Qua cầu Sông Hàn, nhớ lại...

.

Ngày 29-3-1998, Thành ủy Đà Nẵng quyết định xây chiếc cầu bắc qua sông Hàn, cùng với công trình trọng điểm đường Bạch Đằng Đông, quyết làm thay đổi một cách cơ bản vùng đất rộng lớn còn nghèo ở phía đông Đà Nẵng. Kể từ ngày phát lệnh khởi công, sáng, chiều, hàng trăm cán bộ, nhân dân đến với công trình lịch sử ấy, theo dõi từng bước tiến độ, lòng ai cũng rạng rỡ, phơi phới. Các đội thi công làm không kể ngày đêm, dãi nắng, dầm mưa, quyết tâm đưa cầu Sông Hàn vào khánh thành đúng ngày 29-3-2000, tròn 2 năm sau ngày phát lệnh khởi công, 3 năm sau khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997-2000) và kỷ niệm 25 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2000).

Lễ kỷ niệm 25 năm giải phóng Đà Nẵng tổ chức rất trọng thể. Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam…

* * *

Cũng là chuyện cây cầu Sông Hàn, đó là chuyện sáu bà đưa đò bơi ghe qua sông Hàn thậm thò vào bắt đền Chủ tịch thành phố. Lúc đầu, ba bà xin vô được tới Văn phòng UBND thành phố, lập tức ba bà đứng chờ ngoài sân tranh thủ chớp thời cơ cũng kéo vô theo.

Nghe báo có sáu bà xin gặp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Bá Thanh ra bàn tiếp khách. Sáu bà mà chỉ ba bà cầm đơn trên tay, được lời mời của Chủ tịch, họ rón rén phủi quần ngồi xuống ghế.

- Thưa ông Chủ tịch. Sáu bà cúi đầu chào. Năm bà nhìn sững ông Nguyễn Bá Thanh. Một bà thay mặt đứng dậy trịnh trọng:  Thiệt ra, chỉ có ba bà đệ đơn, là ba bà ni đây, bà ta nói và chỉ ba bà ngồi ở cái ghế dài bên cạnh. Ba bà mang đơn đi mấy lần mà không dám gặp ông Chủ tịch, nên chi mới kéo thêm ba chị em chúng tôi. Không phải chúng tôi kéo nhau đi đấu tranh mô, thưa ông Chủ tịch.

- Tôi hỏi, các bà có ưng xây cầu Sông Hàn không?

- Chúng tôi thì rất quý ông. Ông làm cầu qua sông Hàn thì quá ngon. Họ đi qua đi lại dễ òm. Cuối cùng bọn tôi không có việc làm. Không biết tính răng, lên cầu cứu ông Chủ tịch. Cầu cứu chớ không phải đấu tranh mô. Dân tui nói một là một.

Hai bên chủ và khách hình như đã gặp nhau ở đâu, trông quen?

Chẳng là, khi giám sát thi công cầu qua sông Hàn, không ít lần ông Nguyễn Bá Thanh ngồi trên thuyền của mấy bà đưa đò, thuyền thường áp sát mấy trụ cầu đang thi công. Họ không biết ông là ai mà cứ bảo bơi đến rồi lại bơi lui, cứ nhìn nhìn mấy cái trụ cầu. Bơi một vòng, sắp lên bờ, ông hỏi: Mấy ngàn?
- Năm ngàn. Chú đưa tui năm ngàn.

Ông Thanh rút đưa năm chục ngàn, nói: Để mấy bà ăn trầu.

Bà chèo đò tay cầm tờ năm chục ngàn nhìn theo, ngạc nhiên. Ông mô lạ ri, dẫn đi, dẫn đến, hỏi không ra là ai.

Ngồi trên chiếc ghế dài, mấy bà nhìn nhau, nói nhỏ: Ông ni trông quen quá!

- Phường đã làm việc với mấy cô, mấy thím chưa? Ông Nguyễn Bá Thanh hỏi.

- Dạ, có mời đến hỏi thăm, báo cáo hoàn cảnh. Ai kiến nghị chi thì phường ghi sổ… Nhưng…

- Ghe đò bán cho ai? Sống sao đây? Chừ tính răng rồi?

Ông Nguyễn Bá Thanh vừa hỏi thì ba bà chờm mặt vô xin nói:

- Dạ, chừ kẹt tiền, mấy cái ghe phải úp trên bờ. Mà, chừ cũng không có bờ để úp ghe.

- Thưa ông Chủ tịch. Tui là dân ngu khu đen, quanh năm làm thuê làm mướn sống qua ngày nhờ đưa đò qua lại.

- Đời ta ba đời nó. Mà đời ta hàng chục đời nó luôn! Một bà khác thấy hai bà nói được, ưng nói quá, không nhớ lời dặn chỉ một bà phát ngôn, đừng nói dật dờ với ông Chủ tịch.

- Mấy bác nói chi nói thẳng đi. Ông Nguyễn Bá Thanh gợi ý.

- Đời cha kế đời con đưa đò ngang, cha mẹ thường dặn: Con ơi, mẹ dặn lời này. Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua… Ba đời rồi, từ ông nội, ông già, đến tôi, sống nhờ cái ghe, cái đò, chừ…

- Tôi hiểu rồi đó! Ông Nguyễn Bá Thanh cắt ngang - Với cương vị Chủ tịch thành phố, các bác khiếu nại là đúng. Ghe của mấy bác, mấy thím đóng lâu chưa, cũ hay mới. Ba chiếc ghe mua bao nhiêu?

- Dạ, ghe cũng không mới mà cũng không cũ…

- Mấy năm rồi? Ông Nguyễn Bá Thanh hỏi.

- Cho được đồng mô hay đồng nấy. Có chỗ mua thì bán.

- Thôi, mấy bà về hỏi chồng con, tính mỗi chiếc ghe giá bao nhiêu, vài ngày nữa sẽ có người đến tận nhà mua cho. Giám định mua của mấy bà đàng hoàng.

Ông Nguyễn Bá Thanh nói và cầm điện thoại bấm, gọi cho chủ tịch các xã thấp lụt Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Xuân, Hòa Qúy, hỏi có ghe chống bão lụt chưa, thì anh chủ tịch xã nào cũng nói: Cần ghe quá! Nhưng...

- Lại nhưng. Chưa mua thì ra liên hệ với phường An Hải Đông. Kinh phí rút từ kinh phí phòng chống bão lụt năm 2000. Mỗi xã một chiếc. Trước mắt có ngay ba chiếc. Anh mô lên trước nhận trước.

Nguyễn Bá Thanh vừa nói chuyện với mấy ông chủ tịch thì thả điện thoại cầm tay xuống bàn quay sang mấy bà:

- Còn các bà tôi giải quyết công việc làm. Được chưa?

Ông Nguyễn Bá Thanh hỏi vậy thôi chứ khi nói chuyện qua điện thoại với các chủ tịch xã, nhìn thấy mấy bà béo nhau cười toại nguyện, đắc ý. Sau câu hỏi được chưa, sáu bà đồng loạt đứng dậy cúi chào cảm ơn ríu rít.

Ông Nguyễn Bá Thanh đưa hai tay chào: Thôi, thỏa mãn chưa. Về được rồi. Mai đến tôi bố trí công việc…

* * *

Khi có cầu nối bờ tây sông Hàn qua bến Hà Thân, thì con phà ngày ngày nặng nề đưa người tấp nập qua sông và những con đò của bà con vạn ghe ''Sông Đà'' lặng lẽ biến vào dĩ vãng, không có dịp chào từ biệt những người từng qua đoạn sông này. Từ ấy, câu thơ buồn bao đời làm xao xuyến lòng người, chỉ còn giá trị trong văn học dân gian. Từ ngày có những cây cầu bắc qua sông Hàn, người ta ''đứng bên ni sông Hàn'', không còn thấy cảnh ''nước xanh như tàu lá'', mà bồi hồi nhìn ''phố xá nghênh ngang'', vui lây với dòng xe người cuồn cuộn, hối hả, những ngôi nhà cao sang ngày đêm soi bóng nước sông Hàn.

Ngoài ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội, cây cầu có hình dáng khá đẹp, được chọn làm một biểu tượng, có giá trị hơn một trăm tỷ đồng, giá trị lớn hơn là sự đóng góp công sức, tiền bạc và tình cảm của người dân Đà Nẵng. Vậy mà mới tạm gắn bảng tên là cầu Sông Hàn, chờ có một cái tên danh chính, ngôn thuận, thật có ý nghĩa như giá trị nhiều mặt của cây cầu, để gọi, để tự hào, để mỗi khi nhắc đến thì nhớ về những ngày người Đà Nẵng đón niềm vui ngày hòa bình và trở thành dân của đô thị loại một, tưng bừng đón nhận danh hiệu Thành phố anh hùng.

Một cây cầu hoàn thành nhân kỷ niệm 25 năm ngày giải phóng Đà Nẵng, ngày 29- 3-1975, chưa biết đặt tên gì cho có ý nghĩa, người ta gọi cầu Sông Hàn. Gọi mãi hai mươi năm, ba mươi năm, nay, gần nửa thế kỷ vẫn tên gọi cũ. Rồi người ta cảm thấy và nhận ra, cây cầu mang tên Sông Hàn là cái tên đẹp nhất.

Sau khi có chiếc cầu bắc qua sông Hàn, gắn tên cầu Sông Hàn, cùng với chỉnh trang đô thị, xây dựng một thành phố “5 không”, “3 có”; mở rộng thêm nhiều con đường, nhà cửa mới, cao ốc lộng lẫy mọc lên, lần lượt thêm những chiếc cầu mới bắc qua sông Hàn: cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Tiên Sơn… đã và đang tiếp sức để thành phố Đà Nẵng ngày một lớn hơn, phát triển năng động và bền vững hơn.

HỒ DUY LỆ

;
;
.
.
.
.
.