Cần xử lý dứt điểm tình trạng xây dựng trái phép, không phép

.

Các trường hợp xây dựng trái phép, không phép ở bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) và khu vực suối Lương (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) đã xảy ra trong thời gian dài và có yếu tố “lịch sử” để lại. Đáng nói, trước các yêu cầu của chính quyền địa phương, các chủ công trình trái phép không những không tháo gỡ, khắc phục vi phạm mà còn có dấu hiệu ngày càng xây dựng mới, xây nhiều hơn, mở rộng hơn, đòi hỏi các địa phương phải áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý dứt điểm.

Các công trình xây dựng trái phép, không phép vẫn còn nguyên trạng tại khu vực suối Lương vào ngày 28-3-2023. Ảnh: CHIẾN THẮNG
Các công trình xây dựng trái phép, không phép vẫn còn nguyên trạng tại khu vực suối Lương vào ngày 28-3-2023. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Hết thời hạn tự tháo dỡ, vẫn còn nguyên trạng 

Ngày 27-3 là thời hạn cuối cùng mà UBND phường Hòa Hiệp Bắc yêu cầu các hộ kinh doanh du lịch sinh thái phải tháo dỡ các đập ngăn dòng chảy suối Lương cùng các công trình xây dựng trái phép, không phép dọc suối này. Tuy nhiên, theo ghi nhận vào sáng 28-3, dọc theo suối, các đập ngăn được đắp bằng đá, sỏi và bê-tông vẫn còn nguyên hiện trạng. Các hộ kinh doanh chưa tự tháo dỡ theo yêu cầu của phường.

Theo UBND phường Hòa Hiệp Bắc, hiện chỉ có một khu du lịch được thành phố Đà Nẵng cấp phép hoạt động tại khu vực suối Lương là Khu du lịch sinh thái suối Lương (Hải Vân Park) thuộc Công ty CP Danatol, còn lại là 10 điểm du lịch tự phát. Mỗi điểm du lịch tự phát đều xây 1 đập ngăn suối để làm hồ bơi nhân tạo phục vụ du khách. Ngày 27-3, khi thấy các hộ chưa tháo dỡ, UBND phường Hòa Hiệp Bắc tiếp tục gửi thông báo đến hết ngày 30-3, những hộ không tự tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, không phép thì phường sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành các phương án cưỡng chế theo quy định. “Việc cưỡng chế, tháo dỡ bắt đầu từ ngày 31-3 đối với công trình xây dựng trái phép còn tồn tại ở điểm du lịch thuộc Công ty CP Danatol (phần xây sai phép). Sau đó, các công trình xây dựng không phép của các hộ kinh doanh tự phát dọc suối Lương cũng bị cưỡng chế, nếu các hộ không tự tháo dỡ”, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc Nguyễn Minh Hoàng cho biết.

Được biết, nguyên nhân khiến tình trạng xây dựng trái phép, không phép dọc khu vực suối Lương kéo dài và tái diễn, theo UBND phường Hòa Hiệp Bắc, một phần là yếu tố “lịch sử” để lại, một phần là hiện có một công ty được thành phố cấp phép làm du lịch sinh thái và có một trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực này. Chính vì vậy, các hộ kinh doanh du lịch tự phát kiên quyết bám trụ và kinh doanh theo. Mặt khác, việc triển khai quy hoạch cũng như cắm mốc quy hoạch 3 loại rừng tại khu vực này còn chậm nên địa phương vẫn chưa biết khu vực đất rừng ở đây sẽ được thành phố thu hồi hay tiếp tục để lại cho các hộ sử dụng, nên rất khó quản lý và giải quyết dứt điểm.

Không tự tháo dỡ, còn xây mở rộng

Tương tự, đối với các trường hợp xây dựng trái phép, không phép tại bán đảo Sơn Trà, mặc dù các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã yêu cầu các chủ hộ phải tự tháo dỡ, nhưng đến nay, vẫn còn nhiều công trình tồn tại và được xây dựng mở rộng hơn. Đặc biệt, có chủ hộ còn đầu tư, xây dựng hệ thống nhà hàng Bảy Ban với hệ thống nhà kiên cố bằng bê-tông trên diện tích 1ha tại tiểu khu 64. Diện tích đất này của bà H.T.L. được nhận giao khoán để trồng rừng, nhưng từ năm 2002 đến nay thì xây dựng hệ thống nhà hàng. Không chỉ sử dụng đất sai mục đích theo hợp đồng giao khoán, bà H.T.L. còn xây dựng công trình kiên cố lấn ra biển. Cơ quan chức năng còn phát hiện chủ cơ sở này kinh doanh không đúng với địa điểm trong giấy phép được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Theo UBND quận Sơn Trà, các trường hợp xây dựng trái phép tại bán đảo Sơn Trà có 3 nhóm, gồm: công trình tồn tại trên diện tích có hợp đồng giao khoán, nhưng không xác định được chủ hợp đồng nhận khoán trồng rừng (11 trường hợp); công trình tồn tại trên diện tích có hợp đồng giao khoán và xác định được chủ hợp đồng giao khoán trồng rừng (26 trường hợp); công trình tồn tại trên diện tích không có hồ sơ giao khoán trồng rừng (21 trường hợp). Trong năm 2022, quận Sơn Trà đã có kế hoạch xử lý các trường hợp xây dựng trái phép tại bán đảo Sơn Trà với lộ trình xử lý đến năm 2025 và trong năm đã xử lý, tháo dỡ được 10 trường hợp.

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Nguyễn Hoàng Việt đã ký quyết định xử phạt hành chính 5 hộ lấn chiếm đất chưa sử dụng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất tại bán đảo Sơn Trà để xây dựng các công trình trên đất mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép với tổng số tiền phạt là 42,5 triệu đồng. Quận buộc 5 hộ dân này thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; riêng đối với 2 hộ lấn chiếm đất thì phải trả lại đất đã chiếm. Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Sơn Trà Nguyễn Trần Bang cho rằng, hiện đã hết thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 5 hộ dân vi phạm nói trên nên đang chờ quận có quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả để xây dựng phương án cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm.

Về nguyên nhân chậm xử lý các trường hợp xây dựng trái phép tại bán đảo Sơn Trà trong những năm qua, theo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, đó là sự thay đổi quy định của pháp luật. Để có cơ sở cưỡng chế các trường hợp vi phạm, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận Sơn Trà đã nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật và nhiều lần tham vấn ý kiến của các sở, ban, ngành của thành phố. Theo đó, quận đã thống nhất cơ sở pháp lý để xử lý, tháo dỡ các trường hợp vi phạm này theo quy định của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này cũng gặp nhiều khó khăn nên quận tập trung giải quyết để thực hiện bảo đảm các quy định nhằm xử lý các trường hợp xây dựng trái phép tại bán đảo Sơn Trà. Ngoài ra, quận cũng áp dụng thêm các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là thanh lý các hợp đồng giao khoán trồng rừng sản xuất.

HOÀNG HIỆP - CHIẾN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.