3 tháng đầu năm nay, vấn nạn đặt bẫy thú trên bán đảo Sơn Trà gia tăng đến mức báo động khi số lượng bẫy thú các loại được lực lượng kiểm lâm phát hiện gần bằng năm 2022. Ngành chức năng và các địa phương cần quyết liệt hơn nữa với nhiều biện pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Số bẫy thú các loại trong quý 1-2023 được lực lượng kiểm lâm phát hiện lên mức báo động, gần bằng cả năm 2022. TRONG ẢNH: Lực lượng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn tiến hành tháo gỡ bẫy trong ngày 3-4. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Ngày 1-4, một nhóm nhiếp ảnh về hệ sinh thái tại bán đảo Sơn Trà đã phát hiện, kịp thời giải cứu và đăng tải video, hình ảnh về một cá thể chồn bạc bị bẫy kẹp vào chân trước tại khu vực gần cảng Tiên Sa. Sau khi clip được đăng tải, nhiều người dân và du khách rất bất bình và phản hồi trước thực trạng này. Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng này diễn ra theo chiều hướng phức tạp bởi sự gia tăng về số lượng bẫy, ảnh hưởng đến các loài động vật đang sinh sống và hệ sinh thái tại bán đảo Sơn Trà. Một số người lo ngại các bẫy được đặt ven bìa rừng, dễ gây thương tích cho người dân và du khách khi tham quan tại khu vực.
Anh Trần Ngọc Nhật Kha, người dân trú phường Mân Thái (quận Sơn Trà) cho biết, bán đảo Sơn Trà là khu vực có nhiều loại động vật quý hiếm sinh sống và nơi di cư của nhiều loại chim, trong đó, đặc biệt là loài voọc chà vá chân nâu. Việc các bẫy được đặt trên bán đảo Sơn Trà không chỉ tác động lớn đến môi trường sống mà còn ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái khu vực. Bởi, đa phần những bẫy được đặt đều rất nguy hiểm và có tính sát thương cao nếu không may dính phải. “Khi đến bán đảo Sơn Trà, tôi từng chứng kiến nhiều cá thể khỉ bị cụt 1-2 chi (chân). Đây là hình ảnh rất xót xa, thể hiện môi trường sống của các loài động vật trên bán đảo đang bị đe dọa. Tôi mong các lực lượng, chính quyền địa phương cần sớm có giải pháp hiệu quả để giảm thiểu tình trạng này”, anh Kha kiến nghị.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang Lê Thị Kim Thương, thời gian qua, phường đã tổ chức, lồng ghép tuyên truyền về vấn đề bảo vệ động vật hoang dã và hệ sinh thái trên bán đảo Sơn Trà trong nhiều hội nghị, chương trình, tập huấn; đồng thời, quán triệt các tổ dân phố, khu dân cư vận động, nâng cao ý thức của người dân trong việc không đặt bẫy thú, đốt rác khu vực bìa rừng, cho khỉ ăn… Để ngăn chặn tình trạng đặt bẫy thú cũng như thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng rất cần sự chung tay, phối hợp và hỗ trợ của người dân trên địa bàn quận và thành phố nói chung.
Theo UBND quận Sơn Trà, năm 2022, quận phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn ra quân thực hiện 88 đợt kiểm tra, truy quét phòng, chống chặt phá rừng và phát hiện tháo gỡ, tiêu hủy hơn 400 bẫy kẹp các loại; 10 đợt kiểm tra việc mua bán động vật hoang dã trên các tuyến đường tại quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn… Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Huỳnh Văn Hùng thông tin, quận đã thành lập đội tuần tra liên ngành, thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, quận Sơn Trà quán triệt các lực lượng khi phát hiện các trường hợp vi phạm cần xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, 7/7 phường trên địa bàn quận cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định, không tác động đến rừng và tài nguyên trên bán đảo Sơn Trà.
Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn thông tin thêm, từ giữa năm 2022 đến nay, tình hình du lịch được hồi phục, lượng du khách và người dân ghé đến bán đảo Sơn Trà tăng trở lại, ngày cao điểm có hơn 1.000 lượt khách. Nhiều đối tượng lợi dụng điểm này để ngụy trang, tiến hành đặt bẫy thú và xâm phạm trái phép tài nguyên rừng.
Ông Ngô Trường Chinh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho hay, ngay từ đầu năm, ngành kiểm lâm thành phố đã triển khai kế hoạch truy quét, tuần tra, kiểm soát cao điểm. Được biết, các tuyến đường trên bán đảo Sơn Trà đều được lực lượng kiểm lâm niêm yết số điện thoại đường dây nóng. Theo đó, việc không kiểm soát người dân, du khách đến bán đảo Sơn Trà là một trong những nguyên nhân khiến các đối tượng lợi dụng xâm phạm đến tài nguyên rừng. Đơn vị cũng kiến nghị cấp trên đề xuất thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm đưa vào quy chế quản lý du khách, người dân khi tham quan bán đảo Sơn Trà, đặc biệt là trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
“Bên cạnh lực lượng kiểm lâm, trên bán đảo Sơn Trà còn có các lực lượng khác phối hợp tuần tra, giám sát. Tuy nhiên, việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học trên bán đảo Sơn Trà là trách nhiệm và rất cần chung tay của cộng đồng”, ông Chinh nói.
Chi cục Kiểm lâm thông tin, trong giai đoạn 2018-2022, lực lượng kiểm lâm đã thu giữ, tháo gỡ 5.499 bẫy các loại, 674m lưới bẫy chim… Thống kê trong quý 1-2023, lực lượng kiểm lâm đã thực hiện 25 đợt truy quét trong rừng và phối hợp với lực lượng liên ngành tổ chức 48 đợt tuần tra trên các tuyến đường quanh bán đảo Sơn Trà; phát hiện và tháo gỡ 390 bẫy dây, kẹp các loại, xử phạt 2 trường hợp vi phạm về buôn bán động vật không có nguồn gốc và phá rừng. Số lượng bẫy phát hiện tăng vọt so với cùng kỳ và gần bằng cả năm 2022. |
VĂN HOÀNG