Tiếp tục nghiên cứu xử lý tổng thể chống sạt lở tại nghĩa trang Hòa Sơn

.

ĐNO - Sáng 30-3, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh kiểm tra thực tế và nghe các sở, ban, ngành, địa phương báo cáo các vấn đề liên quan đến xử lý sạt lở ở nghĩa trang Hòa Sơn, bảo đảm an toàn hồ chứa Hòa Khê, ngập úng ở khu vực Khe Cạn và hoán đổi trụ sở làm việc của Chi cục Kiểm lâm thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh kiểm tra thực tế, chỉ đạo xử lý sạt lở tổng thể ở khu vực Nghĩa trang Hòa Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (giữa) kiểm tra thực tế, chỉ đạo xử lý sạt lở tổng thể ở khu vực nghĩa trang Hòa Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tại nghĩa trang Hòa Sơn, đơn vị tư vấn đã báo cáo nguyên nhân sạt lở ở 12 vị trí là do xói mòn, sạt lở bề mặt khi có lượng mưa lớn, không phải do thổ nhưỡng, không phải sạt lở theo khối trượt.

Trong đó, một số vị trí đã hình thành khe nước lâu năm nên trận mưa quá lớn xảy ra vào ngày 14-10-2022 làm sạt hai bên vách và trôi đất, đá xuống; vị trí có khai thác đất từ trước; các lối mòn do dân tự làm để khai thác rừng trồng keo bị mất tầng phủ thảm thực vật.

Trên cơ sở đề xuất của đơn vị tư vấn, UBND huyện Hòa Vang đề nghị thành phố tiếp tục đầu tư các rãnh, mương thu, thoát nước mưa; làm tường bằng rọ đá để chắn đá lăn và tường bê-tông chắn sạt lở đất, đá... ở phía dưới 12 vị trí sườn núi xảy ra sạt lở do mưa lớn xảy ra vào giữa tháng 10-2022.

Qua đó, để bảo đảm an toàn cho các công trình và khu mộ ở phía dưới chân núi cũng như làm lại các kênh thoát nước mưa ở bên dưới bằng bê-tông... với tổng kinh phí dự toán khoảng 90 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi đầu tư các công trình này xong mà diện tích đất rừng trồng vẫn để cho người dân sản xuất, tự làm đường để khai thác rừng trồng... thì không thể giải quyết được dứt điểm tình trạng sạt lở đất, đá xuống các khu mộ ở Nghĩa trang Hòa Sơn.

Nếu làm thêm dự án thu hồi hết đất rừng trồng ước diện tích 130ha này để trồng lại rừng và kết hợp thêm giải pháp mềm chống sạt lở, thì dự kiến chi phí thêm khoảng 100 tỷ đồng.

Để giảm chi phí đầu tư xử lý sạt lở ở nghĩa trang Hòa Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đơn vị tư vấn tính toán về mức độ mưa lớn, xác định vị trí các khung trượt, bãi trượt; đánh giá khả năng xảy ra sạt lở tại các vị trí... để nghiên cứu giải pháp thu gom, thoát nước; trồng các loại cây có khả năng chống sạt lở.

Ngoài ra, cần tính toán giải pháp kỹ thuật không để xảy ra sạt lở; nghiên cứu giải pháp kỹ thuật khai thác rừng trồng bằng cách chặt từng bước, không đốt thực bì, không làm đường...

Văn phòng UBND thành phố đề nghị đơn vị tư vấn và UBND huyện Hòa Vang xem xét thêm giải pháp tạo các rãnh dọc chạy sườn để cắt nước và chia lưu vực thoát nước mưa nhằm bố trí các hạng mục thu, thoát nước mưa thuận lợi hơn.

Sở Xây dựng đề nghị đơn vị tư vấn và Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng xem lại hồ sơ thiết kế của Nghĩa trang Hòa Sơn và nghiên cứu lại, cần thiết thì lập lại thiết kế hạ tầng kỹ thuật của khu vực, nhất là các mương thoát nước để phù hợp với thực tế hiện nay.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh thống nhất xác định nguyên nhân xảy ra sạt lở ở khu vực nghĩa trang Hòa Sơn phần lớn là do tác động của con người, không phải do yếu tố thổ nhưỡng. Đồng thời, đề nghị đơn vị tư vấn và các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu và đánh giá tổng thể về nguyên nhân.

Đơn vị tư vấn và UBND huyện Hòa Vang cần tiếp thu các ý kiến của các sở, ban, ngành và nghiên cứu kỹ càng, không làm vội để đề xuất giải pháp xử lý tổng thể, ổn định, lâu dài và báo cáo lại UBND thành phố vào giữa tháng 4-2023 để xem xét.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu đề xuất cụ thể chủng loại cây trồng từng khu vực và biện pháp khai thác, đặc biệt là cần trồng một vệt cây lâu năm, cổ thụ ngăn cách giữa nghĩa trang Hòa Sơn và đồi núi để bảo vệ an toàn cho các khu mộ.

Kiểm tra tại hồ Hòa Khê (thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), Chủ tịch UBND thành phố giao đơn vị quản lý tiến hành hạ tràn xả lũ của hồ xuống bảo đảm an toàn đập.

Tại khu vực cống Khe Cạn (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê), Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nghe các đơn vị, địa phương báo cáo về phương án chống ngập và thống nhất theo đề xuất của UBND quận Thanh Khê về giải pháp xử lý thoát nước tạm.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh trao đổi với các đại diện các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và người dân dọc cống Khe Cạn về giải pháp xử lý ngập úng và giải tỏa. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (bên trái) trao đổi với các đại diện các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và người dân dọc cống Khe Cạn về giải pháp xử lý ngập úng và giải tỏa. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Đồng thời, yêu cầu UBND quận Liên Chiểu khẩn trương giải tỏa một số hộ còn lại ở đường Nguyễn Như Hạnh để triển khai thi công hệ thống thoát nước và làm đường.

Khi nhận thấy lưu lượng nước mưa đổ về khu vực cống Khe Cạn quá lớn, Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận Thanh Khê khẩn trương xây dựng, đề xuất phương án tạo điều kiện cho các hộ dân ở khu vực dọc tuyến cống Khe Cạn không đủ điều kiện bố trí tái định cư thì được mua nhà ở xã hội.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị Chi cục Kiểm lâm hoán đổi trụ sở để xây dựng trường học. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị Chi cục Kiểm lâm hoán đổi trụ sở để xây dựng trường học. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tại trụ sở làm việc của Chi cục Kiểm lâm ở đường Trần Cao Vân (quận Thanh Khê), Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Xây dựng tìm một cơ sở nhà, đất công sản trên địa bàn quận Hải Châu để trước mắt bố trí làm văn phòng làm việc của Chi cục Kiểm lâm, nhằm xây dựng một trường mầm non tại vị trí hiện tại.

Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành và Chi cục Kiểm lâm tìm một vị trí thích hợp để thành phố đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của Chi cục Kiểm lâm bảo đảm công tác thực hiện các nhiệm vụ, nghiệp vụ kiểm lâm.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.