Tám giải pháp giải quyết việc làm, an sinh cho người lao động tại KCN, KCX vùng Đông Nam Bộ

.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng kiến nghị 8 giải pháp giải quyết các vấn đề tạo việc làm, bảo đảm cho người lao động tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) của vùng.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị về phát triển vùng Đông Nam Bộ và xúc tiến đầu tư vùng - Ảnh: Chinhphu.vn
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị về phát triển vùng Đông Nam Bộ và xúc tiến đầu tư vùng - Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu tại Hội nghị về phát triển Vùng Đông Nam Bộ và xúc tiến đầu tư Vùng, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, Vùng Đông Nam Bộ tập trung nhiều doanh nghiệp, KCN-KCX nhất cả nước, khoảng hơn 353.000 doanh nghiệp (bằng 41,2% số doanh nghiệp của cả nước năm 2021) với hơn 5,3 triệu lao động đang làm việc (bằng 36,6% số lao động đang làm việc trong doanh nghiệp của cả nước).

Đây cũng là khu vực từng bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Trong đó, 59,1% số lao động của vùng bị ảnh hưởng tiêu cực, hơn 6% người lao động trong độ tuổi tích cực tìm kiếm việc làm nhưng không thành công (tỉ lệ này trước khi đại dịch bùng phát là 2,33%).

Thời gian qua, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã quan tâm, triển khai thực hiện nhiều chính sách, giải pháp và đạt được nhiều kết quả tốt trong việc phát triển nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân vùng Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại nhất định, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của Vùng, cụ thể như: Chất lượng nguồn lao động và chất lượng việc làm chưa cao, thiếu tính ổn định, bền vững; sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng về thu nhập và mức sống của các tầng lớp dân cư còn lớn và có xu hướng tăng, nhất là sau đại dịch Covid-19; cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của lao động di cư,người nghèo đô thị, lao động KCN, KCX còn hạn chế...

Thời gian tới, nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 24-NQ/TW, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về việc làm, giáo dục nghề nghiệp và an sinh xã hội, tập trung vào 03 nội dung: Kỹ năng lao động, việc làm thỏa đáng và an sinh xã hội bền vững; nghiên cứu xây dựng mạng lưới an sinh xã hội theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng trên cả 03 khâu (phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro).

Thứ hai, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động vùng, đầu tư và nâng cao năng lực các trung tâm dịch vụ việc làm theo hướng kết nối liên vùng, bảo đảm nguồn cung cả về số lượng và chất lượng cho phát triển kinh tế. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động; thực hiện đồng bộ các nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng tới chủ động ngăn ngừa, phòng tránh thất nghiệp.

Thứ ba, triển khai các giải pháp hỗ trợ, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong KCN, KCX mở rộng sản xuất, kinh doanh; đa dạng hoá các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, việc làm xanh...

Thứ tư, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của vùng, ưu tiên phục vụ các ngành mũi nhọn, có khả năng tạo động lực và dẫn dắt các ngành khác phát triển.

Thứ năm, đào tạo nghề nghiệp cho người lao động cả trước-trong-sau quá trình tham gia thị trường lao động; chú trọng cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp, nhất là các ngành nghề khoa học-kỹ thuật-công nghệ và đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (blockchain)… đồng thời, tạo điều kiện và có cơ chế chính sách huy động, phát triển nguồn lực tài chính cho đào tạo nghề.

Thứ sáu, hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân với phương châm "Chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau"; chủ động nâng chuẩn nghèo của địa phương cao hơn chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.

Thứ bảy, đa dạng hóa các gói dịch vụ an sinh xã hội, tổ chức cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng, cho người lao động nói chung; tập trung phát triển nhà ở xã hội và hạ tầng xã hội khác cho công nhân, chính sách hỗ trợ tín dụng để giải quyết vấn đề về chỗ ở cho người lao động.

Thứ tám, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về đẩy mạnh giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ.

Theo Chinhphu.vn

;
;
.
.
.
.
.