Đẩy mạnh công tác bảo đảm an sinh xã hội

.

Thực hiện chủ đề của Quận ủy Thanh Khê về “Năm đẩy mạnh chuyển đổi số, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”, các ngành chức năng, hội, đoàn thể trên địa bàn quận tăng cường chăm lo hiệu quả vật chất, tinh thần cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

“Phiên chợ nông sản 0 đồng” do Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Khê tổ chức.  Ảnh: NGỌC HÀ
“Phiên chợ nông sản 0 đồng” do Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Khê tổ chức. Ảnh: NGỌC HÀ

Trong tháng 4 vừa qua, anh Trương Văn Hoành (trú tổ 31, phường Thanh Khê Đông) được UBND phường Thanh Khê Đông hỗ trợ phương tiện sinh kế là tủ bán thức ăn và bàn ghế. Vốn là người khuyết tật, gia cảnh lại khó khăn, anh Hoành mỗi ngày phụ vợ bán quán ăn trong hẻm nhỏ trên đường Trần Cao Vân. “Do vật dụng bán hàng đã cũ nên khi được khảo sát nhu cầu, tôi liền đăng ký. Hỗ trợ phương tiện sinh kế phù hợp với mong muốn của người dân tôi thấy rất hữu ích, thiết thực; góp phần giúp gia đình tôi có phương tiện làm ăn, vươn lên trong cuộc sống”, anh Hoành chia sẻ.

Các hội, đoàn thể cũng xuất hiện nhiều mô hình hay hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận. Từ tháng 4, Hội LHPN phường An Khê tổ chức “Phiên chợ nông sản 0 đồng”. Theo bà Bùi Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hội LHPN phường An Khê, phiên chợ sẽ tổ chức thường xuyên mỗi tháng 1 lần tại từng khu dân cư trên địa bàn phường; các nông sản, hàng hóa tại phiên chợ là những mặt hàng thiết yếu như trứng, củ, quả, rau…  được tặng cho các hộ nghèo, hội viên phụ nữ bị bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn… Ngoài việc vận động kinh phí từ cán bộ, hội viên; hội vận động sản phẩm tăng gia từ đơn vị Tiểu đoàn Phòng hóa 906 và Tiểu đoàn huấn luyện chiến sĩ mới-f372. “Hoạt động ý nghĩa này không chỉ thể hiện tinh thần tương thân, tương ái mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội của địa phương”, bà Hà chia sẻ.

Tương tự, thời gian qua, các giáo viên Trường Tiểu học Trần Cao Vân (phường Tân Chính) đã triển khai tủ bánh mỳ 1.000 đồng/ổ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và người lao động phổ thông, bán vé số, xe ôm… có nhu cầu trên địa bàn.

Cô Nguyễn Hoàng Thương Thương, Bí thư Chi đoàn nhà trường chia sẻ, mô hình này được đoàn viên thực hiện từ năm 2015, đến nay vẫn duy trì được 1 tháng - 2 tháng/lần tùy nguồn kinh phí huy động được. Ngoài bánh mỳ, chi đoàn linh hoạt đổi các món ăn sáng cho phù hợp; có hôm các suất ăn còn dư (sau khi đã phát phiếu), các đoàn viên đạp xe quanh một số khu dân cư trên địa bàn phường để phát cho những người có hoàn cảnh khó khăn…

Bà Nguyễn Thị Ý Nhi, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB & XH) quận Thanh Khê cho biết, từ đầu năm, UBND quận Thanh Khê tổ chức ký kết chương trình phối hợp với từng hội đoàn thể về thực hiện nhiệm vụ năm 2023, trong đó đặc biệt chú trọng năm chủ đề 2023 của Quận ủy “Năm đẩy mạnh chuyển đổi số, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”. Công tác an sinh xã hội được các cấp, ngành, địa phương, hội, đoàn thể quan tâm. Phòng LĐ, TB & XH tập trung triển khai công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn quận với nhiều giải pháp đồng bộ. Ngay từ đầu năm, phòng đã chủ động phối hợp các địa phương lập danh sách hộ dự kiến thoát nghèo trong năm 2023; phối hợp UBND phường, các hội đoàn thể phường tổ chức đối thoại hộ nghèo dự kiến thoát trong năm để lắng nghe tâm tư của người nghèo. Đồng thời, mở hồ sơ theo dõi từng hộ, nắm rõ về hoàn cảnh, tình hình đời sống của hộ, sau đó xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp thoát nghèo từng hộ. Sau khi tổng hợp nhu cầu từ các cuộc đối thoại, phòng đã chủ động trao đổi với Ủy ban MTTQ Việt Nam quận và tiến hành phúc tra nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà và hỗ trợ sinh kế.

Phòng tham mưu UBND quận tổ chức “Tuần lễ kết nối, giới thiệu và tư vấn việc làm, học nghề” luân phiên tại UBND các phường; qua đó kết nối giới thiệu việc làm cho 117 người, đăng ký học nghề miễn phí cho 88 người. Bên cạnh đó, thứ 5 hằng tuần, thông tin tuyên truyền nhu cầu tuyển dụng lao động, xuất khẩu lao động và học nghề miễn phí bằng nhiều hình thức như: trên trang Thông tin điện tử, group zalo tổ dân phố, trang Thanh Khê ngày mới… Kết quả, quý 1 đã có 54 người đến Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố để được hỗ trợ kết nối giới thiệu việc làm.

Từ đầu năm đến nay, trao hỗ trợ phương tiện sinh kế cho 41/62 trường hợp với số tiền hơn 344 triệu đồng từ nguồn quỹ vì người nghèo và nguồn đảm bảo xã hội quận; hỗ trợ sinh kế, phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho 34 hộ chính sách thuộc gia đình nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn và 27 người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 235 triệu đồng từ nguồn quỹ Đền ơn đáp nghĩa, từ nguồn đảm bảo xã hội. Ngoài ra, hoàn thành việc xây mới 2 nhà ở hộ nghèo tại phường An Khê và Thanh Khê Đông do UBND tỉnh Thanh Hóa tài trợ, mỗi căn nhà trị giá 60 triệu đồng; triển khai kế hoạch phối hợp giữa UBND quận và các hội đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận ký kết nhận giúp đỡ 25 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thêm điều kiện thoát nghèo năm 2023 bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch giao.

“Thời gian đến, quận Thanh Khê tiếp tục thực hiện các chính sách và giải pháp hoàn thành thoát 220 hộ nghèo, trong đó có 25 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt, 50 hộ nghèo theo chuẩn Trung ương và thoát 150 hộ cận nghèo”, bà Nhi cho biết.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.