Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 5-4, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Tránh trục lợi chính sách
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật gồm 12 chương với 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Về tên gọi của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản và thiết kế lại bố cục, kết cấu của dự án Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ.
Về Tổ hợp tác (Chương IX), Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Việc quy định về tổ hợp tác tại dự thảo Luật là cần thiết nhằm xác định địa vị pháp lý của tổ hợp tác và phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, do nhiều nội dung liên quan đến tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác đã được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự nên tại dự thảo Luật chỉ quy định một số nguyên tắc về tổ hợp tác.
Quy định về việc đăng ký tổ hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác phát triển trên tinh thần tự nguyện thành lập nhưng cũng cần có sự bảo đảm thống nhất trong quản lý Nhà nước và đưa các chính sách của Nhà nước đến với tổ hợp tác. Chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành hợp tác xã tương tự như chính sách hỗ trợ hộ gia đình chuyển đổi thành doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Quy định một trong những điều kiện để tổ hợp tác được chuyển đổi thành hợp tác xã là phải hoạt động liên tục ít nhất trong 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác nhằm tránh trường hợp tổ hợp tác được thành lập trong thời gian rất ngắn và chuyển đổi thành hợp tác xã để trục lợi, hưởng các chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành hợp tác xã trong khi việc thành lập mới các hợp tác xã không được hưởng các chính sách này.
Liên quan đến quy định chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (Điều 78), Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu và chỉnh lý theo hướng cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và với các thành viên hiện hữu nhằm bảo đảm sự ổn định về cơ cấu thành viên, bảo đảm quyền lợi cho các thành viên khi có nhu cầu chuyển nhượng phần vốn góp, tạo điều kiện cho các thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn có thể chuyển đổi thành thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn với mức vốn góp tối đa của mỗi thành viên chính thức không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã. Tổng phần vốn góp tối đa của tất cả thành viên liên kết góp vốn không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã.
Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các thành viên khác không nhận chuyển nhượng phần vốn góp và thành viên không còn nhu cầu là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì có thể xin ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chấm dứt tư cách thành viên, được trả lại phần vốn góp theo quy định của Luật này và Điều lệ.
Dự thảo Luật không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Quy định như vậy phản ánh đúng bản chất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội và tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, "doanh nghiệp hóa hợp tác xã", hạn chế việc thâu tóm, chi phối hoạt động hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của một số tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối với một số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.
Cân nhắc đối tượng trở thành thành viên tổ hợp tác
Cho ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, vốn của các thành viên hợp tác xã đóng góp là tài sản và quyền tài sản đối với mỗi cá nhân, phải được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
"Đóng góp tài sản vào tổ chức kinh tế tập thể lại bị hạn chế mua bán, chuyển nhượng trong một số điều kiện thì rõ ràng là hạn chế quyền tài sản. Như thế thì ai còn muốn đóng góp tài sản vào tổ chức kinh tế tập thể nữa?", đại biểu băn khoăn và đề nghị cần nghiên cứu, xem xét thêm.
Đại biểu lưu ý, khi chuyển nhượng vốn góp mà làm thay đổi tính chất của hợp tác xã thì yêu cầu bắt buộc chuyển sang mô hình kinh tế khác phù hợp thay vì cấm hạn chế chuyển nhượng. Nếu bên nhận chuyển nhượng tài sản chưa phải là thành viên thì có thể xem xét thủ tục kết nạp thành viên.
Đại biểu Trần Văn Lâm cũng cho rằng, giải trình về việc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải nộp phí khi công bố nội dung đăng ký chưa thực sự thuyết phục. Bởi, theo đại biểu, pháp nhân khi đăng ký với cơ quan nhà nước đã nộp phí để được đăng ký công nhận là pháp nhân.
"Cơ quan nhà nước giao Trung tâm hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh quản lý cơ sở dữ liệu này. Đây là đơn vị sự nghiệp nên phải nộp phí để quản lý, lưu giữ thông tin. Cơ quan nhà nước và Trung tâm hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh có thể trao đổi dữ liệu cho nhau, Trung tâm này có thể lấy dữ liệu từ cơ quan đăng ký để công bố. Thêm vào đó, Trung tâm hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh cung cấp dịch vụ cho cơ quan quản lý nhà nước nước thì cơ quan nhà nước phải trả phí. Quy định doanh nghiệp, hợp tác xã phải cung cấp phí là không thuyết phục", đại biểu nêu quan điểm và đề nghị quy định hợp tác xã không cần nộp phí để lưu giữ thông tin, cơ sở dữ liệu của các chủ thể kinh doanh nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm các thủ tục cũng như giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cơ bản đồng tình với nội dung của dự thảo Luật. Đánh giá dự thảo Luật có nhiều điểm mới tiến bộ, tuy nhiên đại biểu đề nghị cân nhắc quy định về đối tượng có thể trở thành thành viên tổ hợp tác.
Theo đại biểu, dự thảo Luật mở rộng thêm đối tượng là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi với một số điều kiện có thể trở thành thành viên tổ hợp tác nhưng không được tham gia một số giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật. Đồng thời, theo dự thảo Luật, đối tượng là hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân cũng có thể tham gia vào tổ hợp tác.
Đại biểu đề nghị xem xét, đánh giá thêm về mặt thực tiễn nhu cầu, tính hợp lý, khả thi của các quy định này. Theo đại biểu, cần rà soát quy định của dự thảo Luật với Bộ luật Lao động liên quan đến người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, xem việc những người này tham gia góp sức vào tổ hợp tác có đảm bảo các yêu cầu của Bộ luật Lao động hay không, tránh việc thành viên tham gia tổ hợp tác có thể chưa thành niên nhưng thực hiện các hoạt động lao động hay vào những địa điểm không phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.
Cùng với đó, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị cân nhắc quy định mở rộng thêm đối tượng là các hộ gia đình, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Bởi, về pháp lý, Bộ luật Dân sự và các nghị định của Chính phủ đều quy định đã là thành viên tổ hợp tác thì là cá nhân hoặc pháp nhân. Theo đại biểu, quy định như Bộ Luật Dân sự là hợp lý, nhằm tránh những rắc rối pháp lý không cần thiết.
Theo Báo Tin tức