Hồ Nghinh - người lo trước nỗi lo của thiên hạ

.

Ông Hồ Nghinh là bạn học cùng thời với ông Võ Nguyên Giáp ở Trường Quốc học Huế, cũng là thầy giáo từng giảng dạy ở trường tân học Tân Tân do chính ông và em trai là ông Hồ Thấu thành lập ngay giữa quê nhà Duy Trinh, Duy Xuyên- nói cách khác ông là người xuất thân từ nền giáo dục Pháp-Việt những thập niên đầu thế kỷ XX. Thế nhưng ông Hồ Nghinh cũng là người chịu ảnh hưởng đáng kể của nền giáo dục Nho học - thông thạo chữ Hán chữ Nôm và thấm nhuần sâu sắc nhiều triết lý nhân sinh cao quý của người xưa.

Đồng chí Hồ Nghinh (bìa phải) đón Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đà Nẵng năm 1975. (Ảnh tư liệu)
Đồng chí Hồ Nghinh (bìa phải) đón Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đà Nẵng năm 1975. (Ảnh tư liệu)

Nhà báo Dương Đức Quảng trong một bài viết về ông Hồ Nghinh đăng trên Báo Công an nhân dân điện tử vào tháng 8-2007 có kể chuyện mình - một phóng viên Thông tấn xã Giải phóng miền Trung Trung Bộ tại Đặc khu Quảng Đà- được gặp Bí thư Đặc khu ủy Hồ Nghinh hồi năm 1971 và trong một hang đá ở núi Hòn Tàu được ông Hồ Nghinh đọc cho nghe bài thơ Đường Phong kiều dạ bạc của Trương Kế sáng tác năm 756 - Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên… - giữa tiếng đại bác cầm canh từ các cứ điểm của địch ở An Hòa, Đức Dục, Bồ Bồ bắn vào khu căn cứ Đặc khu ủy: Và không chỉ yêu thơ Đường, ông Hồ Nghinh còn thể hiện rất rõ quan niệm sống tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu/hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc/lo trước nỗi lo của thiên hạ/vui sau niềm vui của mọi người - được nêu trong tác phẩm Nhạc Dương lâu ký/bài ký lầu Nhạc Dương của Phạm Trọng Yêm đời nhà Tống - và cũng là một phẩm chất cao quý của người cộng sản chân chính suốt quá trình thực hiện trọng trách người đứng đầu Đặc khu ủy Quảng Đà trong chiến tranh và đứng đầu Tỉnh ủy Quảng Nam Đà Nẵng sau chiến tranh.

Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Hồ Nghinh thể hiện phẩm chất lo trước nỗi lo của thiên hạ theo một cách rất cụ thể và thuyết phục. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, muốn giành thắng lợi trên chiến trường nói chung và chiến trường Quảng Đà nói riêng thì cần phải có được hai thế đứng: đứng trên đầu thù và đứng giữa lòng dân.

Nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất của Đặc khu ủy là làm thế nào để bám trụ cho được giữa lòng dân, và để làm được điều đó, Bí thư Đặc khu ủy Hồ Nghinh đã yêu cầu đưa bộ phận thường trực của Ban Thường vụ Đặc khu ủy và chính bản thân ông về đứng ngay giữa Gò Nổi - lúc ấy đang bị địch cày trắng, đánh phá khốc liệt ngày đêm.

Là người lo trước nỗi lo của thiên hạ, ông lập luận đơn giản về cái quyết định mang tính sinh tử này: “Hiệu quả nhất lúc này là sự có mặt của mình tại chỗ. Tôi là Bí thư Đặc khu ủy, tôi đứng ngay giữa Gò Nổi thì ác liệt tới mấy cũng không bí thư huyện, bí thư xã nào dám bỏ đất mình mà chạy. Bí thư còn bám tại xã, thì không đảng viên nào bỏ dân ở từng thôn xóm. Đảng viên trong từng thôn xóm còn trụ lại thì dân sẽ trụ lại, địa bàn sẽ còn, phong trào sẽ còn. Đấy là việc quan trọng nhất cần làm lúc này”. Và ông Hồ Nghinh không dừng lại ở Gò Nổi, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, ông đã vào nội thành Đà Nẵng đến hai mươi ngày.

Tại cuộc Hội thảo về ông Hồ Nghinh do Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng tổ chức hồi năm 2013, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An đã lý giải về động thái lo trước nỗi lo của thiên hạ này của ông Hồ Nghinh: “Anh Nghinh không nói nhưng chúng tôi, mọi cán bộ Quảng Đà đều biết nét nổi bật trong phong cách của anh là luôn ở phía trước, nơi gian khổ nhất, ác liệt nhất. Trận đánh cuối cùng, cuộc nổi dậy cuối cùng sẽ diễn ra ở Đà Nẵng, anh phải ở đấy. Không thể nào khác” (Nguyễn Đình An, Hồ Nghinh - người lính già quả cảm, người chính ủy thân yêu, người chỉ huy tuyệt vời, Báo Công an thành phố Đà Nẵng điện tử, ngày 21-1-2008).

Cũng tại cuộc hội thảo vừa nêu, tôi đã phát biểu về vai trò của ông Hồ Nghinh trong việc tạo cú hích tư duy cho sự nghiệp đổi mới đất nước sau chiến tranh: “Người giữ vai trò kiến trúc sư trưởng của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo hồi ấy là ông Trường Chinh, điều này đã được lịch sử thừa nhận. Tuy nhiên, có không ít thông tin cho thấy dường như ông Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương thân quý của chúng ta (chức vụ trước khi nghỉ hưu của ông Hồ Nghinh) đã có tác động đáng kể đến quá trình đổi mới tư duy của Tổng Bí thư Trường Chinh ngay đêm trước của đổi mới.

Chắc chỉ là nhàn đàm trà dư tửu hậu giữa hai bậc tiền bối cách mạng thôi chứ không phải họp hành làm việc chính thức gì cả nhưng những gì ông Hồ Nghinh trao đổi bộc bạch lúc này - bằng tất cả sự trải nghiệm thực tế hơn sáu mươi năm, bằng tâm huyết của một người từng vào sinh ra tử một lòng trung thành với Đảng với dân và bằng cả chất giọng Quảng Nam hay cãi- có lẽ đã góp phần tạo nên trong ông Trường Chinh một ấn tượng sâu đậm, thậm chí tạo nên một cú hích tư duy đủ để người hai lần giữ chức Tổng Bí thư có thể từ bỏ những cách nghĩ cách nhìn quen thuộc song đã lỗi thời”.

Có thể nói ông Hồ Nghinh đã thể hiện tư duy đổi mới ngay khi vừa đảm đương trọng trách người đứng đầu Tỉnh ủy Quảng Nam Đà Nẵng. Xuất phát từ phẩm chất lo trước nỗi lo của thiên hạ, ông Hồ Nghinh đã cùng với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra nghị quyết về việc xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh - và để có được khoảnh khắc 29 phát mìn nổ liên tục và 3 phát mìn tiếp theo tượng trưng cho ngày 29 tháng 3 trong lễ khởi công xây dựng con đập cao 32m, dài nửa cây số chặn dòng sông Tam Kỳ hồi năm 1977, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh đã nhiều lần thuyết phục lãnh đạo ngành thủy lợi và các quan chức kinh tế Trung ương về tính cấp bách của việc xây dựng công trình dân sinh quan trọng này. Thế nhưng chỉ mấy năm sau, chính ông Hồ Nghinh lại là người ủng hộ quan điểm không xây dựng công trình thủy lợi Khe Thẻ ở Duy Xuyên và nhờ vậy mà thánh địa Mỹ Sơn đã không phải vĩnh viễn chìm dưới đáy hồ…

Và người lo trước nỗi lo của thiên hạ Hồ Nghinh không chỉ “giải cứu” thành công thánh địa Mỹ Sơn- di sản văn hóa thế giới năm 1999 mà trước đó cũng đã từng “giải cứu” thành công đô thị cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới năm 1999 thứ hai quê hương đất Quảng. Năm 1985, khi vào thăm Hội An, nhà văn Nguyễn Tuân đã nhận xét rất đúng rằng: “Quê hương chúng ta đổ vỡ nhiều quá, nhỏ như cái chén cái bát giữ lại được đã là quý, huống hồ đây là một thành phố còn nguyên vẹn”. Và càng suy ngẫm về câu nói của tác giả Vang bóng một thời, chúng ta càng thấy tầm nhìn cách nghĩ vượt trước của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh. Thật ra ông Hồ Nghinh đã nhìn đã nghĩ về các di sản văn hóa ngay trong chiến tranh.

Tại cuộc hội thảo về ông Hồ Nghinh năm 2013, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An còn kể lại câu chuyện từ 40 năm trước: “Một ngày cuối tháng 1-1973, ở cơ quan Đặc khu ủy, anh Nghinh và chúng tôi ngồi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi văn bản Hiệp định Paris. Bỗng nhiên, anh hỏi tôi: Ông An có biết Musée Chàm không? Tôi nói biết rất ít về Đà Nẵng và càng biết ít hơn về Cổ viện Chàm. Anh bảo: “Khi tiếp quản Đà Nẵng, phải có kế hoạch bảo vệ Musée Chàm”. Nhờ tầm nhìn cách nghĩ vượt trước ấy mà ngày nay Musée Chàm/Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã trở thành một bảo tàng về nghệ thuật điêu khắc Champa có thể gọi là độc nhất vô nhị trên thế giới, một điểm đến đầy hấp dẫn đối với du khách thập phương khi tham quan thành phố bên sông Hàn…

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của đồng chí Hồ Nghinh, xin có đôi dòng để tưởng nhớ ông - người lo trước nỗi lo của thiên hạ và để kết thúc bài viết này, xin được mượn nhan đề tham luận của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Võ Công Trí đăng trong cuốn sách Hồ Nghinh- một đời vì nước, vì dân do Hội Khoa học Lịch sử thành phố biên soạn (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2017): Mong có nhiều ông Hồ Nghinh hơn nữa!

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.