Từ ngày 19 đến 20-12, vùng núi cao Bắc Bộ có khả năng xuất hiện băng giá

.

Từ ngày 18-12, khu vực Bắc Bộ chuyển rét hơn, nhiệt độ sẽ giảm cả ngày và đêm, xuống chỉ từ 10-12 độ C, vùng núi giảm xuống còn 6-9 độ C, vùng núi cao giảm xuống dưới 2 độ C.

Băng giá tại Khu du lịch Mẫu Sơn hồi tháng Hai. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN phát)
Băng giá tại Khu du lịch Mẫu Sơn hồi tháng Hai. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN phát)

Tối 17-12, bà Nguyễn Thị Bình, dự báo viên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết khoảng ngày 19-20-12, vùng núi cao Bắc Bộ có khả năng xuất hiện băng giá.

Theo bà Nguyễn Thị Bình, từ ngày 18-12, khu vực Bắc Bộ chuyển rét hơn, nhiệt độ sẽ giảm cả ngày và đêm.

"Những ngày tiếp theo, Bắc Bộ nằm trong vùng bao phủ của khối không khí rất lạnh và khô hanh. Sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm rõ rệt nhất là khoảng ngày 19-20-12. Tuy trời nắng ban ngày nhưng đêm và sáng nhiệt độ giảm rất thấp," bà Bình lưu ý.

Cụ thể, Thủ đô Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ giảm xuống chỉ từ 10-12 độ C, vùng núi giảm xuống còn 6-9 độ C, vùng núi cao giảm xuống dưới 2 độ C.

Những nơi có thể xảy ra băng giá như như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sapa (Lào Cai)...

Để phòng tránh rét đậm, rét hại, băng giá, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương thuộc khu vực Bắc Bộ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời đến chính quyền và nhân dân; chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh; tuyệt đối không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người như tại một số địa phương trong những năm gần đây.

Các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng, chống đói, rét; triển khai phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt trong tình huống cần thiết để đảm bảo an toàn.

Đồng thời, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản; che phủ, che chắn, tưới nước, bón phân, giữ ẩm đối với sản xuất lúa, rau màu, cây cảnh, cây lâu năm, rà soát, điều chỉnh lịch gieo mạ, gieo sạ.

Cùng với đó, địa phương chủ động thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch, tăng cường cảnh báo trên các tuyến đường có khả năng xảy ra băng giá, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; tổ chức các đoàn công tác chuyên môn xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của rét đậm, rét hại trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Theo TTXVN/Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.