Trong vòng 10 năm (1967-1977) đứng chân trên chiến trường Quảng Đà ác liệt, Tiểu đoàn 3, Mặt trận 44 Quảng Đà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao là cơ động đánh vào vùng ven, vùng sâu góp phần bẻ gãy các âm mưu càn quét, bình định lấn chiếm, xúc tát gom dân của địch, bảo vệ hành lang, bảo vệ vùng căn cứ cách mạng.
Đại tá Nguyễn Vĩnh An, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 3 (giữa) phát biểu tại buổi họp thông qua báo cáo thành tích đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đoàn 3. Ảnh: PV |
Vào tận vùng sâu, vùng xa, vùng ác liệt
Tiền thân Tiểu đoàn 3, Mặt trận 44 Quảng Đà là Tiểu đoàn 7 (706 Đồng Mít) thuộc Trung đoàn 64, Sư đoàn 320A. Trong kháng chiến chống Pháp, tiểu đoàn đã đánh nhiều trận vang dội và lập được nhiều chiến công xuất sắc. Đặc biệt, trong trận đánh ở Đồng Mít, Tiểu đoàn tiêu diệt gọn một tiểu đoàn lính lê dương, được Bác Hồ đặt tên là “Tiểu đoàn Đồng Mít dũng cảm đánh hăng”. Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, ngày 15-11-1965, toàn bộ Trung đoàn 64 trực tiếp vào miền Nam chiến đấu.
Nhằm tăng cường quân chủ lực cho chiến trường Quảng Đà, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, ngày 10-11-1967, Tiểu đoàn 7 được tách ra từ Trung đoàn 64, trực thuộc Mặt trận 44 Quảng Đà, lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn 3, ban đầu với 255 cán bộ, chiến sĩ (trong đó 178 đồng chí quê ở miền Bắc, 76 đồng chí quê ở miền Nam).
Hằng năm, Tiểu đoàn 3 được tăng cường bổ sung 70-100 chiến sĩ mới, phần lớn anh em từ các tỉnh, thành: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa. Với nhiệm vụ được giao là lực lượng luồn lách vào tận vùng sâu, vùng xa, vùng ác liệt nhất của các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên… tổ chức các trận đánh bất ngờ, táo bạo, tập trung vào các cứ điểm đóng quân có vị trí trọng yếu, đánh địch càn quét, tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá vỡ thế kìm kẹp, bao vây của địch, củng cố và mở rộng vùng giải phóng, bảo vệ hành lang và vùng căn cứ cách mạng.
Trong 10 năm đứng chân và chiến đấu trên chiến trường Quảng Đà khốc liệt (1967-1977), được cấp trên tin tưởng, nhân dân Quảng Đà quý mến, đùm bọc, che chở, Tiểu đoàn 3 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tổ chức đánh hàng trăm trận độc lập và phối hợp, “càng đánh càng thắng”, “trận sau giòn giã hơn trận trước”, lập nên những chiến công hết sức đặc biệt xuất sắc, những thành tích tiêu biểu, điển hình, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân Mặt trận 44 Quảng Đà trong cuộc trường kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tiểu đoàn 3 đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 3.000 tên địch, bắt sống gần 300 tên và thu giữ, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.
Những trận đánh tiêu biểu xuất sắc
Trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cùng với Tiểu đoàn 2 đánh vào trung tâm thị xã Hội An, Tiểu đoàn 3 được phân công đánh chiếm khu công binh, cứ điểm Chi Lăng đã tiêu diệt 283 tên, bắt sống 23 tên. Tiểu đoàn 3 rút ra khỏi Hội An về xã Cẩm Thanh, tại đây Tiểu đoàn 3 bố trí giăng bẫy, chờ quân chi viện của địch đến Hội An giải vây. Đúng như dự đoán, chờ đội hình giải vây của địch lọt vào trận địa, được lệnh, cả đơn vị đồng loạt xông lên tiêu diệt gọn đại đội địch, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của trận mở đầu.
Ngày 13-9-1968, Tiểu đoàn 3 phục kích, tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 39 biệt động quân của địch với hơn 300 tên, bắt sống 22 tù binh, thu nhiều súng và phương tiện kỹ thuật của địch. Trận đánh bẻ gãy và phá vỡ trận càn quy mô lớn nhằm thực hiện âm mưu “bình định cấp tốc” của địch, giữ vững an toàn vùng giải phóng - vùng B Điện Bàn, buộc chúng phải co cụm lại, không dám mở rộng tầm kiểm soát, càn phá các xã vùng ven.
21 ngày đêm, từ ngày 20-11 đến 10-12-1968, Mỹ mở cuộc hành quân “cooc dom” phối hợp cả không quân, thiết giáp và pháo lớn từ Hạm đội 7 bắn vào, yểm trợ cho 7.000 lính thuộc trung đoàn lính thủy đánh bộ 5, 7 và 26 được trực thăng đổ hết lớp này đến lớp khác, hình thành thế bao vây nhiều tầng, nhiều lớp (các xã Điện Thọ, Điện Phước, Điện An, huyện Điện Bàn).
Lực lượng của ta ở vùng này chỉ có Tiểu đoàn 3. Nằm trong vòng vây dày đặc của địch, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 sát cánh cùng du kích bám đất, bám công sự, lúc ẩn, lúc hiện quần nhau với quân địch. Khi phân tán đánh nhỏ, lúc tập trung phản kích, tập kích ban đêm đã diệt và làm bị thương hơn 900 lính Mỹ và vượt ra khỏi vòng vây. Có thể nói đây là một trong những chiến công thần kỳ của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3.
Đại tá Nguyễn Vĩnh An, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 3 (bên trái) và Đại tá Đỗ Văn Chung, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 trao đổi và hồi tưởng về những trận đánh điển hình, tiêu biểu xuất sắc của Tiểu đoàn 3, Mặt trận 44 Quảng Đà. Ảnh: LÊ HÙNG |
Đêm 26 rạng 27-5-1974, Tiểu đoàn 3 phối hợp Tiểu đoàn 76 tập kích ấp chiến lược Điện Tân, Điện Nhơn tiêu diệt và làm tan rã 2 tiểu đoàn địch, đồng thời phát động quần chúng nổi dậy phá tan khu dồn. Sau đó, Tiểu đoàn 3 phục kích quân chi viện kéo lên từ Vĩnh Điện. Tiểu đoàn 3 đã tiêu diệt 1 đại đội xe bọc thép, trong đó đồng chí Vũ Thiên Tích (Đại đội 1) cùng đồng đội xông lên bắt sống 1 xe M113 và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.
Tháng 3-1974, Tiểu đoàn 3 tập kích tiêu diệt cứ điểm Trường Giảng tại xã Điện Xuân tiêu diệt 1 đại đội lính bảo an. Đại đội 1 của Tiểu đoàn 3 phục kích đánh chặn quân tiếp viện từ Điện Văn kéo lên, tiêu diệt gọn một đại đội địch.
Ngày 17-5-1974, Tiểu đoàn 3 tấn công tiêu diệt đồn Cấm Lớn xã Điện Tiến tiêu diệt 1 đại đội địch, phá thế bao vây kìm kẹp của địch ở xã Điện Tiến.
Ngày 23-7-1974, Tiểu đoàn 3 tiến công cứ điểm Trùm Giao, tiêu diệt toàn bộ sở chỉ huy Tiểu đoàn 145B và 1 đại đội lính bảo an, làm chủ cứ điểm Trùm Giao. Ngày 25-7-1974, phối hợp Tiểu đoàn 76 Hải Đà tổ chức đánh chặn Trung đoàn 56 và lính thủy quân lục chiến có máy bay ném bom hỗ trợ kéo lên hòng chiếm lại cứ điểm Trùm Giao.
Tháng 3-1975, Tiểu đoàn 3 tham gia chiến dịch mùa Xuân 1975, tập kích vào quân địch đang co cụm tại Hòa Hải, bắt sống khoảng 150 tên, tiêu diệt và làm bị thương khoảng 50 tên, số địch còn lại tan rã bỏ chạy ra sân bay Nước Mặn. Tiểu đoàn 3 tiếp tục men theo ven biển tấn công từ đông nam phát triển ra hướng Sơn Trà.
Đến Mỹ Khê gặp bọn lính thủy quân lục chiến chạy dồn về để chen nhau ra tàu biển hòng thoát thân, Tiểu đoàn 3 tổ chức tấn công vào đội hình thủy quân lục chiến, chốt chặn các ngã đường không cho địch thoát chạy ra biển. Sau 30 phút vừa tấn công, vừa kêu gọi bỏ súng đầu hàng, 2.500 tên địch hoàn toàn tan rã và đầu hàng.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, Tiểu đoàn 3 vinh dự được Bác Hồ hai lần khen ngợi là “Tiểu đoàn Đồng Mít dũng cảm đánh hăng” và “Các chú học tập và đánh như Bộ đội D3 Quảng Đà”.
Tiểu đoàn 3 được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì, hạng Ba; 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Cấp đại đội được tặng thưởng 4 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba và 71 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 được tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, ngày 21-11-2022, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1385/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đoàn 3, Mặt trận 44 Quảng Đà.
LÊ HÙNG
(Nguồn: Tư liệu Tiểu đoàn 3, Mặt trận 44 Quảng Đà, do Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cung cấp)