Vô tư “khoe” con trên mạng là một điều được rất nhiều phụ huynh đang làm hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người không nhận thức hết những hệ lụy mà hành động này mang lại vì không chỉ ảnh hưởng đến tâm trí và cách phát triển tâm hồn trẻ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm khác.
Là cha của 2 con gái 10 tuổi và 16 tuổi, anh Lê Văn Thanh (SN 1977, trú phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ: “Trước đây, tôi và vợ vẫn thường xuyên ghi lại những hình ảnh của con trong cuộc sống để đăng tải lên mạng. Chúng tôi muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc trưởng thành của con. Gần đây, khi theo dõi tin tức về những vụ việc lộ thông tin cá nhân của phụ huynh và học sinh, gia đình đã hạn chế việc đăng tải ảnh con hơn”.
Hiện nay, không khó để tìm ra những đoạn phim, hình ảnh về thành tích học tập, các hoạt động của con trẻ tham gia, thói quen sinh hoạt của trẻ… trên các trang mạng xã hội do chính cha mẹ đăng tải. Trong đó, nhiều hình ảnh chứa đầy đủ các thông tin cá nhân như tên, ngày sinh, sở thích, lớp, trường học, giáo viên,..
Theo Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Phương Trang, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, về cơ chế tâm lý, mỗi người đều có nhu cầu về việc “khoe” những giá trị mà bản thân đạt được như khoe nhà, khoe tài sản, khoe công việc,… Với các bậc cha mẹ, con cái chính là “tài sản” lớn nhất nên sâu xa hơn cha mẹ muốn mượn hình ảnh của con trẻ để thể hiện giá trị của bản thân mình. Bởi khi đăng những hình ảnh con xinh đẹp, hay đạt các thành tích tốt thì sẽ có nhiều lời chúc, khen ngợi cho trẻ nhưng cũng đồng thời khen sự dạy con khéo léo của ba mẹ. Những hành động trên vẫn có ảnh hưởng tích cực như khi cha mẹ đăng tải hình ảnh con chăm ngoan, con xinh xắn,… là đang lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo niềm vui, động lực cho nhiều người nỗ lực hơn trong việc nuôi dạy con. Tuy nhiên, những ảnh hưởng tích cực đó không nhiều mà ảnh hưởng tiêu cực lại nhiều hơn.
Bà Trang phân tích, trước hết, hành động “khoe” này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng khi các thông tin cá nhân của con trẻ được đăng tải công khai. Những kẻ xấu sẽ đánh cắp để dùng cho các mục đích xấu như phá tài khoản ngân hàng bởi những câu hỏi bảo mật thường liên quan đến thông tin cá nhân, hoặc lợi dụng để truy cập và xâm phạm các dữ liệu cá nhân, hay trục lợi thông qua những hình ảnh của các bé gái xinh xắn,… Bên cạnh đó, đối với các con đã ở độ tuổi thanh-thiếu niên phát triển tâm sinh lý, đã có quan điểm và nhận thức riêng thì khi đăng tải hình ảnh mà không nhận được sự đồng ý của con sẽ khiến con hình thành những áp lực dẫn đến hiệu ứng sụp đổ nếu bản thân không thể duy trì các thành tích trước đó. “Để bảo đảm an toàn cho con, cha mẹ nên có sự tiết chế trong cách “khoe” con. Thay vì chia sẻ hình ảnh con ở chế độ công khai, thì bố mẹ nên chia sẻ ở những hội nhóm kín đáo, riêng tư hơn dành cho gia đình, người thân”, bà Trang chia sẻ.
Theo Thiếu tá Nguyễn Kao Cường, Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố , khi đăng tải thông tin của con trên mạng xã hội, các bậc phụ huynh có thể không nhận ra họ đang cung cấp những thông tin cá nhân quan trọng như tên đầy đủ, ngày sinh, nơi sinh và thông tin khác về con. Thông tin này có thể bị đánh cắp và sử dụng để giả mạo danh tính của con. Việc đăng tải thông tin về địa điểm cụ thể mà trẻ tham gia hoạt động, chẳng hạn như trường học, có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Đối tượng xấu thường bí mật vào xem những nội dung bình luận trên các bài đăng của phụ huynh và các con trên mạng xã hội để từ đó tìm hiểu rõ giờ giấc sinh hoạt của con và gia đình. Qua đó, đối tượng có thể lên kế hoạch để thực hiện hành vi phạm tội như bắt cóc trẻ em, cướp giật tài sản,…
Thời gian qua, nhiều bậc phụ huynh vô tình làm lộ lọt thông tin cá nhân qua thói quen lên mạng xã hội đăng ảnh con cùng các loại giấy tờ, giấy khen... Điều này đã tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng để thu thập thông tin cá nhân, đồng thời lừa đảo chiếm đoạt tài sản của phụ huynh. Từ đầu tháng 3-2023, hàng trăm phụ huynh tại Đà Nẵng bị các đối tượng tội phạm giả danh là giáo viên gọi điện thông báo học sinh bị tai nạn nguy kịch cần phẫu thuật từ đó đề nghị chuyển tiền khẩn vào tài khoản để đóng viện phí và chiếm đoạt.
Trước những chiêu trò trên, Thiếu tá Nguyễn Kao Cường cho rằng, phụ huynh cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo của tội phạm, tuyệt đối không được chuyển tiền cho người lạ và cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân, lai lịch của người đó. Khi nhận được cuộc gọi nghi lừa đảo cần xác minh lại với giáo viên chủ nhiệm, ban phụ huynh. Trường hợp nghi vấn đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Ngoài ra, nhà trường và giáo viên cũng cần tăng cường trách nhiệm trong việc rà soát, điểm danh sĩ số đầu giờ, thông báo lên nhóm phụ huynh số lượng học sinh có mặt ở lớp hằng ngày, nêu cao trách nhiệm bảo mật thông tin cá nhân của học sinh và phụ huynh, tránh để kẻ xấu lợi dụng lừa đảo, thông báo kịp thời các vụ việc khẩn đến phụ huynh học sinh và tiếp nhận thông tin khi có tình trạng khẩn cấp.
XUÂN HẬU