DIỄN ĐÀN: ĐÀ NẴNG LÀM GÌ ĐỂ TRỞ THÀNH NƠI ĐÁNG ĐẾN VÀ ĐÁNG SỐNG?

TS. Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng: Lễ hội pháo hoa quốc tế cần được nâng tầm thành thương hiệu của Đà Nẵng

.

Mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố là Đà Nẵng cần quyết tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện hết sức để nâng tầm Lễ hội pháo hoa quốc tế với quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn, trở thành sự kiện nổi bật trong chuỗi sự kiện hằng năm, làm phong phú thêm hệ thống sản phẩm du lịch điểm đến, giúp thu hút mạnh mẽ và bền vững hơn các nguồn khách cả trong và ngoài nước, góp phần tạo nên điểm nhấn thực sự cho du lịch thành phố.

Trình diễn pháo hoa tại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2019. Ảnh: KIM LIÊN
Trình diễn pháo hoa tại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2019. Ảnh: KIM LIÊN

Đà Nẵng đã trải qua 26 năm xây dựng và trưởng thành. Cùng với sự phát triển vượt bậc của thành phố, ngành du lịch cũng đã thực sự tạo nên kỳ tích, khi Đà Nẵng từ một vùng trũng về du lịch đã vụt sáng trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn trong cả nước và khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng 25-30% liên tục trong nhiều năm, đóng góp quan trọng vào sự cất cánh của du lịch vùng duyên hải miền Trung và sự tăng trưởng ngoạn mục của du lịch Việt Nam.

Năm 2019, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch tại Đà Nẵng đạt 8.692.421 lượt, trong đó, khách quốc tế 3.522.928 lượt. Tổng thu du lịch đạt 30.973 tỷ đồng. Đà Nẵng có tổng cộng 35 đường bay quốc tế với tần suất 496 chuyến/tuần và 10 đường bay nội địa đến thành phố với tần suất 662 chuyến/ tuần.

Toàn thành phố có 4.646 hướng dẫn viên, 376 đơn vị kinh doanh lữ hành, 943 cơ sở lưu trú với 40.074 phòng…, hoạt động gần như hết công suất, đưa Đà Nẵng đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế. Như vậy, có thể nói Đà Nẵng đã thực sự trở thành một cực tăng trưởng mới của ngành du lịch Việt Nam, đóng góp gần 20% lượng khách quốc tế trực tiếp trên tổng lượng khách cả nước.

Đối với Đà Nẵng, du lịch đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố, của nhiều ngành, lĩnh vực và cả cộng đồng dân cư.

Có được kết quả này, ngoài hệ thống tài nguyên du lịch phong phú; cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; cơ sở dịch vụ hoàn chỉnh, đẳng cấp; môi trường an toàn, văn minh, thân thiện, mến khách; sự quan tâm của lãnh đạo địa phương; sự quyết tâm của các nhà đầu tư; sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp… thì phải kể đến vai trò của các sự kiện đã làm nên thương hiệu du lịch Đà Nẵng như: Clipper Race 2015-2016, Đại hội thể thao biển châu Á 2016, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Đại hội Du lịch Golf châu Á 2017… và đặc biệt là Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) được tổ chức liên tục trong nhiều năm, góp phần thu hút mạnh mẽ du khách cả trong và ngoài nước, tạo nên bản sắc của du lịch Đà Nẵng, thực sự đưa Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố sự kiện hàng đầu Việt Nam, được tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) hai lần vinh danh là Điểm đến lễ hội sự kiện hàng đầu châu Á trong 2 năm 2016 và 2022.

Tuy vậy, Covid-19 đã khiến ngành du lịch Đà Nẵng đứng trước những thách thức vô cùng to lớn, chưa bao giờ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố lại gặp phải những thiệt hại nặng nề, khó khăn chồng chất, tác động lâu dài như vậy. Diễn biến phức tạp và kéo dài của Covid-19 càng làm cho sự phục hồi của du lịch thành phố trở nên khó khăn, đặc biệt là việc triển khai các sự kiện quy mô lớn, mang tính dài hạn, phục vụ cho số đông du khách và người dân địa phương như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng.

 Mặt khác, sự phát triển nhanh chóng của thương mại số, sự thay đổi trong hành vi du khách và sự tác động của Covid-19 đã làm thay đổi cơ bản cấu trúc ngành và khả năng tiếp cận khách hàng trực tiếp của điểm đến. Trong cấu trúc mới này, du khách đã tiến gần hơn đến các dịch vụ cuối cùng. Quy mô đoàn khách bắt đầu nhỏ hơn, các nhóm khách đi lẻ, đi theo gia đình tăng nhanh, du khách bắt đầu hướng đến thiên nhiên, tăng du lịch trải nghiệm, du lịch gắn với các sự kiện điểm đến… càng làm cho nhu cầu về những sự kiện quy mô lớn trở nên rõ ràng hơn.

Chính vì vậy, mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố là Đà Nẵng cần quyết tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện hết sức để nâng tầm Lễ hội pháo hoa quốc tế với quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn, trở thành sự kiện nổi bật trong chuỗi sự kiện hằng năm, làm phong phú thêm hệ thống sản phẩm du lịch điểm đến, giúp thu hút mạnh mẽ và bền vững hơn các nguồn khách cả trong và ngoài nước, góp phần tạo nên điểm nhấn thực sự cho du lịch thành phố.

Để thực hiện được điều này, đứng trên góc độ của cộng đồng kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố, tôi có mấy đề xuất sau:

 Một là, thành phố và đơn vị tổ chức cần tập trung nhiều nguồn lực để có thể vừa lên kế hoạch tổ chức, vừa chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dịch vụ, vừa nhanh chóng quảng bá, truyền thông sự kiện này cho du khách cả trong và ngoài nước.

Hai là, thành phố Đà Nẵng và đơn vị tổ chức nên đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất danh mục các sự kiện du lịch quốc gia, trong đó có Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, thành chuỗi các sự kiện được ấn định hằng năm. Có như vậy, mới nâng tầm sự kiện này và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách chủ động lên kế hoạch đi du lịch kết hợp tham dự sự kiện tại các điểm đến, trong đó có Đà Nẵng.

Ba là, cần thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái sản phẩm pháo hoa bao gồm đầy đủ các dịch vụ tiện ích chất lượng cao phục vụ nhu cầu du khách cả trong và ngoài nước đến xem pháo hoa, thu hút và kích thích du khách chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ ăn uống, mua sắm, giải trí… trong thời gian đến Đà Nẵng xem pháo hoa, giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, khuyến khích lượng khách quay lại, tạo sự phát triển lan tỏa cho cả cộng đồng kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư.

Bốn là, cần có chiến lược phát triển thương hiệu pháo hoa Đà Nẵng trên trường quốc tế, gắn DIFF với thương hiệu Đà Nẵng - Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á. Như vậy, cần xây dựng và đầu tư cho nghệ thuật pháo hoa, có kế hoạch tổng thể trong dài hạn về các đội tham gia, chủ đề cho từng năm, công nghệ sử dụng, thời gian tổ chức trong năm…

Nên cân nhắc thay đổi thời gian tổ chức trong những mùa không phải quá cao điểm để điểm đến tăng được năng lực khai thác, góp phần làm gia tăng hiệu quả cho đơn vị tổ chức và cộng đồng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố.

THẢO NHI ghi

Báo Đà Nẵng hân hạnh đón nhận ý kiến, đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước qua hộp thư điện tử: tsbaodanang@gmail.com

;
;
.
.
.
.
.