Một số nội dung mới trong quy định của Ban Thường vụ Thành ủy về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử

.

Ngày 30-12-2022, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quy định số 5858-QĐ/TU về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thay thế Quy định số 1428-QĐ/TU ngày 30-6-2021. Quy định lần này có nhiều nội dung mới từ quan điểm, nguyên tắc, nhận thức đến quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ. Liên quan đến việc này, Báo Đà Nẵng có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, về những điểm mới quan trọng trong Quy định số 5858-QĐ/TU.

Nguyễn Đình Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy
Nguyễn Đình Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy.

* Thưa ông, về tổng quan, ông đánh giá như thế nào về Quy định số 5858-QĐ/TU vừa được Ban Thường vụ Thành ủy ban hành?

- Từ sau Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác cán bộ như Quy định số 3580-QĐ/TU về công tác quy hoạch cán bộ, Quy định số 5751-QĐ/TU về luân chuyển cán bộ, Quy định số 5858-QĐ/TU về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Song song với đó, Trung ương cũng đã ban hành nhiều văn bản khác về công tác cán bộ như Quy định 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 58-QĐ/TW về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng; Kết luận số 35-TB/TW về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Thông báo số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật... Các văn bản này đã thực sự tạo sự đồng bộ, kết nối chặt chẽ và liên thông trong các khâu của công tác tổ chức cán bộ và cán bộ.

Quy định số 5858-QĐ/TU được cụ thể hóa trên cơ sở Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18-8-2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; trong đó có kế thừa những điều khoản còn phù hợp của Quy định số 1428-QĐ/TU trước đây của Ban Thường vụ Thành ủy; ngoài ra, xuất phát từ thực tiễn đội ngũ cán bộ thành phố hiện nay cũng như định hướng của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong thời gian đến, Quy định số 5858-QĐ/TU đã được bổ sung nhiều điều khoản, nội dung mới, cụ thể và sát thực tiễn hơn so với các quy định trước đây về phân cấp quản lý và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Trong đó, quan trọng nhất là đề cao uy tín của cán bộ, nâng cao tính dân chủ trong Đảng và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, khách quan về quy trình, thủ tục; cùng với đó, nghiêm khắc hơn với cán bộ có sai phạm, bị kỷ luật khi xem xét tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Tất nhiên, cuộc sống luôn có sự biến đổi và vận động không ngừng, giữa thực tiễn và lý luận luôn có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng. Dù đã rất cố gắng, thận trọng, kỹ lưỡng và có sự lắng nghe, cầu thị trong quá trình xây dựng quy định; chúng tôi vẫn ý thức rằng khi triển khai, áp dụng vào thực tiễn vẫn sẽ có những phát sinh vấn đề mới; về điều này, với tư cách là cơ quan tham mưu, giúp việc của Thành ủy về công tác cán bộ, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ luôn theo dõi, tiếp thu các ý kiến để tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy có những chỉ đạo phù hợp.

* Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử lần này có nhiều điểm mới, rõ ràng, cụ thể và sát thực tiễn hơn so với các quy định lần trước. Ông có thể khái quát để bạn đọc hiểu thêm về những điểm mới của Quy định số 5858-QĐ/TU?

- Như đã trao đổi ở trên, quy định lần này có rất nhiều nội dung mới, ở đây tôi có thể nêu một vài nhóm nội dung mới cơ bản như sau:

Thứ nhất, là điều kiện để bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, theo như nguyên tắc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử của Quy định số 5858-QĐ/TU thì khi cân nhắc việc đề bạt, bố trí hoặc giới thiệu ứng cử, cán bộ sẽ được xem xét thêm tiêu chí về uy tín, tôi xin nhắc lại đây là điểm mới rất quan trọng trong quy định lần này và được xác lập xuyên suốt. Vì vậy, để có được uy tín, nhận được sự tín nhiệm, giới thiệu của tập thể thì đòi hỏi cán bộ phải thực sự rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, năng lực công tác. Với điều kiện này, nếu như cán bộ không có uy tín hoặc chưa đủ uy tín thì chắc chắn sẽ không được bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử.

Cùng với đó, để khắc phục hiện tượng cán bộ phát triển quá nhanh, “thăng tiến thần tốc”, cán bộ chưa được thử thách, rèn luyện qua thực tiễn công tác, chưa có sự cống hiến nhưng vẫn được quan tâm và giao đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng hơn, quy định lần này bổ sung điều kiện bổ nhiệm đối với cán bộ là phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm; cán bộ được giới thiệu từ nguồn nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức danh tương đương trở lên, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ở đây tôi cũng xin nói thêm, “trường hợp đặc biệt” phải thực sự hạn chế, có thể thực hiện hàng trăm trường hợp trong công tác cán bộ thì hy hữu mới có 1 trường hợp đặc biệt, các cấp ủy, tập thể lãnh đạo cần tránh việc lạm dụng “trường hợp đặc biệt” để quyết định tùy tiện hoặc lồng ghép ý chí cá nhân trong công tác cán bộ. Khi quyết định trường hợp này phải trên tinh thần tập thể, có sự đồng thuận, vì lợi ích chung, thực sự khách quan và có báo cáo, sự theo dõi, giám sát của các cơ quan chuyên môn cấp trên; tập thể khi xem xét, quyết định trường hợp này phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Ngoài ra, Quy định 5858-QĐ/TU quy định nghiêm khắc hơn về thời gian thử thách đối với cán bộ có sai phạm và bị kỷ luật. Cụ thể, Quy định số 1428-QĐ/TU đã quy định cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì trong vòng 1 năm không được giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm. Đảng viên bị kỷ luật cách chức thì trong vòng 1 năm kể từ ngày có quyết định không được bầu vào cấp ủy, không chỉ định, bổ nhiệm các chức vụ tương đương và cao hơn. Còn Quy định số 5858-QĐ/TU lần này, thời hạn kỷ luật đã được nâng lên, đó là: cán bộ bị kỷ luật khiển trách thì trong 12 tháng không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn.

Thời hạn này đối với cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo là 30 tháng và cán bộ bị cách chức là 60 tháng. Không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, phong, thăng quân hàm đối với cán bộ, đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật. Như vậy, với việc bổ sung các tiêu chuẩn, điều kiện rất cụ thể và có phần khắt khe hơn để xem xét khi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử như vừa nêu sẽ giúp cho việc thực hiện công tác cán bộ có thêm một “bộ lọc” góp phần hạn chế hơn nữa hiện tượng làm đúng quy trình nhưng kết quả không đúng người cũng đã có lần xuất hiện trong công tác cán bộ, làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức, đơn vị, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Đảng, của Nhà nước.

Thứ hai, về quản lý cán bộ, Điều 4 của Quy định số 1428-QĐ/TU trước đây quy định nội dung quản lý cán bộ bao gồm 7 nội dung. Tuy nhiên, theo Điều 4, Quy định 5858-QĐ/TU thì nội dung quản lý cán bộ đã được bổ sung thêm một số nội dung khác cho phù hợp với thực tiễn về quản lý cán bộ như bổ nhiệm lại, tái cử, chỉ định, phong, thăng, giáng, tước quân hàm; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, cách chức cán bộ và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác cán bộ và cán bộ. Đồng thời, bổ sung thêm một số nội dung của việc kiểm soát quyết lực trong công tác cán bộ, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cán bộ, quyết định điều chỉnh cơ cấu cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy ngoài cơ cấu cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy được xác định theo quy định, trước đây các nội dung này được quy định trong một số quy định, văn bản riêng lẻ khác nhau nên có một số điều khoản đôi lúc chưa có sự thống nhất về cách hiểu đã dẫn đến những khó khăn nhất định trong quá trình triển khai, thực hiện.

Thứ ba, về đối tượng để thực hiện việc điều động, biệt phái, theo Điều 23 Quy định số 1428-QĐ/TU trước đây thì cán bộ được điều động, biệt phái do yêu cầu công tác theo quyết định của cấp có thẩm quyền, có nghĩa là mọi đối tượng đều có thể được xem xét để thực hiện việc điều động, biệt phái nếu có yêu cầu công tác. Quy định mới lần này giới hạn đối tượng hơn, chỉ có cán bộ lãnh đạo, quản lý mới được điều động, biệt phái.

Thứ tư, mở rộng dân chủ hơn trong công tác cán bộ, lắng nghe, nắm thông tin nhiều chiều hơn trong công tác cán bộ. Nếu trước đây, căn cứ Quy định số 42-QĐ/TW ngày 03-10-2016 của Ban Bí thư về nhiệm vụ và quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy thì việc cho chủ trương công tác cán bộ được Ban Thường vụ Thành ủy ủy quyền cho Thường trực Thành ủy. Đến nay, khi xây dựng Quy định số 5858-QĐ/TU, Ban Thường vụ Thành ủy đã thảo luận và thống nhất từ nay Ban Thường vụ Thành ủy sẽ trực tiếp cho chủ trương về công tác cán bộ. Đồng thời, để kịp tiến độ trong thực hiện quy trình công tác cán bộ, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất nếu không tổ chức cuộc họp được thì trường hợp cần thiết có thể gửi phiếu biểu quyết xin ý kiến các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy.

Thứ năm, về quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, đã bổ sung, làm rõ quy trình đối với nhân sự nơi khác tại bước 2: Trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo nơi cán bộ đang công tác về chủ trương điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (người được giới thiệu phải đạt số phiếu trên 50% so với tổng số người được triệu tập; trường hợp người được giới thiệu có số phiếu đạt tỷ lệ 50% (không quá bán) thì do người đứng đầu xem xét, quyết định).

Về kết quả lấy phiếu quy định rõ hơn về cách tính tỷ lệ số phiếu: Người đạt số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu so với tổng số người được triệu tập thì được lựa chọn giới thiệu, bổ nhiệm. Trước đây quy định là trên tổng số người được triệu tập có mặt dự hội nghị nên còn có nhiều cách hiểu khác nhau.

Đối với nhân sự tại chỗ ở quy trình 5 bước, có điều chỉnh nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn ở các hội nghị: Mỗi thành viên giới thiệu 1 người cho một chức danh; người nào đạt số phiếu đồng ý cao nhất trên 50% tổng số người được triệu tập thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn tất cả người có số phiếu giới thiệu đạt từ 30% trở lên để giới thiệu ở bước tiếp theo. Trường hợp không có người đạt số phiếu 30% trở lên thì không tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo. Trước đây theo Quy định số 1428-QĐ/TU thì trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn 2 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để giới thiệu ở các bước tiếp theo.

* Để công tác cán bộ được tổ chức thực hiện thành công, theo ông điều gì là quan trọng nhất đối với cấp ủy Đảng, lãnh đạo và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị?

- Ở đây tôi xin nhắc lại câu chuyện ngụ ngôn “thầy bói xem voi”, lý do mỗi thầy bói cảm nhận con voi với các hình thái khác nhau là bởi mỗi người trong số họ chỉ “thấy” và đề cao vào một phần (bộ phận) của con voi mà mình cảm nhận. Nói cách khác, sẽ là thiển cận khi cho rằng trong công tác cán bộ, một hay vài khâu nào đó là quan trọng nhất. Để chuẩn bị, xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có chất lượng, “vừa hồng, vừa chuyên”, có sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ thì không có điều nào là quan trọng nhất mà tất cả các khâu, các bước trong công tác cán bộ đều rất quan trọng và có vai trò, vị trí khác nhau.

Ở câu chuyện “thầy bói xem voi”, mỗi người chỉ nhìn nhận, đánh giá ở một góc độ, một chi tiết của đối tượng (tất nhiên là đúng sự thật) rồi chủ quan đưa ra nhận định của mình, thiếu cái nhìn đa chiều, khách quan, và chưa thận trọng, kỹ lưỡng trong đánh giá, phân tích. Thực tế con voi có tất cả các đặc điểm mà mỗi thầy bói mô tả, nhưng để biết được đó là con voi chỉ khi tất cả các góc độ, tất cả các chi tiết được gộp, kết hợp lại.

Tóm lại, để công tác cán bộ đạt yêu cầu cần nhận thức rằng không chỉ căn cứ riêng lẻ một số tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, đặc thù hay hoàn cảnh, tình hình cụ thể nào. Công tác cán bộ không chỉ vận hành trong một cơ quan, đơn vị hay một địa phương mà cần đặt trong tổng thể và có sự kết hợp, liên thông giữa các ngành, giữa thành phố với các địa phương và ngược lại; phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn, toàn diện, đồng bộ giữa các khâu, các bước theo quy định, giữa các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan ngay từ khâu tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, đến sử dụng đánh giá, nhận xét, giới thiệu, thẩm tra, thẩm định…

* Nhân dịp đầu năm mới, với tư cách là người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của Thành ủy về công tác cán bộ, ông có thông điệp gì để gửi gắm đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố?

- Gần đây, tôi có tham gia trong một cuộc giao lưu khá cởi mở, có một vài cán bộ cho rằng “hiện nay, phía sau công việc, chúng tôi ít có niềm vui hơn trước”. Điều này cũng làm tôi nghĩ suy, trăn trở và trong đó cũng có phần chia sẻ về cảm nhận này. Bởi chúng ta đều biết, thời gian gần đây các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…nên cũng có những tác động đến tâm lý làm việc cũng như hiệu quả tham mưu, đề xuất của cán bộ; trong khi đó Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung vẫn đang cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể hơn để triển khai, thực hiện. Cùng với đó, cả hệ thống chính trị tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nên cũng đã ảnh hưởng đến cơ hội tiến thân của nhiều cán bộ… Ngoài ra, thực tế là các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực ngày càng đầy đủ, chặt chẽ hơn nên cũng hạn chế các kẻ hở để một bộ phận cán bộ có động cơ, hành vi chưa trong sáng tranh thủ, lợi dụng để tìm kiếm lợi ích khác.

Các đồng chí thân mến! Khi chúng ta quyết định bước chân vào các cơ quan công quyền thì có thể xem là bắt đầu một quá trình dấn thân. Do đó, đừng ai chọn cách đứng riêng ra một mình, niềm vui của mỗi người không nên tách khỏi niềm vui của tập thể mà cần có những hy sinh nhất định lợi ích riêng vì các mục tiêu chung, cần đặt lợi ích của tập thể, của thành phố lên trên, lên trước lợi ích cá nhân; mỗi người hãy đoàn kết và xác định cho mình một sứ mệnh ở ngành, lĩnh vực hoặc ở ngay trong nhiệm vụ công tác. Hiện nay, hệ thống các quy phạm pháp luật đã khá đầy đủ và bám sát thực tiễn hơn; riêng về công tác tổ chức cán bộ, các chủ trương, quy định, hướng dẫn đã thực sự chạm đến sự dân chủ, công khai, minh bạch và khách quan, gần như không có cơ hội để lồng ghép ý chí cá nhân, quyền lực trong công tác cán bộ đã cơ bản được kiểm soát. Nên các đồng chí hãy yên tâm và có niềm tin những ai có sự cống hiến, dám nghĩ, biết làm vì lợi ích chung sẽ được tổ chức, đơn vị, xã hội tôn vinh và trọng dụng; sẽ được tạo điều kiện để phát huy năng lực, sở trường công tác.

Chúng tôi và các cấp ủy đảng, các tập thể lãnh đạo, quản lý luôn lắng nghe, kiếm tìm và đồng hành với những ai biết dâng hoa cho đời, những chú ong cần mẫn xây dựng sự nghiệp chung. Vì vậy, bên cạnh việc chờ đợi niềm vui sau công việc thì chúng ta hãy chủ động để có được niềm vui trước và trong quá trình làm việc; niềm vui không chỉ xuất hiện ở cuối con đường mà nó đã ở ngay bước chân đầu tiên và suốt con đường ta đi nếu như có nhận thức tích cực, động cơ trong sáng và hành động phù hợp. Nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố không chỉ của riêng ai nên chúng ta hãy cùng chung một khát vọng, “hãy sống và ước vọng để thấy đời mênh mông”.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

NHẬT QUANG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.