Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Bám sát thực tiễn, thống nhất "ý Đảng hợp với lòng dân"

Bài 3: Những bài học kinh nghiệm

.

Quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo, Đảng bộ thành phố gặt hái nhiều kết quả nổi bật. Nhiều bài học kinh nghiệm được đúc rút, nhất là lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản biện mang tính xây dựng đầy tâm huyết và nghiêm túc khắc phục hạn chế để tạo động lực mới phát triển. 

Lối xuống biển khu vực quận Ngũ Hành Sơn đã được mở thêm cho người dân sử dụng. Ảnh: XUÂN SƠN
Lối xuống biển khu vực quận Ngũ Hành Sơn đã được mở thêm cho người dân sử dụng. Ảnh: XUÂN SƠN

Tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, bên cạnh những thành tựu đạt được, Đảng bộ thành phố nhìn nhận một số cấp ủy, người đứng đầu chưa làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Việc thực hiện quy định, quy chế của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ có lúc, có nơi chưa được thực hiện tốt.

Tại hội nghị Thành ủy lần thứ 12 khóa XXI, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Thành ủy nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục những sai phạm, khuyết điểm theo Thông báo số 292-TB/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Kết luận số 2852/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Sau hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung chỉ đạo công tác rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố, gắn với điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị triển khai dự án; tập trung hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là các công trình động lực, trọng điểm; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng trái phép, không phép, hậu cấp phép xây dựng và nhiều nội dung quan trọng khác…

Từ nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tập trung các giải pháp để tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), đồng thời khắc phục những sai phạm của nhiệm kỳ cũ. Thành phố đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đề xuất Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ các kết luận, bản án. Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hai cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy, qua đó ban hành kết luận, chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với thành phố tập trung thực hiện và xử lý dứt điểm các vi phạm theo các kết luận thanh tra, điều tra, kiểm toán và thi hành các bản án với tinh thần không hợp thức hóa cái sai nhưng phải tìm cơ chế, chính sách để tháo gỡ với cách tiếp cận mới, tư duy mới nhằm xử lý các vấn đề tồn đọng, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn và khơi thông nguồn lực để phát triển.

Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Trọng Hùng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung chỉ đạo các cấp ủy Đảng rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhằm kịp thời khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; sắp xếp, bố trí, phân công rõ chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm tính thống nhất, gắn trách nhiệm của từng người trong thực thi công vụ. Người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo chủ chốt từ thành phố đến cơ sở thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quyền hạn được giao trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, cơ quan, đơn vị. 

Thành phố tập trung nguồn lực để thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua 3 năm triển khai thực hiện, đến nay đã hoàn thành 88/523 nhiệm vụ đến hạn, đang triển khai 420 nhiệm vụ. Một số nhiệm vụ quan trọng, nổi bật đã hoàn thành đúng tiến độ, làm nền tảng cho việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW trong cả giai đoạn 2021-2030, đó là: tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành một số đề án, cơ chế, chính sách quan trọng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án liên quan đến dự án, đất đai... tạo điều kiện phát triển thành phố thời gian đến; các công trình, dự án động lực, trọng điểm được phối hợp triển khai và mang lại hiệu quả bước đầu.

Lắng nghe để điều chỉnh phù hợp 

Năm 2014, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức hội nghị phản biện dự án cầu đi bộ qua sông Hàn. Qua phản biện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đề nghị UBND thành phố tạm dừng việc thực hiện dự án và được chấp nhận. Đặc biệt, năm 2016, dự án hầm đường bộ qua sông Hàn với tổng vốn ban đầu lên đến 4.700 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, dự kiến khởi công năm 2018 đã nhận được nhiều ý kiến phản biện. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học phân tích tác động của dự án từ việc phá vỡ quy hoạch thành phố đến nguồn lực cũng như tác động trong quá trình vận hành... Từ những đóng góp quý báu đó cùng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, thành phố Đà Nẵng đã dừng việc triển khai dự án.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng cho biết, thời gian qua, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội chú trọng công tác giám sát và phản biện xã hội, tập trung vào những lĩnh vực người dân quan tâm, bức xúc, qua đó đã kiến nghị chính quyền xem xét giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng, bất cập, đạt được kết quả tích cực. Từ năm 2014 đến hết tháng 6-2022, Mặt trận các cấp tổ chức trên 120 hội nghị phản biện xã hội. Nhiều kiến nghị, đề xuất được cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa phù hợp trước khi ban hành, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Trong đó có kiến nghị của người dân được Ban Thường vụ Thành ủy lắng nghe và tại cuộc họp ngày 23-1-2018, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương mở 5 lối xuống biển trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn theo hướng bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và nhu cầu khai thác công cộng tại khu vực. Chủ trương nhanh chóng nhận được sự đồng tình của dư luận và sự hợp tác của các nhà đầu tư đang sở hữu quyền quản lý các cơ sở du lịch bít lối xuống biển của người dân. Bài học kinh nghiệm tiếp tục được thực hiện khi UBND thành phố đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 khu du lịch sinh thái Nam Ô (quận Liên Chiểu) theo hướng điều chỉnh vệt mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành thành công viên cây xanh, bãi xe công cộng; quy hoạch 5 lối xuống biển công cộng; tách ghềnh Nam Ô và bãi cát ra khỏi dự án.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Tô Văn Hùng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người dân, nâng cao chất lượng không gian và tiện ích đô thị, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. “Với quyết tâm cao của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của các doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh quy hoạch đang triển khai, nhu cầu tiếp cận biển của người dân đã được đáp ứng. Nhu cầu tiếp cận biển của người dân đã được quy định trong Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo điều chỉnh bổ sung năm 2016. Thành phố đã thực hiện mở lối xuống biển là phù hợp với luật, bảo đảm quyền của người dân”, ông Hùng nhấn mạnh.

Chú trọng kiểm tra, giám sát

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện vi phạm, Thành ủy ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 6-7-2021 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng; chỉ đạo cấp ủy các cấp và Ủy ban Kiểm tra các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Tinh thần công tác kiểm tra, giám sát là công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng; thực hiện đồng bộ giữa kiểm tra và giám sát theo phương châm “giám sát mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”. Việc xử lý kỷ luật để răn đe, phòng ngừa, “xử lý một người để nhắc nhở, cảnh tỉnh nhiều người”. Qua công tác kiểm tra, giám sát để kết hợp giữa việc phát hiện, nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa vi phạm từ sớm, từ xa, không để khuyết điểm kéo dài trở thành vi phạm với việc xử lý kỷ luật nghiêm minh theo phương châm không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ; kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, phát huy những nhân tố mới, tích cực.

NGỌC PHÚ - SƠN TRUNG

;
;
.
.
.
.
.