Thí điểm tổ chức chính quyền đô thị giúp giảm chi ngân sách 36 tỷ đồng

.

ĐNO - Việc triển khai mô hình chính quyền đô thị khi không còn HĐND cấp quận, phường đã giảm chi ngân sách gần 36 tỷ đồng/năm; đồng thời giảm 215 cán bộ là đại biểu HĐND cấp quận và 1.275 đại biểu HĐND cấp phường. Bên cạnh đó, tính năng động hoạt động của chính quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các quận, các phường cũng được nâng lên. 

Đây là ý kiến của Đại biểu (ĐB) Lương Công Tuấn, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa X vào sáng 14-12. 

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết, các Phó Chủ tịch HĐND thành phố Trần Phước Sơn và Nguyễn Thị Anh Thi cùng chủ trì phiên thảo luận. 

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyên Minh Triết phát biểu tại phiên thỏa luận. Ảnh: NGỌC PHÚ
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: NGỌC PHÚ

ĐB Tuấn cho rằng, qua hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, có thể rút ra một số điểm tích cực và ưu việt khi thực hiện thí điểm mô hình này.

Rõ nét nhất là tổ chức bộ máy cơ quan hành chính được tinh gọn, tiết kiệm chi ngân sách, thủ tục hành chính giảm, thời gian triển khai kế hoạch nhanh hơn, phù hợp với tính chất của mô hình chính quyền đô thị.

Việc triển khai mô hình chính quyền đô thị khi không còn HĐND cấp quận, phường đã giảm chi ngân sách gần 36 tỷ đồng/năm; đồng thời giảm 215 cán bộ là đại biểu HĐND cấp quận và 1.275 đại biểu HĐND cấp phường. Bên cạnh đó, tính năng động hoạt động của chính quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các quận, phường cũng được nâng lên. 

Tuy nhiên, qua giám sát của các Ban HĐND thành phố cho thấy, việc triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 vẫn còn gặp khó khăn như khi chuyển quận, phường từ việc cấp ngân sách qua cấp dự toán đã bộc lộ lúng túng trong quá trình điều hành, xử lý các vấn đề ở địa phương. Đây là vấn đề mà các quận, phường đều có ý kiến khi HĐND thành phố thực hiện công tác giám sát trong thời gian qua.

Khó khăn thứ hai là nội dung phân cấp, ủy quyền còn gặp nhiều trở ngại trong việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong quá trình rà soát các nội dung, nhiệm vụ khi triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

ĐB Lương Công Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố thảo luận về các giải pháp xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Ảnh: NGỌC PHÚ
Đại biểu Lương Công Tuấn, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố thảo luận về các giải pháp xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Ảnh: NGỌC PHÚ

ĐB Lương Công Tuấn đề nghị Thường trực HĐND thành phố sớm xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12-9-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, thường trực HĐND, ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND và Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 14-7-2022 của HĐND thành phố về quy định một số hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, các ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thành phố khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố.

Theo ĐB Tuấn, nếu thực hiện tốt hai nghị quyết này, quyền quyết định và quyền giám sát của HĐND thành phố sẽ đáp ứng được nhiệm vụ trong việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Mặt khác, UBND thành phố cần sớm có kế hoạch kiểm tra, thanh tra cũng như xác định rõ nội dung kiểm tra, thanh tra, đối tượng thanh tra đối với việc đã được phân cấp, ủy quyền cho các chủ thể được ủy quyền để kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót. 

Bên cạnh đó, HĐND thành phố cần kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về tài chính cũng như việc bố trí cán bộ làm ở cấp phường để làm sao việc thực hiện mô hình chính quyền đạt hiệu quả trong thời gian đến. 

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết thông tin, qua hơn 1 năm triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14, thành phố đã có báo cáo gửi Bộ Nội vụ và các cơ quan Trung ương.

Qua đó, Bộ Nội vụ cũng đã có đánh giá về việc tổ chức mô hình thí điểm chính quyền đô thị ở Hà Nội và thành phố Đà Nẵng. Trong đó, đối với Đà Nẵng, Bộ Nội vụ đã có đề xuất điều chỉnh một số nội dung quy định tại Nghị định số 34/2019/NQ-CP của Chính phủ, nhất là một số nội dung còn hạn chế, bất cập trong quá trình tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng.  

TRỌNG HÙNG - LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.