Tập trung chuyển đổi số tại Báo Đà Nẵng

.

ĐNO - Năm 2022, nhằm giúp Báo Đà Nẵng phát triển có hiệu quả, bắt kịp xu hướng của thời đại, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Chuyển đổi số tại Báo Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Việc ban hành Đề án chính là giúp Báo Đà Nẵng thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu…

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đoàn Ngọc Hùng Anh phát biểu thảo luận. Ảnh: NGỌC PHÚ
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đoàn Ngọc Hùng Anh phát biểu thảo luận. Ảnh: NGỌC PHÚ

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng Đoàn Ngọc Hùng Anh nhấn mạnh tại hội nghị khi thảo luận về chủ đề tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho báo Đảng diễn ra sáng 12-11.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng Đoàn Ngọc Hùng Anh cho biết, hiện nay, Báo Đà Nẵng điện tử đã hội tụ nhiều loại loại hình báo chí như báo viết, báo ảnh, báo hình, báo nói và báo tiếng Anh; có thể sản xuất được các sản phẩm báo chí đa phương tiện, hiện đại trên nền tảng ứng dụng công nghệ như: infographic, multimedia, video clip.

Năm 2022, nhằm giúp Báo Đà Nẵng phát triển có hiệu quả, bắt kịp xu hướng của thời đại, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Chuyển đổi số tại Báo Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Việc ban hành Đề án chính là giúp Báo Đà Nẵng thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, bảo đảm đúng giá trị nguyên bản của báo chí.

Từ đó, báo chí sẽ thực hiện tốt hơn sứ mệnh tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, chính xác chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, củng cố niềm tin và sự đồng thuận xã hội, giữ vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin và dư luận xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, để giúp Báo Đà Nẵng tiếp tục phát huy có hiệu quả hơn, Thành ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ Báo Đà Nẵng trong thực hiện chuyển đổi số, có cơ chế đặc thù trong việc tuyển dụng viên chức từ nguồn nhân sự tại chỗ hiện nay của báo; yêu cầu Thành ủy chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, hướng dẫn Báo Đà Nẵng sử dụng các quỹ nhuận bút bảo đảm theo quy định; đồng thời, xem xét, thẩm định phương án thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 20/6/2021 của Chính phủ… 

“Từ sự quan tâm, tạo điều kiện của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Ban Biên tập Báo Đà Nẵng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua”, ông Đoàn Ngọc Hùng Anh nhìn nhận.

Thảo luận chủ đề nâng cao chất lượng nội dung để duy trì vị thế của báo Đảng, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Nguyễn Đức Nam cho biết hoạt động chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam đang có nhiều thuận lợi nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhờ quyết tâm chính trị và chủ trương thúc đẩy quá trình chuyển đổi số được nâng lên cấp chiến lược.

Nhà báo Nguyễn Đức Nam, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng phát biểu tham luận. Ảnh: NGỌC PHÚ
Nhà báo Nguyễn Đức Nam, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng phát biểu tham luận. Ảnh: NGỌC PHÚ

Tại Đà Nẵng, năm 2011, Trang thông tin điện tử của Báo Đà Nẵng đi vào hoạt động, đến năm 2019, Báo Đà Nẵng điện tử được cấp giấy phép hoạt động với lượng truy cập tăng nhanh và ổn định.

Vừa qua, thành phố đã phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số Báo Đà Nẵng từ năm 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án được triển khai sẽ tại điều kiện thuận lợi hơn nữa để Báo Đà Nẵng phát triển, đa dạng và phong phú cách tiếp cận bạn đọc và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền… Tuy nhiên, theo nhà báo Nguyễn Đức Nam, bên cạnh các thuận lợi như trên đã nêu, báo Đảng các địa phương cũng đối mặt với một số khó khăn do khách quan hoặc chủ quan.

Từ đó, nhà báo Nguyễn Đức Nam nhấn mạnh một số giải pháp, trong đó cần đánh giá lại thực tiễn hoạt động của báo Đảng để chỉnh sửa, thay đổi, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp; tổ chức tốt công tác tiếp cận thông tin để một mặt nâng cao tính cạnh tranh về sự nhanh nhạy thông tin, mặt khác tổ chức các tuyến bài viết có chiều sâu, phân tích, luận giải, lan tỏa mạnh mẽ các vấn đề lớn của địa phương mà dư luận đang quan tâm; tận dụng triệt để các lợi thế về thông tin của báo Đảng để có những tác phẩm báo chí chất lượng, nhanh nhạy mang tính định hướng cao…

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.