92 năm qua, Đảng ta không ngừng nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu, phù hợp tiến trình cách mạng Việt Nam và sự phát triển của đất nước. Trong sự phát triển chung ấy, hơn 25 năm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng không ngừng đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong từng giai đoạn.
Chị Đặng Thị Thu Trang (thứ 2, bên phải sang), tổ 10, khu dân cư số 5, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu được hỗ trợ xây nhà ở trong Chương trình “Thành phố 3 có”. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Bài 1: Nhiều chủ trương sát thực tiễn, hướng về nhân dân
Xác định Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, đường lối, chỉ thị, nghị quyết là phương thức cơ bản, Đảng bộ thành phố thường xuyên cải tiến việc ban hành nghị quyết, chỉ thị theo hướng ngắn gọn, súc tích, có trọng tâm, trọng điểm, sát với tình hình thực tiễn và theo phương châm nghị quyết phải là sự thống nhất “ý Đảng hợp với lòng dân”. Từ đó, chủ trương nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân trong quá trình đưa nghị quyết vào cuộc sống, mang đến những thành tựu phát triển quan trọng của thành phố trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Những chủ trương hợp lòng dân
Nhìn ngôi nhà khang trang còn thơm mùi sơn, chị Đặng Thị Thu Trang (ngụ tổ 10, khu dân cư số 5, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) tưởng mình đang mơ. Chị là mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ và người em bị bệnh tâm thần, sống trong căn nhà dột nát, nắng nóng hầm hập, mưa dột, nghe tin bão phải sang nhà hàng xóm tránh tạm.
Sau khi nắm bắt gia cảnh chị Trang, Mặt trận phường Hòa Hiệp Bắc vận động nhà hảo tâm tài trợ 50 triệu đồng xây nhà cho chị. “Chị Hồ Thị Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Hiệp Bắc gọi lên trao đổi về việc hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà mới, tôi không dám nhận vì không thể xoay xở thêm tiền đủ để xây nhà. Chị Nga cùng cán bộ và bà con trong khu dân cư động viên, tôi mới dám nhận”, chị Trang nhớ lại. Bà con cả xóm xúm vào giúp chị Trang xây nhà. Ông Trần Thế Hùng, Phó trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư, nhận xây dựng miễn phí, mỗi người giúp chị một ít, như mua vật liệu, tặng nội thất. Ngôi nhà hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng trị giá 102 triệu đồng mà chị không phải vay thêm một đồng nào. “Ngôi nhà là niềm mơ ước của mẹ con tôi, chị Trang nói.
Đó là một trong hàng nghìn trường hợp cảm nhận được hạnh phúc trong ngôi nhà mơ ước từ những chương trình nhân văn của thành phố Đà Nẵng. Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Nguyễn Đăng Hoàng cho biết, khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1-1-1997), thành phố có 850 hộ đói và hàng ngàn hộ nghèo.
Năm 2000, thành phố có Chương trình “5 không” (không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng, không có giết người để cướp của). 2 năm sau, thành phố đã xóa hết hộ đói, chuyển sang mục tiêu không có hộ đặc biệt nghèo, đã trợ giúp cho gần 6.000 hộ vươn lên thoát nghèo.
Đến năm 2005, với Chương trình “3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị), thành phố đầu tư ngân sách xây dựng hàng loạt khu chung cư, nhà ở xã hội bố trí cho thuê gần 10.000 căn hộ cho các đối tượng cán bộ, công chức, người dân nghèo khó khăn về chỗ ở.
Đến Đà Nẵng sinh sống từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, bà Hoàng Thị Thúy (quê Quảng Trị, thường trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) cho rằng Đà Nẵng thay đổi một cách chóng mặt sau 25 năm qua. “Nhà tôi ở khu vực nhà máy thuốc lá thuộc phường Khuê Trung, thời đó khu vực này toàn ruộng, lùm tre, như vùng nông thôn. Năm 2001, thành phố có chủ trương giải tỏa, nhà tôi may mắn được tái định cư ra đường 10,5m khang trang, rộng rãi, có điều kiện để kinh doanh, buôn bán”, bà Thúy nhớ lại.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, trong giai đoạn 2003-2018, thành phố đã phê duyệt 7 phân khu và rà soát, điều chỉnh, phê duyệt hơn 4.200 đồ án quy hoạch, chú trọng quy hoạch phát triển không gian đô thị ra các hướng tây, tây bắc, nam, đông nam. Các khu vực chức năng phát triển đúng hướng, không gian đô thị được mở rộng theo hướng “mở rộng bờ sông, kéo dài bờ biển”, đến nay quy mô gần 20.000ha, gấp hơn 3 lần so với thời điểm năm 2003.
Trong quá trình quy hoạch đô thị, có gần 120.000 hộ dân di dời, giải tỏa, tổng diện tích thu hồi đất 11.488ha, tổng số tiền chi cho đền bù giải tỏa khoảng 5.000 tỷ đồng, số trường hợp bị cưỡng chế rất ít. “Thành quả quy hoạch, phát triển đô thị của Đà Nẵng khẳng định chủ trương đúng đắn của Thành ủy hợp ý Đảng, lòng dân, tạo nên sự đồng thuận và sức mạnh to lớn để hiện thực hóa chủ trương của Thành ủy đưa đến cho thành phố một diện mạo đô thị hiện đại, đáng sống hôm nay”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.
Lòng dân trong đại dịch
Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam và lan rộng đến các tỉnh, thành. Đà Nẵng chịu tác động mạnh, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 6-2021. Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị tập trung công tác phòng, chống Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Ban Thường vụ Thành ủy kịp thời ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU “về tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố” trong bối cảnh chưa đầy 3 tuần Đà Nẵng ghi nhận hơn 600 ca mắc. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, ngày 14-8-2021, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2788/QĐ-UBND “bổ sung và điều chỉnh một số biện pháp cấp bách để phòng, chống Covid-19 theo Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 30-7-2021 về việc “Thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng, chống Covid-19”.
Thường trực Thành ủy đề nghị UBND thành phố và các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng chặt chẽ quy trình cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân, huy động toàn bộ đảng viên, cán bộ, công chức cùng tham gia phòng, chống dịch. Gần như tất cả bí thư, chủ tịch các quận, huyện, phường, xã đều ở trạng thái chịu áp lực chống dịch căng thẳng, vừa lo chống dịch, nắm tình hình, kiểm soát, điều tra, truy vết, vừa lo an sinh xã hội; cán bộ, đảng viên các cơ quan Nhà nước, trường học đồng lòng vào cuộc chống dịch.
Bên cạnh đó, tổ Covid-19 cộng đồng, bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, các tình nguyện viên… đều nêu cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, cùng chia sẻ, gánh vác nhiệm vụ phòng, chống dịch. Tại thời điểm này, có hơn 20.000 người được huy động tham gia phòng, chống dịch trong giai đoạn “ai ở đâu thì ở đó”. Tất cả người dân thành phố đã đồng hành, thực hiện tốt chủ trương của thành phố.
Ngày 4-12-2020, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ 2, Thành ủy thống nhất chọn chủ đề năm 2021 là “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế” với các chỉ tiêu cụ thể là GRDP tăng 6% so với năm 2020; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 100% số thu thực tế của năm 2020; tổng vốn đầu tư phát triển ước tăng 6-7%...
Tuy nhiên, đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 năm 2021 đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân thành phố. Tuy vậy, với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh, chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và dần khôi phục các hoạt động, kinh tế có bước khởi sắc. Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) toàn thành phố năm 2021 tăng 0,18% so với năm 2020.
Tại hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy đề ra chủ đề năm 2022 “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.
UBND thành phố ban hành kế hoạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế-xã hội thành phố trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19. Trong quý 1-2022, GRDP tăng chưa đến 1% nhưng bước sang quý 2, với sự nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, GRDP tăng lên 12,3%, kéo theo GRDP 6 tháng đầu năm tăng 7,23%. Tiếp đà tăng trưởng, GRDP 9 tháng tăng 16,76% và cả năm 2022, GRDP thành phố Đà Nẵng tăng 14,05%, đứng thứ 3 cả nước.
SƠN TRUNG - NGỌC PHÚ