Cần đầu tư cơ sở vật chất phòng cháy, chữa cháy tại các chợ

.

Chợ là nơi buôn bán đa dạng hàng hóa, trong đó nhiều nhóm hàng kinh doanh tại chợ có nguy cơ cháy nổ cao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở vật chất tại nhiều chợ đã xuống cấp, không đáp ứng được các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Vì vậy, công tác an toàn PCCC cần được ban quản lý các chợ, lực lượng chức năng, tiểu thương quan tâm để không xảy ra tình trạng cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản.

Kiểm tra thường xuyên chất lượng các thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại chợ Cồn. Ảnh: Q.T
Kiểm tra thường xuyên chất lượng các thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại chợ Cồn. Ảnh: Q.T

Ưu tiên công tác phòng, chống cháy nổ

Là một trong những chợ truyền thống được xây dựng lâu năm, chợ Cồn có tổng diện tích 15.000m2 với 2.111 hộ kinh doanh, gồm 1.682 hộ cố định và khoảng 429 hộ không cố định. Đây là khu chợ sầm uất với khối lượng hàng hóa lớn, kinh doanh nhiều mặt hàng dễ gây cháy nổ như: vải, áo quần, mùng mền, nhôm, nhựa, hương đèn, vàng mã, tạp hóa,...

Trải qua thời gian dài hoạt động, chợ Cồn đã nhiều lần được tu bổ, sửa chữa, tuy nhiên hiện nay cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các công trình phụ trợ, hệ thống trang thiết bị và một số hạng mục đã xuống cấp, không đồng bộ, không bảo đảm các tiêu chí của chợ theo quy định; công tác quản lý, bố trí các khu vực quầy hàng chưa phù hợp, thiếu đồng nhất, gây khó khăn trong việc tổ chức hoạt động kinh doanh, vệ sinh môi trường, PCCC...

Ông Phan Thành Thoại, Trưởng ban Quản lý chợ Cồn cho biết: “Dù có một số hạn chế về cơ sở vật chất, quầy hàng, lối đi… nhưng những năm qua, ban quản lý chợ rất quan tâm đến công tác PCCC và đã đầu tư nhiều thiết bị bảo đảm công tác này.

Đơn cử như trang bị đủ số lượng bình chữa cháy xách tay, hệ thống chữa cháy vách tường, hệ thống ống PCCC mạch vòng ống kẽm, hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler… Ngoài ra, ban quản lý chợ đã thành lập đội PCCC với 39 thành viên (trong giờ hành chính 24 người, ngoài giờ hành chính 15 người) thường xuyên thực tập phương án và cho kiểm tra thiết bị máy nổ, mô-tơ điện vào tối thứ Ba, thứ Sáu hằng tuần”.

Trong khi đó, chợ Hàn đang triển khai xây dựng mô hình “Chợ kiểu mẫu an toàn về PCCC”. Hiện chợ có 6 bể nước, tổng lượng nước chứa 5-50m3, 2 trụ nước PCCC công cộng; các trang thiết bị phục vụ công tác PCCC đầy đủ, chất lượng theo danh mục trong phương án PCCC đã được phê duyệt.

“Công tác phòng, chống cháy nổ luôn được ban quản lý quan tâm hàng đầu. 24/24 giờ mỗi ngày đều phân công lực lượng theo phương án khi có sự cố xảy ra; tăng cường công tác thường trực, sẵn sàng ứng phó, lực lượng PCCC tại chỗ với 100% quân số, phân công trách nhiệm cụ thể, tổ chức tốt công tác tuần tra, kiểm soát (đặc biệt vào ban đêm và các ngày nghỉ, lễ, Tết), sẵn sàng xử lý kịp thời khi phát hiện cháy, nổ. Chúng tôi cũng tự lập kế hoạch kiểm tra an toàn hệ thống điện của đơn vị và hộ kinh doanh, thường xuyên nhắc các hộ kinh doanh vệ sinh quạt, chống lấn chiếm và không treo móc hàng hóa gần thiết bị điện. Mới đây, chợ đã thay thế,  lắp đặt mới và vệ sinh bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị sử dụng điện các loại cho hơn 300 hộ kinh doanh”, ông Hoàng Cung Thượng Đức, Phó ban quản lý chợ Hàn thông tin.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác PCCC tại các chợ truyền thống trên địa bàn là lô, quầy được bố trí dày đặc, lối đi nhỏ hẹp, cơ sở vật chất tại nhiều chợ đã xuống cấp. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 74 chợ các loại 1. Trong đó: Sở Công Thương quản lý 4 chợ hạng 1 (chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa và chợ đầu mối Hòa Cường);  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 1 chợ hạng 1 (chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang); các quận, huyện và phường, xã quản lý 67 chợ và 2 doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý 2 chợ; tổng diện tích mặt bằng tại các chợ khoảng 275.983m2, trong đó, diện tích kinh doanh tại các chợ khoảng 141.273m2 (chiếm 54%) với tổng số hộ kinh doanh khoảng 22.077 hộ. Diện tích bán hàng bình quân của hộ kinh doanh khoảng 6,4m2/hộ, rộng hơn so với quy định hiện hành về diện tích quy chuẩn tối thiểu của điểm kinh doanh tại chợ (3m2/điểm).

Tuy nhiên, trong tổng số 74 chợ có khoảng 22 chợ có diện tích điểm kinh doanh bình quân nhỏ hơn 3m2/điểm như: chợ Thanh Bình, chợ Hàn (quận Hải Châu), chợ Thuận An (quận Thanh Khê), chợ Chiều (quận Sơn Trà)... Các chợ có diện tích kinh doanh bình quân/hộ cao nhất tập trung ở các chợ thuộc huyện Hòa Vang.

Các nguồn vốn đầu tư, phát triển chợ trong thời gian qua chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, từ nguồn thu của đơn vị quản lý chợ giữ lại tái đầu tư sửa chữa chợ và một phần vốn góp của tiểu thương. Đối với các khoản chi sửa chữa chợ thì sử dụng một phần nguồn thu của Công ty Quản lý và phát triển các chợ, ban quản lý các chợ quận, huyện để thực hiện.

Theo ông Đoàn Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý chợ quận Cẩm Lệ, thời gian qua, đơn vị đã đề xuất UBND quận quan tâm đầu tư cải tạo hệ thống, phương tiện PCCC; bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện về công tác PCCC theo quy định, hoàn chỉnh phương án PCCC tại 6 chợ trên địa bàn. Đơn cử như lắp đặt đường ống hút nước tại chợ Hòa An; sửa chữa, nâng cấp máy bơm chợ Hòa Cầm.

“Chúng tôi cũng thường xuyên tự kiểm tra công tác PCCC, hệ thống điện, hàng hóa lấn chiếm lối đi. Hiện nay tại các chợ không còn trường hợp hộ kinh doanh thắp hương, đèn cầy tại lô, quầy hàng. Ngoài ra, ban quản lý cũng hướng dẫn tiểu thương cài đặt app báo cháy 114 để khi có sự cố xảy ra thông tin liên liên lạc được thông suốt”, ông Hòa cho biết.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Trừ cho hay, công tác bảo đảm PCCC tại các chợ được sở rất quan tâm. Mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách đến chợ (đặc biệt các chợ lớn, phục vụ du lịch như chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa...), nếu xảy ra cháy nổ thì tiểu thương tại chợ là thiệt hại nhất, có thể phá sản, ảnh hưởng đến tính mạng.

Vì vậy, sở đề nghị ban quản lý các chợ thường xuyên kiểm tra các vị trí xung yếu có nguy cơ cháy nổ, thiết bị máy móc phục vụ PCCC, hệ thống điện tại chợ, tăng cường tuần tra, trực đêm, định kỳ tổ chức tập huấn các phương án PCCC tại chỗ...

Đối với hộ kinh doanh và khách hàng, nghiêm cấm hút thuốc với mọi đối tượng trong phạm vi chợ; không câu móc sử dụng điện mà không được sự đồng ý của ban quản lý chợ; không trưng bày hàng hóa, lấn chiếm lối đi, cản trở lối thoát nạn...

“Sắp tới, sở sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất công tác PCCC các chợ vào ban đêm, không thông báo trước. Nếu chợ nào không bố trí lực lượng trực đêm, không quản lý chặt chẽ các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện... sẽ bị xử lý theo quy định”, ông Trừ thông tin.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.