Lời kể sống động, chi tiết của thế hệ cán bộ Đặc khu Đoàn Quảng Đà từng tham gia giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975 giúp chúng tôi, thế hệ sinh ra giữa thời bình thêm sáng rõ thời khắc lịch sử cấp bách, quan trọng và đầy tự hào của người dân thành phố.
Ông Lê Đức Hùng (bên trái) cùng các anh em tham gia phong trào Đặc khu Đoàn Quảng Đà họp mặt ngày 26-3-2023. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Đầu năm 1975, tại chiến trường Quảng Đà, Đặc khu Đoàn thành lập Ban khởi nghĩa Thanh niên - Sinh viên - Học sinh, huy động lực lượng tại chỗ nổi dậy và hỗ trợ các mũi tiến công của quân giải phóng vào Đà Nẵng. Hầu hết thanh niên được biên chế vào Ban khởi nghĩa tại các quận, huyện, phường, xã, xí nghiệp, trường học, gấp rút chuẩn bị kế hoạch vận động quần chúng nổi dậy tiếp quản và bảo vệ các công sở, nhà máy. Đồng thời, chuyển các tổ chức quần chúng từ hoạt động bí mật sang hình thức công khai với tinh thần tập trung, nhanh chóng, tạo không khí tiền khởi nghĩa áp đảo tinh thần quân địch.
Ông Lê Đức Hùng (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), nguyên Ủy viên Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng Đặc khu Quảng Đà kể lại, ngày 24-3-1975, tại căn cứ tiền phương của Mặt trận 4 và Đặc khu ủy Quảng Đà, ông cùng Ngô Minh Hà, Lê Ngọc Thủy được Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà phân công đi 3 cánh độc lập lọt vào Đà Nẵng trước để chuẩn bị lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh tham gia khởi nghĩa giải phóng thành phố. Từng người một được gọi vào nhận nhiệm vụ và chia tay lãnh đạo đặc khu. Lúc ấy, ông Trần Thận, Khu ủy viên Khu 5, kiêm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, nói: “Các đồng chí có thể hy sinh, nhưng phải hy sinh trên đường phố Đà Nẵng ngày giải phóng”. Riêng ông Hồ Nghinh, lúc này là Thường vụ Khu ủy 5, phụ trách phong trào thành phố và mặt trận Đà Nẵng, nhỏ nhẹ động viên: “Lâu nay các cậu mong ước trở lại thành phố Đà Nẵng, đây là thời cơ giải phóng, cố gắng hỉ”.
Về Đà Nẵng, ông Lê Đức Hùng nhanh chóng móc nối lực lượng chủ chốt của Ban khởi nghĩa Thanh niên - Sinh viên - Học sinh thành phố, tập trung vào các nhiệm vụ tuyên truyền thắng lợi của quân và dân ta, gây tư tưởng hoang mang trong hàng ngũ địch, làm tan rã ngụy quân, ngụy quyền. Đồng thời, tuyên truyền không cho địch bắt dân di tản, bảo vệ tính mạng, tài sản của dân và nổi dậy làm chủ thành phố khi có quân giải phóng tiến vào. Những ngày thanh niên Đà Nẵng sục sôi khí thế đấu tranh cuối tháng 3-1975 cũng được ông Phan Văn Nghệ, nguyên Đặc khu ủy viên, Bí thư Đặc khu Đoàn Quảng Đà kể lại trong cuốn sách “Đà Nẵng - khoảnh khắc 29 tháng 3” (NXB Văn học, 2005): “Lúc ấy, Đặc khu ủy cấp 800 huy hiệu “An ninh nhân dân giải phóng miền Nam” và bí mật trang bị vũ khí cho thanh niên để khi cần trấn áp địch. Sự xuất hiện của lực lượng thanh niên tự vệ và an ninh giải phóng đã cuốn hút và làm chỗ dựa cho thanh niên, sinh viên, học sinh xuống đường nổi dậy cùng quân giải phóng phong tỏa thành phố”.
Khi phần lớn lực lượng Ban khởi nghĩa Thanh niên - Sinh viên - Học sinh đã tập trung về Đà Nẵng, ông Phan Văn Nghệ quyết định chuyển bộ phận chỉ đạo khởi nghĩa của Đặc khu Đoàn Quảng Đà từ số nhà 246 Phan Châu Trinh (nay là trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu) về cơ sở Trung tâm Phục hoạt Đà Nẵng tại đường Nguyễn Thị Giang (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) để tiện việc chỉ đạo lực lượng khẩn trương thực hiện nhiệm vụ.
Là cán bộ phong trào sinh viên, học sinh của Đặc khu Đoàn Quảng Đà, ngày 28-3-1975, ông Hà Phước Mai nhận nhiệm vụ trinh sát một vòng thành phố chuẩn bị địa điểm treo cờ. “Khoảng 14 giờ, tôi ngồi sau chiếc Honda 67 chạy trên đường Tự Do (nay là đường Trần Phú). Đường phố thưa thớt, ai nấy đều vội vã, hầu như nhà nào cũng treo cờ Phật giáo. Có tiếng súng nổ ở chợ Hàn, tàn binh ngụy từ Huế vào đang cướp phá. Một chiếc xe bọc thép chạy qua, trên xe gắn loa công suất lớn, phát lệnh giới nghiêm và thiết quân luật thành phố (từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau) của Thị trưởng Đà Nẵng. Đêm 28, Đà Nẵng sục sôi chờ đợi. Các chùa trong nội thành đầy ắp người, đó là quần chúng do cơ sở ta huy động tập trung chuẩn bị tham gia nổi dậy. Rạng sáng 29, pháo hạng nặng của ta từ các mũi tiến công bắt đầu nã đạn vào sân bay, Bộ Chỉ huy Quân đoàn 2, sân bay Nước Mặn và cảng Đà Nẵng. Những chuyến bay quân sự, dân sự chở bọn địch tháo chạy lên xuống như mắc cửi. Trong các đoàn quân tiến vào giải phóng Đà Nẵng, mũi tiến công nào cũng có mặt anh em Ban khởi nghĩa Thanh niên - Sinh viên - Học sinh”, ông Mai nhớ lại.
Ngay khi Đà Nẵng giải phóng, Đặc khu Đoàn Quảng Đà tổ chức mít-tinh tại sân vận động Chi Lăng, thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên - Sinh viên - Học sinh Đà Nẵng và ra mắt “Lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh bảo vệ Đà Nẵng”. Đặc biệt, trong tháng 4-1975, Đặc khu Đoàn Quảng Đà tăng cường rà soát, kết nạp đoàn viên mới tại các trường, phường, xã trên địa bàn thành phố; thành lập các chi đoàn và Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh làm nòng cốt phong trào; vận động thanh niên, sinh viên, học sinh tham gia dọn dẹp, vệ sinh đường phố, tổ chức đưa người dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… vào Đà Nẵng tản cư về lại quê cũ làm ăn, ổn định cuộc sống.
Ngày 4-10-1975, UBND Cách mạng lâm thời Khu Trung Trung Bộ ra Quyết định số 119/QĐ về việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đáp ứng nhiệm vụ mới, Đặc khu Đoàn Quảng Đà nhận quyết định giải thể. Nhìn nhận vai trò quan trọng của lực lượng thanh niên, sau giải phóng, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tích cực xây dựng lực lượng Đoàn, Hội, Đội từ phường, xã, thôn, khu dân cư, qua đó, động viên thế hệ trẻ tham gia sản xuất, phá gỡ bom mìn, giúp dân sửa sang nhà cửa, đường sá, làm thủy lợi cũng như tái thiết thành phố sau chiến tranh. Theo ông Lê Đức Hùng, phong trào thanh niên sau giải phóng Đà Nẵng luôn diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi, theo tinh thần “sức ta là sức thanh niên, thế ta là thế đứng trên đầu thù”.
TIỂU YẾN