Sạt lở: Cần xử lý ổn định, lâu dài

.

Sạt lở đất là loại hình thiên tai xảy ra nhanh, mạnh, bất ngờ và rất khó dự báo. Trong đợt mưa lớn vào trung tuần tháng 10 vừa qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trước xu hướng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn, mưa cực đoan đòi hỏi thành phố cần có giải pháp khắc phục và ứng phó với loại hình thiên tai nguy hiểm này một cách căn cơ và bảo đảm an toàn.

Một điểm sạt lở lớn tại đường đèo Hải Vân. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một điểm sạt lở lớn tại đường đèo Hải Vân. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Bài 1: Sạt lở ngày càng phức tạp

Những năm trước đây, tại một số khu vực trên địa bàn vẫn thường hay xảy ra sạt lở đất, đá khi có mưa lớn. Tuy nhiên, sau đợt mưa cực đoan vào ngày 14-10, số lượng các điểm sạt lở rất nhiều. Đáng nói, dự báo những vị trí này có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở trong thời gian tới.

Hơn 100 điểm sạt lở

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố, khu vực miền núi phía tây và tây bắc thành phố có địa mạo, địa chất phức tạp; độ dốc của các sườn núi khá lớn. Khi xuất hiện mưa lớn kéo dài nhiều ngày kết hợp với các tác động của con người như: bạt núi, mở đường, chặt cây rừng, khai thác khoáng sản... đã gây ra sạt lở đồi núi, sườn dốc nhiều nơi.

Trước ngày 14-10, tình hình sạt lở chủ yếu xảy ra trên địa bàn của 7 xã, phường, như: khu vực dọc sông Cu Đê, suối Lương và đèo Hải Vân (thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu); khu vực suối Đá và dọc các đường lên bán đảo Sơn Trà (thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Tình trạng sạt lở cũng xảy ra ở nhiều nơi thuộc huyện Hòa Vang như: thôn Quan Nam 3 (xã Hòa Liên); khu vực núi Sọ (xã Hòa Sơn); các thôn 1, Đông Sơn, An Sơn, An Ngãi Đông, đèo Ông Gấm (đường ĐT.602), núi Bà Nà (xã Hòa Ninh); các thôn Nam Yên, Hội Yên, Nam Mỹ, Phò Nam, An Định, đường ĐT.601 (xã Hòa Bắc); các thôn Đông Lâm, Hội Phước, Hòa Phước, An Châu, quốc lộ 14G (xã Hòa Phú). Trong mùa mưa của 2 năm 2020 và 2021, tại những khu vực nói trên cũng đã xảy ra sạt lở nhưng không nhiều, không gây ảnh hưởng nhiều đến hạ tầng giao thông, công trình...

Tuy nhiên, từ 14 giờ đến 22 giờ ngày 14-10, tổng lượng mưa đo được tại khu vực suối Đá lên đến 646,8mm, đồng nghĩa với 646,8 lít nước đổ xuống diện tích 1m2 trong 8 giờ, gây lũ quét làm xói lở nhiều vị trí mặt đường, cống, rãnh thoát nước... và sạt lở 64 vị trí dọc các đường lên bán đảo Sơn Trà, trong đó có 6 vị trí sạt lở nghiêm trọng. Mưa quá lớn trong thời gian nói trên tại khu vực suối Lương với lượng mưa 315,8mm gây lũ quét chưa từng thấy ở phía trước cửa phía nam của hầm đường bộ Hải Vân, làm bồi lấp nhiều đất đá, gây ách tắc giao thông (phải phân luồng lên cao tốc La Sơn - Túy Loan). Nhất là trên tuyến đường đèo Hải Vân đoạn từ Km 892+700 đến Km 916+300, có 56 vị trí sạt lở taluy dương, đá lăn..., trong đó, có 2 vị trí sạt lở gây tắc đường hoàn toàn tại Km 901+290, Km 907+300 với khối lượng đất, đá sạt lở ước tính 150.000m3 đất, đá và 6 vị trí sạt lở taluy âm nặng nề gây hư hỏng mặt đường, hệ thống an toàn giao thông...

Ông Nguyễn Văn Thảo (người dân phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) cho hay: “Từ sau mưa, lũ lịch sử năm 1999 đến giờ mới thấy đèo Hải Vân bị sạt lở nhiều đến vậy. Những năm gần đây, các sườn đồi, núi trên đèo Hải Vân không còn nhiều cây lớn phủ che mặt đất. Vì vậy, khi mưa lớn, nước mưa xói trên mặt sườn dốc, cuốn trôi nhiều đất, đá xuống cũng như làm lăn nhiều hòn đá lớn xuống đường. Nhiều vị trí đã được kè chắn sạt lở vẫn bị đá đánh vỡ”.  

Theo báo cáo của UBND huyện Hòa Vang, mưa quá lớn đã xảy ra sạt lở đất, đá ở nhiều nơi. Cụ thể, tại xã Hòa Bắc, sạt lở gây bồi lấp đất, đá tại khu vực Khe Định, thôn Nam Yên với chiều dài khoảng 200m, khối lượng đất, đá bồi lấp khoảng 1.000m3. Sạt lở nhiều vị trí trên núi, taluy dương làm nhiều đất, đá đổ xuống đường ĐT.601 và ADB5 đoạn qua 2 xã Hòa Bắc và Hòa Liên. Tại xã Hòa Phú, sạt lở một số vị trí dọc quốc lộ 14G, đường vào nghĩa trang An Châu, ngầm tràn ở hạ lưu đập Đồng Tréo. Đặc biệt, tại xã Hòa Sơn, có 6 điểm sạt lở tại nghĩa trang Hòa Sơn (núi Hòa Khê) và 1 điểm sạt lở tại nghĩa trang Hố Dầu (thôn An Ngãi Đông) đã làm bồi lấp nhiều ngôi mộ; sạt lở đất, đá tại đồi núi khu vực Hố Sâu làm bồi lấp đường và khu vực nhà dân ở tổ 6, thôn An Ngãi Đông; sạt lở tại khu vực núi Sọ làm bồi lấp các mương thoát nước và mặt đường ở khu tái định cư số 6, thôn An Ngãi Tây 1; sạt lở tại đèo Đại La thuộc thôn Đại La...

Nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở

Hiện nhiều người dân, người đi đường vẫn không khỏi lo ngại nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở tại những vị trí đã bị vào ngày 14-10 khi có mưa lớn trong thời gian đến, bởi nhiều vị trí đã bị bóc lớp phủ bên ngoài, có những vị trí sạt lở tạo thành mái dốc lớn, bị mất cân bằng giữa các khối đất, đá..., thậm chí là có những khối đất, đá chưa trượt lở xuống hết, còn đang mắc kẹt ở lưng chừng sườn dốc...

Ông Trần Văn Đông (người dân ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) bày tỏ: “Tôi chưa từng thấy bán đảo Sơn Trà bị sạt lở nhiều và nghiêm trọng như sau ngày 14-10. Nhiều vệt sạt lở vẫn còn có khả năng tiếp tục xảy ra, nhiều hòn đá mồ côi đang mắc hờ trên sườn dốc, rất dễ lăn xuống trong thời gian tới. Chúng tôi nhìn thấy có vệt sạt lở ở phía sau một số nhà dân, đơn vị, doanh nghiệp ở đường Lê Văn Lương, Yết Kiêu, khu vực suối Đá... Do đó, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, khuyến cáo hoặc có giải pháp xử lý để bảo đảm an toàn”.

TS. Võ Thành Trung, Trưởng phòng Khoa học và công nghệ, giảng viên Khoa Cầu đường, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, vừa cùng nhóm nghiên cứu khảo sát thực địa tại một số vị trí sạt lở tại nghĩa trang Hòa Sơn, chia sẻ: “Nếu thiên tai tiếp tục thì các vụ sạt lở rất có thể sẽ xảy ra chính tại vị trí này và rõ ràng đây cũng là điều lo lắng nhất của thân nhân hàng nghìn ngôi mộ tại nghĩa trang Hòa Sơn. Với những đánh giá ban đầu và các phỏng đoán trong tương lai gần của nhóm, việc cấp bách triển khai các nghiên cứu cụ thể và chuyên sâu là cần thiết, đặc biệt là các mô hình nghiên cứu để hiểu rõ cơ chế của dòng lũ “bùn đá” tại khu vực này cơ bản xác định năng lượng phá hoại, để có thể đưa ra các giải pháp phù hợp, nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu sạt lở tương tự có thể xảy ra”.

Trong khi đó, theo UBND huyện Hòa Vang, các vị trí đã sạt lở còn tiếp tục có nguy cơ xảy ra sạt lở, nhất là khu vực núi Sọ (xã Hòa Sơn) có nguy cơ ảnh hưởng đến 43 hộ dân. Nguy cơ sạt lở núi tại các khu vực thôn Phò Nam, Nam Yên và Tà Lang (xã Hòa Bắc) gây ảnh hưởng đến 20 hộ dân và nguy cơ tiếp tục sạt lở đất, đá với khối lượng lớn tại các điểm đã sạt lở trên địa bàn huyện, gây ảnh hưởng đến giao thông trên các tuyến đường, ảnh hưởng đến người dân sinh sống gần khu vực sạt lở.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.