Thành phố Đà Nẵng có mức tăng mực nước biển qua các năm trung bình 3,69mm/năm và thường hay chịu tác động kép của bão mạnh hoặc áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh với mưa cực đoan và lũ từ thượng nguồn đổ về, đòi hỏi thành phố cần có giải pháp ứng phó.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong cơn bão số 4 (Noru) xảy ra vào ngày 27 và 28-9-2022, ở vùng biển ngoài khơi Trung Bộ có sóng cao 4-6m. Đặc biệt là mức dâng do bão số 4 quan trắc được tại trạm hải văn Sơn Trà (Đà Nẵng) đến 1,2m; mực nước biển cao nhất đo được tại trạm hải văn Sơn Trà do ảnh hưởng của bão số 4 đến 2,44m, cao hơn mực nước biển cao nhất trong bão Xangsane (tháng 9-2006) đến 6cm (2,38m).
Nước dâng do bão số 4 kết hợp với thủy triều và sóng lớn đã gây ngập tại một số khu vực trũng, thấp tại vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng... Còn theo Sở Tài nguyên và Môi trường, từ số liệu quan trắc vệ tinh và quan trắc tại trạm hải văn Sơn Trà cho thấy, mực nước biển qua từng năm đều tăng. Theo đó, số liệu quan trắc từ vệ tinh tăng trung bình 3,69mm/năm; số liệu quan trắc tại trạm hải văn Sơn Trà là tăng trung bình 2,55mm/năm.
Trên thực tế, nhiều người dân thành phố đã và đang chứng kiến những tác động của nước biển dâng, triều cường những năm qua, nhất là tình trạng nhiễm mặn sông Cẩm Lệ ngày càng khốc liệt. Bên cạnh đó, nguồn nước tưới cho vùng rau La Hường và diện tích sản xuất nông nghiệp ở phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) cùng một phần các xã Hòa Châu, Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) cũng thường hay bị ảnh hưởng, nhiễm mặn vào mùa khô. Khi có bão mạnh ảnh hưởng trực tiếp thành phố Đà Nẵng như: bão số 9 (tháng 10-2020), bão số 13 (tháng 11-2020), bão số 4 (tháng 9-2022)..., một số vị trí bờ biển dọc đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp bị xói lở; sóng biển hất nhiều cát và rác bồi lấp trên mặt đường; các cửa xả nước mưa ra biển bị ảnh hưởng, hư hại, bồi lấp, ảnh hưởng đến công tác chống ngập úng các khu dân cư.
Người dân phường Thuận Phước (quận Hải Châu) nhiều lần chứng kiến sóng đánh gây hư hại bờ kè và sàn cảnh quan đường Như Nguyệt cũng như triều cường và sóng lớn gây ngập đường Như Nguyệt cùng một số đường trong khu dân cư, nhất là trong bão số 13 (tháng 11-2020), bão số 4 (tháng 9-2022)... Thậm chí, dù Đà Nẵng không mưa và không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 6 (bão Nesat) khi cơn bão này di chuyển vào vùng biển từ Quảng Bình - Quảng Trị nhưng do kết hợp với tác động của gió mùa đông bắc đã gây triều cường, sóng lớn làm ngập đường Như Nguyệt và một số đoạn đường ở khu dân cư của phường Thuận Phước trong đêm 19-10-2022.
Đáng nói, triều cường được các cơ quan chức năng xác định là một trong những nguyên nhân chính gây ngập úng đô thị khi xảy ra mưa lớn trong những năm qua, nhất là trận mưa lịch sử xảy ra vào ngày 14-10-2022 gây ngập úng diện rộng, lũ lụt lịch sử tại thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, vào mùa đông và đầu mùa xuân, không khí lạnh, gió mùa đông bắc hoạt động mạnh là nguyên nhân chính gây sạt lở bờ biển.
Theo Chi cục Biển và hải đảo (Sở Tài nguyên và Môi trường), đối mặt với những tác động ngày càng gia tăng từ lũ lụt, bão, xói lở bờ biển..., nhiều năm qua, thành phố đã thực hiện chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ với các biện pháp tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng đối với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, thành phố đã củng cố hơn 6.500m đê biển để bảo vệ và tiết kiệm được hơn 400ha đất, nhất là đất nông nghiệp; triển khai các công trình, giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn do nước biển dâng...
Vừa qua, UBND thành phố đã đề nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư một dự án về gia cố hệ thống kè dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa với chiều dài gần 2.000m có kinh phí đầu tư khoảng 180 tỷ đồng... “Trong mùa mưa bão, đơn vị thường xuyên đi khảo sát tình hình sạt lở, xâm thực các khu vực biển để kiến nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị cảnh báo, khắc phục”, Chi cục trưởng Chi cục Biển và hải đảo Phạm Thị Chín cho biết.
Trước xu hướng mưa cực đoan, triều cường, nước biển dâng, sóng lớn ven bờ... dễ gây nguy cơ ngập úng trong đô thị trên diện rộng, đòi hỏi thành phố có giải pháp thoát nước trên bề mặt để giảm ngập, xói lở các công trình. Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Nguyễn Văn Duy cho rằng: “Khi nước đã ngập trên bề mặt mà xảy ra triều cường làm mực nước sông cao hơn mực nước trong cống thì dẫu có bơm nước ra sông cũng vô ích. Triều cường lên cao thì nước mặt không thoát được, mà nước trong cống bơm ra thì sông lại tràn vào.
Do đó, trong tương lai, các ngành cũng cần nghiên cứu việc tổ chức thoát nước trên bề mặt cho đô thị quận Hải Châu nói riêng và thành phố nói chung”. Theo Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng Hà Văn Thành, trong một số lần xảy ra triều cường có mức thấp, công ty vẫn có thể đóng cửa ngăn triều để vận hành trạm bơm chống ngập cho khu vực thượng lưu được nhưng khi đã ngập lớn do triều cường thì chưa có giải pháp hữu hiệu nên công ty cần các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan chuyên môn hỗ trợ nghiên cứu giải pháp chống ngập.
HOÀNG HIỆP