Hiện nay, cùng với sự phát triển công nghệ thông tin, mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh và đi cùng với đó là vấn nạn tin giả cũng tăng nhanh đến chóng mặt. Thực tế, thông tin sai lệch thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin thật, thông tin chính thống.
Tin giả đang trở thành mối quan tâm mà hầu hết các quốc gia trên thế giới do những hậu quả nghiêm trọng mà tin giả gây ra cho bộ máy công quyền, cho xã hội và cho người dân. Nhiều tin giả bịa đặt, xuyên tạc hoặc thật giả lẫn lộn lên mạng nhằm khủng bố tinh thần và tạo dư luận xã hội trên cộng đồng mạng phục vụ các ý đồ đen tối, gây phương hại đến ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Tại Việt Nam, trong hai năm 2021-2022, các cơ quan chức năng đã có gần 600 quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân, tổ chức có hành vi tung tin giả, tin sai sự thật với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền phạt này quá nhỏ so với tác hại tin giả gây ra đối với xã hội. Những đối tượng tung tin thất thiệt hiện gồm 3 nhóm. Thứ nhất, là nhóm cố tình đăng tải thông tin tiêu cực, họ luôn tìm những điểm xấu hoặc bóp méo thông tin. Thứ hai, là nhóm những người không có thông tin đầy đủ, nhưng dựa vào hiểu biết hạn chế đã đưa ra những thông tin sai lệch. Thứ ba, là nhóm không có thông tin nhưng muốn câu views nên sẵn sàng lan truyền những thông tin chưa kiểm chứng.
Để đấu tranh phòng, chống nạn tin giả, nhiều quốc gia đã ban hành luật để hướng dẫn người dân nhận biết, các cơ quan quản lý có cơ sở để ngăn chặn sự lan truyền của tin giả.
Đối với nước ta, Luật An ninh mạng ra đời là cơ sở pháp lý để thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng, chống vấn nạn tin giả một cách quyết liệt và mạnh mẽ. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, trong đó có quy định xử phạt về hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Nghị định này quy định phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm…
Hoặc đối với nhà cung cấp dịch vụ, tại Điểm c, Khoản 36, Điều 1, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định chủ động cung cấp đường dẫn đến trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng có nội dung vi phạm pháp luật (thông tin xuyên tạc, tin giả, tin sai sự thật sẽ bị phạt tiền 30-50 triệu đồng).
Còn tại Điểm a, d, e, i; Khoản 3, Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định nếu chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, thông tin bịa đặt, gây hoang mang bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Nghị định quy định tùy theo tính chất, mức độ của từng trường hợp mà hành vi đưa, truyền bá tin giả trên không gian mạng với các hành vi đề cập dưới đây sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh sau:
- Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155, Bộ luật Hình sự 2015 bị phạt tù từ 3 tháng - 2 năm. Hình thức xử phạt bổ sung 10-30 triệu đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề 1- 5 năm.
- Tội vu khống quy định tại Điều 156, Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Điểm e, Khoản 2, Điều 2, Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 bị phạt tù từ 1-3 năm. Hình thức xử phạt bổ sung 10-50 triệu đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề 1 - 5 năm.
- Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng - 3 năm.
- Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội quy định tại Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 bị phạt tù 2- 7 năm.
- Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 177, Bộ luật Hình sự 2015 bị phạt tù 5-12 năm.
Có thể nói, hiện nay vấn nạn tin giả đang đặt ra những thách thức vô cùng nghiêm trọng cho Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội và người dân Việt Nam chúng ta. Việc nhận biết tin giả và nắm vững các quy định của pháp luật để đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn tin giả đang trở thành nhiệm vụ cấp bách không chỉ của các cơ quan bảo vệ pháp luật mà cả nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội.
LÊ MINH CHÂU