35 năm sự kiện Gạc Ma (1988 - 2023): Hòa Cường với Trường Sa

.

Trong số 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tại đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) vào  ngày 14-3-1988, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có 10 chiến sĩ. Điều đặc biệt là, phường Hòa Cường (nay là phường Hòa Cường Bắc và Hòa Cường Nam), thành phố Đà Nẵng có 7 liệt sĩ.

Thư của quân và dân phường Hòa Cường
Thư của quân và dân phường Hòa Cường. Ảnh tư liệu

Thư của quân và dân phường Hòa Cường gửi Trường Sa

Vì vậy, ngày 2-4-1988, quân và dân phường Hòa Cường đã có thư gửi cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, ở biên giới hải đảo và chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, thể hiện tình cảm và quyết tâm: “Trong những ngày này, quân và dân Hòa Cường chúng tôi luôn hướng về Trường Sa, hướng về biên giới, đẩy mạnh mọi hoạt động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho Trường Sa thân yêu.

Thanh niên Hòa Cường đã lên đường nhập ngũ tiếp bước chiến sĩ đàn anh. Hiện nay đã có 185 thanh niên đăng ký sẵn sàng nhập ngũ. Nhân dân chúng tôi quyết định lấy ngày 14-4 khởi công xây dựng tuyến đường từ tây sang đông trong phường mang tên Trường Sa và xây dựng công trình mẫu giáo vì con em Trường Sa”(1). Tuy nhiên vì nhiều lý do, nên mãi đến năm 2006, khi hạ tầng được đồng bộ, đáp ứng tiêu chí đặt, đổi tên đường theo quy định hiện hành, thành phố Đà Nẵng đặt tên chính thức còn đường này là đường 30 tháng 4.

Điểm đặc biệt nữa là, hướng ứng lời kêu gọi cả nước hướng về Trường Sa, Thành ủy Đà Nẵng phát động Tuần lễ hướng về Trường Sa thân yêu từ ngày 29-3 đến 6-4-1988 và góp được 800.000 đồng. Theo đó, “phường Hòa Cường góp 110.000 đồng, phường Chính Gián góp 92.000 đồng, các phường khác từ 25.000 đến 30.000 đồng”(2). Có nghĩa là, Hòa Cường là phường có kết quả đóng góp nhiều nhất của các phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ. Điều này thể hiện tinh thần hưởng ứng mạnh mẽ phong trào và tình cảm giành cho chiến sĩ Trường Sa.

“Tiếng gọi từ Hòa Cường”

Nhà văn Nguyễn Chí Trung của báo Quân đội Nhân dân, vào sáng ngày 20-3-1988 đã đến phường Hòa Cường gặp người thân, gia đình của các chiến sĩ hy sinh sau sự kiện ngày 14-3-1988.

Nhà văn thuật lại sự kiện này như sau: “Ở ngõ Tuyên Sơn, một người mẹ buồn bã bước đi dưới những vòm lá mít, lá dừa xanh ngắt, có tiếng khóc, kể: “Làm răng chừ mà thấy được mặt con...”. Ở dốc Cây Đa, một tốp người ngồi, mắt đỏ hoe, lặng lẽ. Hai, ba gia đình đã dựng bàn thờ. Làng đang có tang. Tôi đến nhà bà Muộn, mẹ của đồng chí Phan Văn Sự. Bà khóc: “Cháu nhập ngũ tháng Giêng năm 1987. Tết cháu có về. Sáng 14 âm lịch cháu đi. Hôm đó, ông [bố của liệt sĩ Phan Văn Sự] ở nhà đau nặng. Nếu tính theo ngày, việc xảy ra ở ngoài đảo sáng 14-3 giờ chiều 14 ông mất. Đôi mắt bà mẹ mênh mông. Mắt bà hướng về nơi rất xa: Trường Sa, nơi con bà làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”(3).

Các đồng chí trong Thành Đoàn Đà Nẵng trao tặng quà cho các chiến sĩ Trường Sa. Ảnh tư liệu
Các đồng chí trong Thành Đoàn Đà Nẵng trao tặng quà cho các chiến sĩ Trường Sa. Ảnh tư liệu

Đến nhà mẹ Khả, mẹ liệt sĩ Trần Tài, nhà văn kể lại: “Tài năm nay 19 tuổi, tốt nghiệp phổ thông năm ngoái: môn Văn 6 điểm, môn Lý 7 điểm, Anh văn 7 điểm. Người anh đưa cho tôi xem chiếc ảnh của Tài dán ở góc bằng tốt nghiệp. Mắt sáng, môi đậm, khuôn mặt hiền và chắc, nhìn tựa như đã gặp ở đâu đó một lần rồi. Anh của Tài là Trọng, hiện công tác ở Bộ Tham mưu Quân khu 5. Một người anh nữa là Cường đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, về công tác ở Công ty vật liệu xây dựng. Trước nỗi đau, người mẹ thường tự hỏi. Đôi mắt bà Khả cũng mênh mông, nhòa lệ”(4).

Đến nhà mẹ liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn: “Đoàn năm nay 20 tuổi, sinh đúng vào năm Mậu Thân. Bà mẹ ngồi khóc, không nói gì. Người cha chìa cho tôi miếng yếm hải quân mà Đoàn để lại. Ông nói là ngày xưa ông ở Hòa Quý. Hòa bình mới lên đây. Hai vợ chồng ông, cũng như hai vợ chồng bà Muội, suốt một đời làm thợ bốc vác ở cảng. Từng nghe sóng biển, từng sống với tiếng còi tàu. Khi còn trẻ vác 150 cân. Khi đã có tuổi, vác 100 cân. Về già, sức yếu, lấy mồ hôi nuôi miệng, ráng vác cho được 50-70 cân... ”(5).

Đối với sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988, Hòa Cường đã trở thành biểu tượng của tiếng gọi hướng về Trường Sa, một bộ phận lãnh thổ của Tổ quốc, nơi có những nỗi đau của các bà mẹ, người cha có con hy sinh nơi đầu sóng ngọn gió.

VÕ HÀ

1. Thư của quân và dân phường Hòa Cường, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng, ngày 5-4-1988.
2. Hướng về Trường Sa, vì Trường Sa, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng, ngày 12-4-1988.
3, 4, 5. Nguyễn Chí Trung, Tiếng gọi từ Hòa Cường, Báo Quân đội Nhân dân, số 9657, ngày 12-4-1988.

;
;
.
.
.
.
.