Vẫn thiếu vật tư y tế ở một số đơn vị y tế công lập

.

ĐNO - Năm 2022, Sở Y tế đã tiếp nhận 102 gói thầu mua sắm bổ sung vật tư y tế với hơn 4.500 mặt hàng, trị giá 900 tỷ đồng. Đến nay đã phê duyệt 37 gói thầu ở cấp Sở Y tế, 4 gói thầu ở cấp UBND thành phố và chuyển 61 gói thầu về các đơn vị mua sắm. Dù vậy, tình trạng thiếu vật tư y tế trong việc khám, chữa bệnh vẫn xảy ra ở một số đơn vị y tế công lập trên địa bàn thành phố.

Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Trần Thanh Thủy giải trình về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Ảnh: N.PHÚ
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Trần Thanh Thủy giải trình về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Ảnh: N.PHÚ

Đây là thông tin được Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Trần Thanh Thủy xác nhận tại phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa X, sáng 14-12.

Theo bà Trần Thanh Thủy, năm 2022, tình trạng thiếu vật tư y tế trong việc khám chữa bệnh xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước và kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khám chữa bệnh và sự hài lòng của nhân dân với việc khám chữa bệnh.

Mặc dù đã tích cực triển khai các hoạt động trong mua sắm vật tư y tế, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch nhưng tình trạng thiếu vật tư y tế vẫn xảy ra ở một số đơn vị y tế công lập trên địa bàn thành phố.

Việc thiếu chủ yếu xảy ra với các vật tư y tế đặc thù tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Mắt; các vật tư y tế thông thường nhưng không trúng thầu trong mua sắm y tế tập trung; các vật tư y tế do phát sinh danh mục kỹ thuật mới được triển khai trong năm nay.

Năm 2022, tỷ lệ khám, chữa bệnh của người dân tăng 30-40% so với năm 2021, trong đó tỷ lệ bệnh nhân ngoại tỉnh chiếm đến 40%, cao hơn so với dự kiến. Việc tăng đột biến số lượng bệnh nhân cũng ảnh hưởng đến việc dự trù vật tư y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh.

Theo đại diện ngành y tế, nguyên nhân là do việc mua sắm vật tư y tế chưa có khung danh mục chuẩn, chưa thống nhất về tên gọi, thông số kỹ thuật nên các đơn vị y tế gặp nhiều khó khăn trong việc xác định vật tư y tế để mua sắm đúng quy định.

Những bất cập trong văn bản pháp luật quy định mua sắm đầu thầu với thực tiễn triển khai, nhất là việc xây dựng dự toán mua sắm, xây dựng giá dự thầu, việc khảo sát đầy đủ giá hàng hóa tương tự trong 12 tháng qua bảo đảm không vượt quá giá trúng thầu,… gây nhiều khó khăn trong đấu thầu mua sắm vật tư y tế.

Ngoài ra, có nhiều mặt hàng đã nằm trong danh mục trúng thầu nhưng nhà thầu chưa thể cung cấp kịp thời do ảnh hưởng tình hình thế giới và Covid-19 dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến nguồn hàng và nguyên liệu sản xuất bị ảnh hưởng. 

Trước những khó khăn trên, Chính phủ đã có sự nhận diện và chỉ đạo các bộ, ngành tập trung tháo gỡ những khó khăn về mặt quy định. Gần đây nhất là Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5-11-2022 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã giải quyết 2 nội dung lớn về khó khăn trong thanh quyết toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2021 do ảnh hưởng Covid-19 và tiếp tục thực hiện trong vòng 12 tháng việc thanh toán chi phí dịch vụ được thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư hóa chất theo quy định...

Về phía thành phố, lãnh đạo thành phố đã có chỉ đạo tập trung tháo gỡ từng gói thầu cụ thể, chỉ đạo rà soát chung các văn bản chỉ đạo mua sắm đấu thầu của thành phố.

Gần đây nhất là Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND ngày 18-10-2022 của HĐND thành phố ban hành đã tăng cường phân cấp mua sắm cho các đơn vị sử dụng để làm giảm các đầu mối, tầng nấc, đẩy nhanh quá trình mua sắm đấu thầu theo quy định; đồng thời, điều chỉnh danh mục mua sắm tập trung của ngành y tế để các đơn vị y tế triển khai nhanh nhất quá trình mua sắm đáp ứng yêu cầu của công tác y tế.

Về phía ngành y tế, trên cơ sở các văn bản của Trung ương, thành phố, ngành đã chỉ các đạo các đơn vị rà soát nhu cầu để xây dựng kế hoạch mua sắm kịp thời, đẩy nhanh tiến độ mua sắm theo các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Trong trường hợp thiếu trang thiết bị y tế tại các đơn vị, Sở Y tế thực hiện công tác quản lý và điều tiết các vật tư y tế giữa các đơn vị để bảo đảm sử dụng nguồn hàng cung ứng của các nhà thầu một cách hiệu quả, giải quyết tạm thời tình trạng thiếu vật tư y tế ở một số đơn vị trong thời gian nhất định.

Để bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân, ngành y tế cũng triển khai việc chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế công lập có thanh toán bảo hiểm y tế với dịch vụ để bảo đảm người dân được thực hiện dịch vụ và thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định.

Theo bà Trần Thanh Thủy, dù có những nỗ lực và quyết liệt nhưng khó khăn trong công tác mua sắm đấu thầu chưa được tháo gỡ triệt để, căn cơ, cần có những văn bản quy định về mặt quy định pháp luật để tháo gỡ.

Nếu chưa được tháo gỡ sớm thì những khó khăn này còn gặp trong năm 2023. Ngành y tế mong muốn các doanh nghiệp, các nhà cung ứng tăng cường phối hợp các cơ sở y tế để thực hiện công tác mua sắm thuận lợi và đúng quy định pháp luật.

L.PHƯƠNG - T.HÙNG

;
;
.
.
.
.
.