ĐNO - Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Mục tiêu của đề án là đến năm 2030 xây dựng được một triệu căn nhà ở xã hội (trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn); tổng vốn dự kiến là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa. Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng cũng đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở công nhân.
Người lao động, người có thu nhập thấp cần được hỗ trợ nhà ở ổn định để có thể an tâm gắn bó với công việc. |
Về nhà ở, chính quyền Trung ương đã đưa ra nhiều chính sách có liên quan như: Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/04/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội…
Hiện Đà Nẵng có khoảng hơn 27.000 lao động ngoại tỉnh và lượng lớn lao động nước ngoài đang làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó, hầu hết là lao động ngoại tỉnh đang thuê ở trọ gần các khu công nghiệp để tiện cho việc đi làm. Chị Lê Thị Như Hoa (quê ở Hà Tĩnh), công nhân Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) chia sẻ chị làm cho một nhà máy sản xuất phụ gia thực phẩm với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. “Với mức thu nhập của tôi và chồng tôi (làm nghề tự do) chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng thì tiền đâu mua nhà”, chị Hoa bộc bạch.
Thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040, Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều giải pháp, tập trung các nguồn lực để phát triển nhà ở công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn.
Tuy nhiên, do quỹ đất hạn hẹp, khả năng đáp ứng về nhu cầu nhà ở xã hội của Đà Nẵng đối với lực lượng lao động thu nhập thấp trong các Khu công nghiệp và cụm công nghiệp rất hạn chế. Đồng thời, giải pháp hỗ trợ về tiền thuê nhà ở cho người lao động được giới hạn với số lần nhất định sẽ chỉ có tác động rất ngắn hạn.
Theo anh Lê Tài, công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), cần kiểm soát sự tăng giá quá mức đối với nhà trọ cho thuê ở một số khu vực gần các KCN và cụm công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng. Mức thu nhập hiện nay của người lao động trong các Khu công nghiệp ở Đà Nẵng thấp so với mặt bằng thu nhập chung của lực lượng lao động chính thức. Hiện nay, mức lương tối thiểu đang được quy định từ Trung ương; do đó, vai trò của chính quyền địa phương thông qua công cụ chính sách có thể được thực hiện bằng các giải pháp hỗ trợ về chi phí sử dụng hạ tầng hoặc ưu đãi về tiếp cận vốn vay.
Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã triển khai và đưa một số dự án nhà ở xã hội tại khu vực các khu công nghiệp Hòa Khánh, Hòa Cầm, Cẩm Lệ… để thuê, hoặc bán với giá ưu đãi như: Khu chung cư nhà ở xã hội khu công nghiệp Hòa Khánh với 1.404 căn hộ; đặc biệt là Dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 1… Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn của công nhân.
Để nâng cao chất lượng đời sống công nhân tại các khu công nghiệp, thiết nghĩ thành phố cần quy hoạch quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng các chung cư, nhà ở xã hội gắn liền với các thiết chế văn hóa, cơ sở y tế để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Bên cạnh đó, thành phố cần kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp về chi phí sử dụng dịch vụ của các đơn vị điều tra thị trường chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Giải pháp này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động xã hội bền vững đối với lĩnh vực sản xuất hiện nay ở Đà Nẵng vì đối tượng tác động trực tiếp là các doanh nghiệp sản xuất nội địa và quy mô thị trường mà các doanh nghiệp này thực sự có khả năng tiếp cận vẫn luôn là nhân tố có tính chi phối và thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất lao động khác của doanh nghiệp. Có như vậy mới có thể nâng cao thu nhập, đời sống cho công nhân, thu hút lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề làm việc tại thành phố.
NHƯ XUYÊN