Kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa X: Thảo luận, chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm

.

Ngày 14-12, kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cùng các Phó Chủ tịch HĐND thành phố: Trần Phước Sơn và Nguyễn Thị Anh Thi chủ trì phiên họp.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: NGỌC PHÚ
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: NGỌC PHÚ

Nâng cao chất lượng giáo dục

Trong phiên thảo luận vào buổi sáng, các đại biểu (ĐB) thảo luận chủ trương xây dựng nhà ở xã hội cho người có công cách mạng, hộ nghèo; vấn đề vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh; thực trạng và giải pháp phát triển giáo dục; việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố. ĐB Lê Văn Nghĩa, Tổ ĐB quận Liên Chiểu cho biết, thành phố đã triển khai Đề án “Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025”. Đến nay, tiến độ triển khai qua gần 2/5 thời gian nhưng hầu hết các công trình đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. “Nếu việc xây dựng trường không bảo đảm đúng tiến độ thì không đủ phòng học để triển khai học 2 buổi/ngày, thậm chí là học 9 buổi/tuần cho tất cả các khối lớp. Mặt khác, việc chậm trang bị đồ dùng dạy học ở tất cả các cấp học, việc quy hoạch đầu tư giữa các bậc học, giữa các địa phương… gây khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn thành phố”, ĐB Nghĩa nói.

Theo ĐB Hoàng Thị Thu Hương, Tổ ĐB quận Hải Châu, vấn đề sức khỏe học đường cần được quan tâm hơn nữa để bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho trẻ em. Trong đó, bao gồm dinh dưỡng và bữa ăn học đường, nước sạch và vệ sinh trường học; bệnh học đường, giáo dục thể chất và thể thao trường học. ĐB đề nghị thành phố tăng cường chỉ đạo các quận, huyện giao phòng giáo dục và đào tạo kiểm tra, theo dõi, đề ra giải pháp tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa không để xảy ra tình trạng học sinh bị bạo hành, xâm hại trong nhà trường.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Bích Thuận, ngành giáo dục đã tham mưu UBND thành phố, phối hợp các quận, huyện quan tâm triển khai nhiều chương trình, đề án phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn thành phố. Việc kiểm tra, rà soát vấn đề vệ sinh tại các nhà ăn, bếp ăn, nhà vệ sinh được thực hiện thường xuyên. Ngành và các ngành liên quan tích cực phối hợp các địa phương xây dựng trường học lành mạnh, thân thiện, tích cực; triển khai nhiều mô hình về xây dựng trường học thân thiện, hạnh phúc; phối hợp với gia đình giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, ĐB Trương Minh Hải, Tổ ĐB quận Thanh Khê cho rằng, mức hỗ trợ cho người có công cách mạng xây mới nhà ở 60 triệu đồng/căn, sửa chữa 20 triệu đồng/căn; hỗ trợ hộ nghèo xây mới nhà ở 50 triệu đồng/căn, sửa chữa 20 triệu đồng/căn là quá thấp so với mức tăng vật giá hiện nay. Thành phố cần nghiên cứu nâng mức hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các đối tượng này.

Tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, phòng chống tội phạm

Theo ĐB Lương Công Tuấn, Tổ ĐB quận Hải Châu, qua hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, có thể thấy một số điểm ưu việt. Tổ chức bộ máy cơ quan hành chính được tinh gọn, tiết kiệm chi ngân sách, thủ tục hành chính giảm, thời gian triển khai kế hoạch nhanh hơn, phù hợp với tính chất của mô hình CQĐT. Việc không còn HĐND cấp quận, phường đã giảm chi ngân sách gần 36 tỷ đồng/năm; giảm 215 cán bộ là đại biểu HĐND cấp quận và 1.275 đại biểu HĐND cấp phường. Bên cạnh đó, tính năng động của chính quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các quận, phường được nâng lên.

Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 vẫn còn gặp khó khăn như: quận, phường chuyển từ việc cấp ngân sách qua cấp dự toán đã bộc lộ lúng túng trong quá trình điều hành, xử lý các vấn đề ở địa phương. Nội dung phân cấp, ủy quyền còn gặp nhiều trở ngại trong việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong quá trình rà soát các nội dung, nhiệm vụ khi triển khai thực hiện mô hình CQĐT.

ĐB đề nghị Thường trực HĐND thành phố sớm xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12-9-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND và Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 14-7-2022 của HĐND thành phố về quy định một số hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, các ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thành phố khi thực hiện thí điểm mô hình CQĐT trên địa bàn thành phố. “HĐND thành phố cần kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương các vấn đề về tài chính, bố trí cán bộ ở cấp phường để việc thực hiện mô hình CQĐT đạt hiệu quả trong thời gian đến”, ĐB Tuấn đề nghị.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, thành phố đã có báo cáo gửi Bộ Nội vụ và các cơ quan Trung ương. Bộ Nội vụ đã có đề xuất điều chỉnh một số nội dung quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là một số nội dung còn hạn chế, bất cập trong quá trình tổ chức mô hình CQĐT tại Đà Nẵng.

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐB lo lắng trước tình hình tội phạm nguy hiểm, tội phạm công nghệ cao, nhất là tội phạm ma túy và “tín dụng đen” diễn biến phức tạp. ĐB Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Công an thành phố, Tổ ĐB quận Liên Chiểu cho rằng, hiện tội phạm công nghệ cao đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân. Lực lượng Công an thành phố đã chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đồng thời tăng cường đăng tải thông tin cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao; yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông đồng loạt gửi tin nhắn tuyên truyền người dân chấp hành các quy định của pháp luật.

Đại biểu Lương Công Tuấn, Tổ đại biểu quận Hải Châu thảo luận về các giải pháp triển khai thực hiện  thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Ảnh: NGỌC PHÚ
Đại biểu Lương Công Tuấn, Tổ đại biểu quận Hải Châu thảo luận về các giải pháp triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Ảnh: NGỌC PHÚ

Tìm giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào buổi chiều, trả lời câu hỏi của các đại biểu về tình trạng thiếu giáo viên, trang thiết bị dạy học, quá tải trường lớp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Bích Thuận cho biết, UBND thành phố đã giao cho ngành giáo dục phối hợp với UBND các quận, huyện tiến hành rà soát các trường học cần được đầu tư để đề xuất thành phố bố trí nguồn vốn.

Qua rà soát, một số trường có điều kiện cơ sở vật chất chưa bảo đảm đã được UBND thành phố giao cho các quận, huyện thực hiện các công đoạn đầu tư trong năm 2023. Đối với quận Liên Chiểu là địa bàn có mật độ số lượng học sinh tăng nên việc học 2 buổi/ngày gặp khó khăn, thành phố rất quan tâm đến việc đầu tư trường lớp. Trong đó, năm học 2022-2023, quận sẽ được đầu tư 2 trường THCS và 1 trường tiểu học. Bên cạnh đó, quận Liên Chiểu bố trí vốn tiến hành sửa chữa một số trường như: Trường Tiểu học Phan Phu Tiên, Trường Tiểu học Trưng Nữ Vương…

Liên quan đến việc thiếu giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngành giáo dục sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện Đề án “Xây dựng, nâng cấp mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu phấn đấu đạt mục tiêu 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh tổ chức tuyển dụng, bố trí đủ giáo viên nhằm bảo đảm nhu cầu dạy học, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học.

Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu ngành giáo dục phải sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Trong đó, cân đối giáo viên ở các địa phương, các trường học để tham mưu với các địa phương bố trí cho phù hợp. Đồng thời, chủ động phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc đề xuất thành phố tăng thêm nguồn vốn trung hạn cho các công trình trường học phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương.

Sớm di dời doanh nghiệp gây ô nhiễm, bảo đảm cung ứng xăng dầu 

Trả lời chất vấn của ĐB Trần Vũ Duy Mẫn, Tổ ĐB quận Liên Chiểu, về lộ trình, tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp phục vụ việc di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm trong khu dân cư, Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương cho biết, hiện thành phố đang triển khai đầu tư xây dựng 3 cụm công nghiệp gồm: cụm công nghiệp Cẩm Lệ, Hòa Nhơn và Hòa Khánh Nam. Dự kiến, tháng 6-2023 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cụm công nghiệp Cẩm Lệ, tháng 9-2024 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cụm công nghiệp Hòa Nhơn và tháng 12-2024 sẽ hoàn thành cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam.

Về việc xây dựng lộ trình di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, Sở Công Thương đang tham mưu UBND thành phố đề nghị các địa phương tổng hợp nhu cầu di dời để xây dựng lộ trình trong năm 2023. Đồng thời, sở đề xuất bổ sung 9 cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố để đáp ứng nhu cầu di dời và mở rộng sản xuất của các cơ sở kinh doanh trong thời gian tới.

Để bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, các đơn vị kinh doanh xăng dầu cam kết tăng nguồn dự trữ lên 20% để bảo đảm nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Sở cũng phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan tăng cường nắm tình hình, giám sát việc kiểm tra các quy định bán hàng, bảo đảm ổn định cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố.

Liên quan đến đề xuất nâng mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công cách mạng, hộ nghèo, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Đăng Hoàng cho biết, sẽ tham mưu UBND thành phố xây dựng các tờ trình, nghị quyết trình HĐND thành phố thông qua trong năm 2023 để nâng mức hỗ trợ. Dự kiến sẽ nâng mức hỗ trợ cho người có công cách mạng từ 20 triệu đồng lên 40 triệu đồng/nhà sửa chữa; từ 60 triệu đồng lên 100 triệu đồng/nhà xây mới; nâng mức hỗ trợ cho hộ nghèo từ 20 triệu đồng lên 30 triệu đồng/nhà sửa chữa và nâng từ 50 triệu đồng lên 80 triệu đồng/nhà xây mới để bảo đảm nơi ở cho người có công cách mạng, hộ nghèo trên địa bàn thành phố.

TRỌNG HÙNG - LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.