Các đơn vị chức năng đang chủ động theo dõi tình hình môi trường nước, thực hiện công tác nghiệp vụ nhằm xử lý kịp thời tình trạng ô nhiễm do xả thải vào các kênh, hồ để tránh xảy ra các sự cố môi trường.
Hồ Thạc Gián thường hay xảy ra hiện tượng thiếu ôxy hòa tan trong nước nên có nhiều cá phải nổi trên mặt hồ. (Ảnh chụp ngày 12-12-2022). Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Ngày 29 và 30-11, giữa mùa mưa nhưng trên mặt hồ Hòa Phú và tuyến kênh thoát nước dọc đường Hà Hồi, Ngọc Hồi (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) xuất hiện tình trạng cá chết và nước có màu đen, bốc mùi hôi. Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Liên Chiểu, UBND phường Hòa Minh, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã kiểm tra hiện trường ở hồ Hòa Phú, dọc tuyến kênh nói trên và các kênh ở thượng lưu. Kết quả kiểm tra cho thấy, đoạn từ kênh thoát nước Đà Sơn đến kiệt 26A Hoàng Văn Thái, nước có màu vàng nhạt, mùi hôi; đoạn từ đường Đà Sơn đổ về tuyến kênh Đa Cô (phía sau Bệnh viện đa khoa nam Liên Chiểu) nước có màu nhạt, không hôi. Thế nhưng, tại đoạn kênh từ đường Nguyễn Khắc Nhu về hồ Hòa Phú và kênh B18, nước có màu đen và mùi hôi nặng, cá chết rải rác. Đoàn kiểm tra không phát hiện có dấu hiệu nước thải có màu đen và mùi hôi từ các cửa xả dọc các tuyến kênh đổ vào.
Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng Hà Văn Thành thông tin: “Chúng tôi đã vớt hết cá chết nổi trên mặt hồ và rải khoáng hóa để xử lý mùi hôi, bảo đảm môi trường. Sau khi xử lý tại kênh, hồ nói trên, màu nước đã được cải thiện”.
Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh Phạm Ngọc Lãnh cho biết, phường phối hợp với các đơn vị kiểm tra mà không phát hiện nguồn xả thải vào các kênh, hồ nói trên. Hiện nay, phường đã thành lập một tổ tuần tra, mật phục phát hiện các trường hợp đổ xà bần, rác và các loại chất thải ra môi trường không đúng quy định trên địa bàn phường, đặc biệt là tại các hồ điều tiết (nhất là hồ Bàu Sấu), tuyến kênh gần Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng và các đường Tân Trào, Hồng Thái, Nguyễn Xí, Ngọc Hồi, Hà Hồi... dọc theo các tuyến kênh thoát nước.
Trong khi đó, ở hồ E1 thuộc khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), dù đã được lắp các bè thủy sinh để xử lý và cải thiện môi trường nước, nhưng do vẫn còn tiếp nhận nước thải sinh hoạt chưa được xử lý từ các khu dân cư xung quanh hồ, nước hồ thường xuyên có hiện tượng phú dưỡng, cá chết, mùi hôi thối.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), kết quả theo dõi chất lượng môi trường nước hồ E1 cho thấy, hồ đang có dấu hiệu ô nhiễm nặng, các thông số về chất lượng môi trường nước như: amoni, phốt phát, COD, BOD, ecoli... vượt quy chuẩn cho phép. UBND quận Cẩm Lệ đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri về vấn đề ô nhiễm môi trường nước ở hồ E1 gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực xung quanh hồ; đồng thời đề nghị được ưu tiên hỗ trợ để xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ.
Từ thực tế nói trên, Chi cục Bảo vệ môi trường đã đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường chọn hồ E1 để ưu tiên lắp đặt thiết bị sục khi để bổ sung ôxy cho nước hồ. Chi cục Bảo vệ môi trường đang lựa chọn nhà thầu tư vấn và thực hiện nhiệm vụ lắp đặt hệ thống sục khí kết hợp với các giải pháp kỹ thuật phù hợp để xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ E1.
Cũng theo Chi cục Bảo vệ môi trường, hiện trên địa bàn thành phố có 28 hồ nội thành, trong đó có 18 hồ ở nội thành đang phải tiếp nhận nước thải vào hồ và 7 hồ dù có hệ thống cống bao tách dòng nước thải, nhưng vẫn có hiện tượng nước thải vào hồ. Tình trạng ô nhiễm dinh dưỡng, hữu cơ và vi sinh vật tại các hồ nội thành thường xảy ra; chất lượng nước hồ có sự thay đổi theo mùa, nhất là nồng độ COD, amoni, phốt phát vào mùa khô cao hơn mùa mưa, riêng nồng độ coliform và TSS thì mùa mưa cao hơn mùa khô. Chi cục Bảo vệ môi trường đang đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường lựa chọn một hồ nội thành triển khai thí điểm nhiều giải pháp để đánh giá kết quả và có cơ sở triển khai nhân rộng các giải pháp ngăn chặn các nguồn xả thải, xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường nước các hồ nội thành.
Theo đó, các giải pháp triển khai thí điểm gồm: ngăn chặn nước thải đô thị và rác thải vào hồ; vớt rác trong hồ, kể cả rác chìm dưới đáy hồ; nạo vét trầm tích hồ; tăng nồng độ ôxy hòa tan trong nước bằng hệ thống cấp ôxy cưỡng bức; tăng cường quá trình chuyển hóa các chất ô nhiễm trong hồ bằng vi sinh (bổ sung vi sinh vật nhằm thúc đẩy quá trình phân hủy chất ô nhiễm trong nước và trầm tích); thả bè thủy sinh để cải tạo nguồn nước và cảnh quan; duy trì mật độ động vật thủy sinh trong hồ ở mức phù hợp (đánh bắt, tỉa thưa để kiểm soát mật độ cá rô phi trong hồ để chủ động ngăn ngừa hiện tượng cá chết hàng loạt)... Sau đó, các đơn vị thường xuyên lấy các mẫu nước để phân tích, đánh giá hiệu quả, làm cơ sở điều chỉnh các giải pháp nhằm bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất với mức chi phí thấp nhất... và có cơ sở để triển khai nhân rộng ở các hồ khác trong nội thành.
HOÀNG HIỆP