Thành phố hiện có 1.227 tàu đánh cá với khoảng 6.820 lao động, không kể 452 thúng chai lắp máy; trong đó 585 tàu có chiều dài 15m trở lên. Hiện nay, có 561 tàu được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nhìn chung, ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến khai thác hải sản, yên tâm bám biển sản xuất, phát triển kinh tế.
Thời gian qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) bằng cách tổ chức các đợt cao điểm chống IUU; tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển để ngăn chặn triệt để tình trạng tàu cá vi phạm pháp luật trong khai thác hải sản. Đồng thời tập trung quán triệt và tuyên truyền sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, văn bản hướng dẫn của cấp trên về nhiệm vụ chống khai thác IUU đến cán bộ, chiến sĩ các đơn vị và chủ phương tiện, thuyền trưởng, ngư dân trên khu vực biên giới biển của thành phố.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các đơn vị BĐBP thành phố tổ chức tuyên truyền 25 buổi/2.360 lượt người dự nghe; thực hiện công tác làm thủ tục xuất, nhập bến kết hợp tuyên truyền cho hơn 12.000 lượt chủ tàu, thuyền trưởng; phát 3.700 tờ rơi cho các chủ tàu, thuyền trưởng trong và ngoài thành phố; trao tặng 1.050 cờ Tổ quốc và 250 ảnh Bác Hồ cho ngư dân. BĐBP thành phố hướng dẫn 328 chủ phương tiện, thuyền trưởng khai thác hải sản xa bờ ký cam kết bảo đảm thông tin liên lạc biển và cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Các đơn vị BĐBP thành phố tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, sông, vịnh, bãi ngang được hơn 3.000 lần/222 lượt; qua đó, phát hiện xử lý vi phạm hành chính 22 vụ/61,3 triệu đồng với các hành vi khai thác hải sản trái tuyến, không bảo đảm giấy tờ theo quy định, không chấp hành kiểm tra, kiểm soát của người có thẩm quyền, sử dụng kích điện khai thác hải sản trái phép.
Ðể quyết tâm chống khai thác IUU, Chính phủ vừa phê duyệt đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025. Mục tiêu của đề án nhằm ngăn chặn, giảm, loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, phát triển nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Việc xử lý triệt để các trường hợp vi phạm pháp luật trong khai thác hải sản để nhằm từng bước tổ chức lại nghề đánh bắt theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững hơn. Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các sở, ngành, các lực lượng chức năng rất cần sự đồng thuận của ngư dân trong việc thực hiện. Có như vậy, thủy sản Việt Nam mới gỡ được “thẻ vàng” của EC nhằm tiến tới phát triển nghề cá bền vững.
DOÃN QUANG