Kết nối những người góp phần làm sạch môi trường

.

“Các cô, chú mưu sinh bằng nghề thu gom rác thải thường đối diện với nguy cơ bệnh tật mà không phải ai cũng nhận thức được hoặc biết nhưng vì cuộc sống nên đành cho qua. Chúng tôi lập dự án “Mạng lưới người thu gom” để hỗ trợ họ trong việc bảo vệ sức khỏe, hạn chế rủi ro khi làm nghề”. Chị Phạm Thị Quỳnh Dao, Quản lý dự án “Mạng lưới người thu gom” chia sẻ mục đích giúp đỡ những người làm nghề thu gom rác thải tài nguyên.

Người dân tham dự buổi tập huấn an toàn sức khỏe lao động trong nghề thu gom phế liệu. (Ảnh do dự án cung cấp)
Người dân tham dự buổi tập huấn an toàn sức khỏe lao động trong nghề thu gom phế liệu. (Ảnh do dự án cung cấp)

Dự án “Mạng lưới người thu gom” dưới sự bảo trợ của doanh nghiệp xã hội ReForm Plastic thuộc Tổ chức Tư vấn và Phát triển dự án quốc tế Evergreen Labs. Dự án được thành lập tháng 12-2022, đã kết nối 300 người làm nghề thu gom phế liệu. Những người làm nghề này ít nhiều gì cũng gặp trở ngại khi tiếp cận các dịch vụ xã hội, có thể gặp nguy hại về sức khỏe. Chị Dao cho biết, để tiếp cận những người làm nghề này, những thành viên trong dự án đã đi đến từng vựa ve chai trên địa bàn thành phố gặp trực tiếp hoặc nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, xã cung cấp danh sách những người làm trong nghề này. Hoạt động đầu tiên của dự án “Mạng lưới người thu gom” là tập huấn an toàn sức khỏe lao động trong nghề thu gom phế liệu cho 33 thành viên trong mạng lưới. Tháng 1-2023, dự án phối hợp Bệnh viện Răng - hàm - mặt tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 102 người hành nghề thu gom phế liệu.

Bà Nguyễn Thị Liên (SN 1966, quê ở Hà Tĩnh) làm nghề thu gom phế liệu từ năm 2011 đến nay, cho biết bất kể nắng hay mưa cũng đi thu gom phế liệu. Người dân thấy vậy cho vỏ lon, chai nhựa… “Bây giờ tôi lớn tuổi, sức khỏe giảm sút. Đợt rồi, tôi tham gia vào dự án và  được thăm khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, còn được tặng quà Tết nên rất vui”, bà Liên chia sẻ.

Bà Huỳnh Thị Đông (SN 1961, trú tại quận Ngũ Hành Sơn) gắn bó với nghề thu gom phế liệu từ khi còn nhỏ. Nghề này thường xuyên tiếp xúc khí thải ô nhiễm, các mùi hôi nên ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vì mưu sinh nên bà Đông không mấy bận tâm. “Khi tham gia dự án, tôi được tập huấn an toàn sức khỏe lao động và chăm sóc sức khỏe”, bà Đông trải lòng.

Dự án “Mạng lưới người thu gom” còn hỗ trợ những người hành nghề thu gom phế liệu phương tiện bảo hộ lao động và cung cấp những thông tin như danh sách các phòng trọ; các địa điểm hỗ trợ bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ; hướng dẫn đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đăng ký tạm vắng, tạm trú… Bên cạnh đó, dự án còn kết nối với các khách sạn, nhà hàng để giới thiệu với thành viên mạng lưới đến phân loại rác thải và mang về bán giúp họ tăng thêm thu nhập. Đến nay, đã có 7 doanh nghiệp tham gia chương trình này, với hơn 10 tấn vật liệu được thu gom.

Chị Phạm Thị Quỳnh Dao hy vọng với sự hỗ trợ tích cực từ dự án, những người làm nghề thu gom sẽ có thêm sức khỏe, điều kiện để tiếp tục công việc mà mình đang làm. Dự án sẽ làm việc nhiều hơn với cộng đồng và khu dân cư để giúp người dân thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn để lượng rác đến với những người thu gom được sạch hơn và có giá trị hơn.

THIÊN AN

;
;
.
.
.
.
.