“Âm nhạc có thể nuôi dưỡng cảm xúc của mỗi người, giúp lan tỏa niềm vui, xua tan nỗi buồn. Đối với trẻ khiếm khuyết, âm nhạc là một liệu pháp an toàn để chữa lành tâm hồn các em, là cơ hội để trẻ thể hiện mình và hòa nhập với cuộc sống”. Thầy Lê Quang Hải (SN 1989), giáo viên bộ môn âm nhạc Trường Chuyên biệt Tương Lai cơ sở 2 (quận Cẩm Lệ), nói lý do mình nộp đơn vào làm giáo viên ở ngôi trường này.
Thầy Lê Quang Hải (bên phải) hướng dẫn các trẻ em khuyết tật cách sử dụng từng loại nhạc cụ do chính thầy sáng tạo nên. Ảnh: T.P |
Đến với trẻ khuyết tật bằng tình yêu thương
Năm 2010, tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm âm nhạc Huế, Lê Quang Hải về làm việc cho phòng văn hóa - văn nghệ của một doanh nghiệp. Đầu năm 2013, anh tình cờ đọc được tin Trường chuyên biệt Tương Lai tuyển giáo viên và nộp đơn ứng tuyển, rồi gắn bó với ngôi trường đặc biệt này đến bây giờ. “Những em học sinh ở Trường Chuyên biệt Tương Lai không giống trẻ em bình thường mà có những khuyết tật, căn bệnh như: câm, điếc, down, tự kỷ, tăng động. Có những em đã 14, 15 tuổi nhưng các em không thể kiểm soát được hành vi của mình... ”, thầy Hải nhớ lại.
Chúng tôi đến với lớp thầy Hải vào một buổi chiều cuối tháng 11, trong giờ học nhạc vô cùng sôi động với những lời ca cùng những âm thanh của các loại nhạc cụ. Bỗng nhiên, có em chạy như bay ra khỏi lớp, có em đập bàn, có em lại mếu máo khóc và tất cả những điều này xảy ra không vì một lý do gì cả. Như đã quá quen với hành động của các em, thầy Hải ân cần dỗ dành, nhẹ nhàng khuyên nhủ để ổn định tâm lý các em. “Đó cũng là một phần lý do tôi bị sốc tâm lý khi mới bắt đầu công việc, nhưng giờ thì tôi quen lắm rồi, càng thấy thương các em hơn nên tôi quyết tâm gắn bó với các em cả đời. Mong rằng, thông qua âm nhạc tôi có thể giúp các em chữa lành những vết thương tâm hồn, tạo niềm tin và động lực giúp các em vươn lên”, thầy Hải tâm sự.
Âm nhạc trị liệu cho những tâm hồn khiếm khuyết
Theo thầy Hải, cách dạy học cho trẻ khuyết tật cũng khác biệt so với dạy học thông thường bởi khả năng tiếp thu của các em khác nhau. “Một bài hát nếu ở trường ngoài chỉ học một tiết và một tiết ôn lại là học sinh đã thuộc lời, thuộc giai điệu. Đối với các em ở đây phải dạy đi dạy lại nhiều lần đến khi nào các em hát được thì thôi. Tôi chỉ mong các em luôn vui vẻ, thoải mái tinh thần mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, thầy Hải chia sẻ.
Trong quá trình dạy học, thầy Hải đã tự sáng tạo nhiều nhạc cụ độc đáo và dễ dùng với học trò khiếm khuyết như lấy hai thanh tre vót nhẵn làm thanh phách gõ nhịp, cắt lon bia làm đôi bỏ những hạt đậu hoặc những viên sỏi nhỏ vào rồi gắn lại tạo thành nhạc cụ cho các em, thầy Hải còn sưu tầm những hình ảnh về các động tác như vỗ tay, vỗ vai, vỗ bụng để các em bắt chước làm theo phụ họa cho từng bài hát. Chính những sáng tạo nhỏ ấy khiến tiết âm nhạc của thầy Hải trở nên thu hút học trò chú ý và yêu thích âm nhạc hơn.
Khi được hỏi, con có thích giờ nhạc của thầy Hải không? Dù nói chưa rành mạch, nhưng Hải Đăng (học sinh lớp C1b2, Trường Chuyên biệt Tương lai cơ sở 2) cười, đáp ngay: “Con thích học giờ của thầy Hải lắm, khi học nhạc con thấy vui, con được hát nhiều bài mà thầy đã dạy và con cũng thương thầy Hải nhiều nữa”.
Gần 10 năm gắn bó với Trường Chuyên biệt Tương Lai (cơ sở 2), thầy Hải đã giúp cho nhiều em được chữa lành về tâm hồn, thần kinh ổn định hơn. Trường hợp em Nguyễn Đức Minh Khang (học sinh lớp C6) là một ví dụ. Khang mắc chứng bệnh tự kỷ nhẹ và bàn tay của em rất yếu. Thầy Hải đã thử cho em luyện tập đánh các phím trên đàn organ, từ đó phát hiện ra Khang có năng khiếu và niềm đam mê với âm nhạc.
Trải qua 2 năm luyện tập, đôi tay của em giờ đây vững chắc, dẻo dai hơn, em cũng đàn được hàng chục bài với nhiều bài khó. “Khi được tiếp xúc với âm nhạc, các em dường như quên mình là ai, bục giảng ở lớp học là sân khấu thu nhỏ, các em được tự do, thoải mái hát hò, thể hiện cảm xúc của mình. Thông qua phương pháp trị liệu bằng âm nhạc thì tâm lý của các em đã thay đổi rõ rệt, mạnh dạn hơn, cởi mở, vui vẻ hơn, hòa đồng hơn”, thầy Hải tâm sự.
Niềm vui lớn nhất của một người thầy dạy nhạc cho những đứa trẻ khiếm khuyết vô cùng giản dị. Mỗi lần đến dịp lễ hay Tết, ở trường tổ chức văn nghệ, chỉ cần nhìn thấy các học trò tự tin lên sân khấu nở nụ cười rạng ngời, hoàn thành bài hát hay những động tác phụ họa là lòng thầy đã thấy vui sướng, hạnh phúc.
“Giờ đây, tôi luôn ấp ủ ước mơ làm sao có thể thành lập một nhóm nhạc nhí gồm một hoặc hai người hát chính, một tay đàn, một tay trống do chính các em khiếm khuyết đảm nhiệm”, thầy Hải bày tỏ.
Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương Lai Nguyễn Duy Quy nhận xét, thông qua hoạt động giáo dục về âm nhạc của thầy Hải, các em học sinh là trẻ em khiếm khuyết của trường được phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tương tác xã hội, kỹ năng nhận thức, phát triển vận động và các giác quan... giúp trẻ khiếm khuyết có thể gắn kết hơn, hòa đồng hơn, là cơ hội để trẻ thể hiện mình và hòa nhập với xã hội.
THANH PHƯƠNG