợ đưa 5-7 học sinh từ trường về đến nhà. Nếu trường hợp gia đình không có người ở nhà, các em sẽ được đưa về nhà chi hội trưởng để nghỉ ngơi, ăn uống và chờ người thân đến đón.

Theo chị Sử Thị Khai, việc triển khai mô hình xuất phát từ đặc thù dân cư địa phương chủ yếu là lao động phổ thông, thường xuyên tăng ca hoặc có công việc bận rộn, khó có thể đón con sau khi tan học. Đồng thời, các trường học trên địa bàn phường chủ yếu nằm dọc tuyến đường Tôn Đản - đường nhỏ và có nhiều xe lưu thông trong giờ cao điểm.

Trong khi đó, vào giờ tan trường, các em nhỏ thường ào ra đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Một số em không có người thân đón phải tự đi bộ về hoặc ngồi chờ cha mẹ đến đón khá lâu, nên việc ra đời mô hình được người dân hưởng ứng. “Chúng tôi thực hiện việc này hoàn toàn từ tâm với mong muốn giúp ích cho nhiều người, nhất là góp phần bảo đảm an toàn cho các cháu sau giờ học”, chị Khai bày tỏ.

Thường xuyên nhờ các chị em trong chi hội phụ nữ đón con về nhà sau khi tan học, chị Phạm Thị Kim Thư (tổ 25, phường Hòa Phát) cho biết, hai vợ chồng chị đều là công nhân, thường xuyên tăng ca, đi làm về trễ. Trong khi đó, con trai nhỏ học Trường Tiểu học Thái Thị Bôi, tan học từ hơn 16 giờ nên anh chị rất khó khăn đối với việc đến đón con về nhà. Trước đây, gia đình thường nhờ người thân, hàng xóm đến đón, nhưng không phải lúc nào cũng được vì họ còn nhiều việc đột xuất.

Mô hình “Chuyến xe an toàn đồng hành em đến trường” của phụ nữ giúp gia đình giảm nỗi lo, yên tâm làm việc. “Gia đình tôi rất biết ơn hội phụ nữ trong việc hỗ trợ đón con sau khi tan học. Chúng tôi cũng rất yên tâm, vì các chị em luôn ý thức lái xe chậm, đi đúng làn, đầy đủ mũ bảo hiểm, bảo đảm đưa các cháu về nhà an toàn”, chị Thư chia sẻ.

Song song với mô hình trên, Hội LHPN phường Hòa Phát triển khai một điểm chờ bên cạnh Trường THCS Nguyễn Công Trứ để học sinh có thể đọc sách, nghỉ ngơi, vui chơi trong lúc chờ phụ huynh, người thân đến đón. Điểm chờ này trang bị bàn ghế, nhiều sách, truyện, tờ rơi tuyên truyền để các em đọc trong lúc chờ người đến đón.

Với những trường hợp phụ huynh đến đón quá muộn, Hội LHPN phường Hòa Phát sẽ kết hợp với mô hình chuyến xe an toàn để hỗ trợ chở các em về nhà. Em Hồ Ngọc Bảo Hân, học sinh lớp 6/4, Trường THCS Nguyễn Công Trứ cho biết, gia đình em kinh doanh đồ ăn ở chợ, hơn 18 giờ chiều mới dọn hàng nên trước đây em thường phải đi bộ về nhà. Từ khi có điểm chờ, em cùng nhiều bạn khác ngày nào cũng ở lại đây để chờ ba mẹ đến đón.

Theo Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Phát Phan Thị Kim Diệu, bước đầu triển khai, cả 2 mô hình đều nhận được sự đồng tình, ủng hộ và tin tưởng của người dân. Đặc biệt, các mô hình thực hiện trên tinh thần tự nguyện, miễn phí nên tạo ra hiệu ứng xã hội tốt, ngày càng thu hút đông đảo hội viên tham gia.

Ở cả 2 mô hình, các chị em đều tạo sự thân thiện, gần gũi và lồng ghép tuyên truyền cho các em kiến thức, kỹ năng không giao tiếp với người lạ, tránh xa tệ nạn xã hội và tuân thủ an toàn giao thông. “Với ý nghĩa đó, tôi mong muốn các mô hình tiếp tục được kế thừa, phát huy trong thời gian tới. Thông qua đó, tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức hội trong việc xây dựng môi trường sống ngày càng an toàn, tốt đẹp cho phụ nữ và trẻ em”, bà Diệu nhấn mạnh.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.