Chung tay phòng, chống bạo lực với trẻ em và phụ nữ

.

Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 24-2-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp triển khai nhiều mô hình thiết thực nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng ngừa, góp phần xây dựng thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

Góc truyền thông phòng, chống bạo lực học đường, tại Trường THCS Nguyễn Phú Hường (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang). Ảnh: T.P
Góc truyền thông phòng, chống bạo lực học đường, tại Trường THCS Nguyễn Phú Hường (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang). Ảnh: T.P

Những ngày cuối tháng 10-2022, chúng tôi có mặt tại UBND phường An Khê (quận Thanh Khê) đúng lúc diễn ra hoạt động của CLB “Tư vấn pháp lý cho phụ nữ và trẻ em”. Chủ tịch Hội LHPN phường An Khê Bùi Thị Thanh Hà chia sẻ, nhận thấy trên địa bàn phường có rất nhiều hội viên phụ nữ có nhu cầu tìm hiểu về thủ tục pháp lý nhưng không có điều kiện, không có thời gian đi đến các văn phòng luật sư để được tư vấn. Từ đó, Hội thành lập CLB với mục đích tư vấn, hỗ trợ nâng cao kiến thức pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em và những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường.

CLB “Tư vấn pháp lý cho phụ nữ và trẻ em” đã hỗ trợ gần 20 trường hợp, chủ yếu về các lĩnh vực như dân sự, đất đai, hộ tịch và các lĩnh vực khác. Điển hình là trường hợp của chị Lương Thị Ái V. (SN 1988, phường An Khê), định cư ở Thái Lan, có cuộc hôn nhân không hạnh phúc, chị về Việt Nam và mong muốn được làm giấy khai sinh cho con tại Việt Nam. Được cán bộ Chi hội phụ nữ KDC số 4A Tân Hòa giới thiệu, chị V. đã được các luật sư hướng dẫn và hoàn tất những giấy tờ, thủ tục cần thiết để làm giấy khai sinh tại Việt Nam cho con.

Hội LHPN phường còn triển khai mô hình “Công khai địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em bằng mã QR”, thông qua việc quét mã QR người dân tiếp cận được danh sách các địa chỉ tin cậy trên địa bàn phường, số điện thoại đường dây nóng để được hỗ trợ, xử lý và giải quyết kịp thời các trường hợp nạn nhân bị bạo lực gia đình. Hiện nay, các mã QR đều được dán trước các nhà sinh hoạt cộng đồng như ở các KDC như Tân Hòa, Tân An, Thuận An, An Xuân… Chị Hà cho biết, tại các nhà tạm lánh, Hội LHPN phường luôn chuẩn bị sẵn sàng các vật dụng cơ bản như giường, chăn, màn và các nhu yếu phẩm thiết yếu để kịp thời hỗ trợ cho các chị, em hội viên gặp các vấn đề về bạo lực gia đình.

Tại phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ), tháng 4-2021, Hội LHPN phường khai trương mô hình CLB “Sắc cam - hãy lên tiếng khi bạn cần” với sự tham gia của 22 thành viên, đặc biệt có 8 thành viên nam giới. Bởi sự bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình luôn đến từ hai phía, nếu chỉ có phụ nữ được tuyên truyền và tham gia CLB này chỉ mới đạt nửa tiêu chí, khi có sự tham gia tích cực của nam giới vào CLB đã tạo nên hiệu ứng tích cực và lan tỏa trong cộng đồng KDC.

Theo Chủ tịch Hội LHPN phường Nguyễn Thị Tố Trang, CLB “Sắc cam - hãy lên tiếng khi bạn cần” duy trì sinh hoạt đều đặn mỗi tháng 2 lần , là nơi để chị em phụ nữ trao đổi những tâm tư, những khó khăn đang gặp phải tại gia đình mình. Từ đó, CLB đưa ra giải pháp kịp thời để hỗ trợ, tư vấn, can thiệp cho phụ nữ và trẻ em gặp vấn đề bạo lực. Bên cạnh đó, CLB thường xuyên tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề bạo hành gia đình. Đồng thời, đây cũng là nơi tiếp nhận, thu thập thông tin về các hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền.

“CLB “Sắc cam - hãy lên tiếng khi bạn cần” đã giúp được hơn 25 trường hợp trên địa bàn phường, giờ đây gia đình các chị, em hội viên đã thấu hiểu nhau, sống hạnh phúc và biết cách yêu thương nhiều hơn. Bên cạnh đó, CLB đồng hành hỗ trợ cho phụ nữ nghèo và trẻ em tại khu dân cư, quan tâm giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho các chị, em hội viên”, chị Trang chia sẻ.

Từ những mô hình thiết thực của từng địa phương sẽ giúp thay đổi nhận thức của người dân về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em, hướng đến xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn. Các mô hình tại các địa phương cũng chính là địa chỉ tin cậy của nhiều phụ nữ. Nhiều chị em được bảo vệ, tránh khỏi bạo hành gia đình; nhiều vụ việc được hòa giải thành công, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

THANH PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.