Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chương trình số 22-CTr/TU ngày 18-11-2022 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị “Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Mục tiêu của thành phố là tập trung xây dựng Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh. TRONG ẢNH: Một góc đô thị dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp ven biển phía đông thành phố. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Chánh Văn phòng Thành ủy Nguyễn Văn Hùng cho biết: Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW, quan điểm của Ban Thường vụ Thành ủy là phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị để xây dựng, phát triển đô thị Đà Nẵng theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng được xác định tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Trong quá trình triển khai, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng bám sát Nghị quyết số 06-NQ/TW và các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, kết luận, chỉ đạo khác liên quan đến quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, phù hợp với thực tiễn của thành phố.
* Mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn là gì, thưa ông?
- Để Nghị quyết số 06-NQ/TW được triển khai và đạt hiệu quả cao nhất, Ban Thường vụ Thành ủy chia ra từng giai đoạn với những mục tiêu cụ thể, phù hợp. Theo đó, đến năm 2025, thành phố có tỷ lệ đô thị hóa đạt 85%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên (không bao gồm huyện đảo Hoàng Sa) đạt khoảng 25%; 100% các đô thị có quy hoạch chung, trong đó tập trung hoàn thành quy hoạch chung đô thị Hòa Vang; hoàn thành chương trình phát triển đô thị thành phố giai đoạn 2021-2025. Thành phố có tỷ lệ đất giao thông (tính đến đường khu vực) trên đất xây dựng đô thị đạt tối thiểu 11%; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đạt 80% hộ gia đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh; hơn 50% dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử.
Đến năm 2030, thành phố có tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 85%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 32%; 100% các đô thị trên địa bàn có quy hoạch phân khu, tập trung hoàn thành quy hoạch phân khu cho đô thị Hòa Vang; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình tại đô thị, trên 80% dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử. Tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh; hệ thống đô thị liên kết đồng bộ, thống nhất, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.
* Để sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Thành ủy đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gì?
- Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Ban Thường vụ Thành ủy triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng, trong đó chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nghiên cứu cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực tái phát triển đô thị, góp phần cải tạo, xây dựng phát triển không gian đô thị, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng nhằm cắt giảm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư, phát triển đô thị; xây dựng cơ chế, giải pháp để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia phát triển nhà ở, nhà cho thuê đối với người thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
Đặc biệt, trên cơ sở Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo thực hiện rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chung đô thị; tiếp tục nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch theo nguyên tắc không chạy theo dự án đầu tư và không hợp thức hóa các vi phạm, quy hoạch đã duyệt mà chỉ được phép điều chỉnh để khắc phục bất cập, mang lại giá trị tốt hơn cho xã hội, cộng đồng, tuân thủ các quy định pháp luật.
Đi đôi với đó, thành phố tổ chức lập, triển khai kế hoạch phát triển nhà ở các địa phương làm cơ sở thực hiện kêu gọi đầu tư các dự án phát triển đô thị theo chương trình, kế hoạch; xúc tiến triển khai dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị, một số dự án thí điểm về tái thiết đô thị, hình thành các đô thị nén tại phường Bình Hiên (quận Hải Châu), phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà).
Thành phố tập trung thu hút một số tập đoàn lớn có kinh nghiệm đầu tư, tiềm lực tài chính thực hiện đầu tư dự án trọng điểm để tạo động lực phát triển kinh tế khu vực đô thị; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đến năm 2030, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.
Trong đó, đối với khu vực đô thị mới, thành phố tập trung phát triển theo hướng giảm mật độ xây dựng, ưu tiên phát triển nhà cao tầng, tăng hệ số sử dụng đất. Đối với khu vực đô thị cũ, thành phố ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị và bổ sung các tiện ích đô thị, nghiên cứu tái thiết đô thị theo hướng đô thị nén, giảm mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất…
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
NGỌC PHÚ thực hiện