Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội trong điều kiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị

.

Sau gần 10 năm Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội thành phố thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị, khẳng định đây là một trong những chức năng rất quan trọng của Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Trong bối cảnh thành phố thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, hoạt động giám sát và phản biện xã hội càng được coi trọng với yêu cầu cao hơn về tính hiệu lực, hiệu quả của công tác này.

Trong bối cảnh thành phố thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và tổ chức chính trị xã hội càng được coi trọng với yêu cầu ngày càng cao hơn. Trong ảnh: Một góc thành phố nhìn từ trên cao. Ảnh: Xuân Sơn
Trong bối cảnh thành phố thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và tổ chức chính trị xã hội càng được coi trọng với yêu cầu ngày càng cao hơn. TRONG ẢNH: Một góc thành phố nhìn từ trên cao. Ảnh: XUÂN SƠN

Bài 1: Để mỗi chủ trương đúng ý Đảng, hợp lòng dân

Giám sát và phản biện xã hội được xem là một trong những hoạt động đột phá của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đánh giá cao.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục chỉ đạo thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” và phải lấy “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Phương châm này tạo động lực để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tích cực nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh trong tình hình mới.

“Cây gậy” pháp lý cần thiết

Ngày 12-12-2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW quy định chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội. Năm 2015, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành đã quy định cụ thể tại các Điều 25 và Điều 32 về giám sát và phản biện xã hội. Năm 2017, Nghị quyết liên tịch số 403/NQLT/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra đời càng khẳng định hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam rất quan trọng với nhiều căn cứ, hình thức cụ thể.

Cuối năm 2022, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tại Đà Nẵng, trong điều kiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội được các cấp ủy Đảng, chính quyền hết sức chú trọng. Điều này thể hiện qua hai văn bản quan trọng được Ban Thường vụ Thành ủy ban hành gồm: Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 30-11-2021 về nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố; Quyết định số 2838-QĐ/TU ngày 24-12-2021 ban hành Quy chế thực hiện giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và nhân dân thành phố trong điều kiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Thị Mẫn, đây được xem là những văn bản quan trọng để Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội các cấp của thành phố thực hiện hiệu quả hơn công tác giám sát, phản biện xã hội trong điều kiện không còn giám sát của HĐND cấp quận, phường. Xác định hoạt động giám sát và phản biện xã hội là hai mặt công tác cơ bản của MTTQ Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà nước Việt Nam “của dân, do dân, vì dân” mà trong đó “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Thông qua chức năng này góp phần kiến nghị sửa đổi các cơ chế chính sách chưa hợp lý; điều chỉnh các dự thảo kế hoạch, dự án nhằm triển khai trong thực tiễn bảo đảm “đúng ý Đảng, hợp lòng dân”. Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thành phố đã linh hoạt, vận dụng các hình thức phù hợp, tiếp tục tuyên truyền tạo nhận thức xã hội và kỹ năng cho cán bộ, công chức trong hệ thống, nhất là công chức các cấp, các ngành hiểu rõ hơn về nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm chủ trì buổi giám sát chuyên đề năm 2022 của Ban Thường trực - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Ảnh: PV
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm chủ trì buổi giám sát chuyên đề năm 2022 của Ban Thường trực - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Ảnh: PV

Nhiều chuyển biến tích cực

Theo Mặt trận thành phố, năm 2022, Mặt trận các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã triển khai giám sát 133 chuyên đề, trong đó, Mặt trận thành phố chủ trì 5 chuyên đề, các tổ chức chính trị - xã hội  chủ trì 7 chuyên đề. Bên cạnh đó, 56 ban thanh tra nhân dân hoạt động khá hiệu quả với 386 cuộc giám sát, phát hiện 13 vụ việc vi phạm, gửi 45 kiến nghị. 127 ban giám sát đầu tư cộng đồng triển khai 252 cuộc giám sát công trình, dự án;gửi 32 kiến nghị đến các cơ quan đơn vị khắc phục dứt điểm. Mặt trận thành phố đã cử cán bộ tham gia 12 chuyên đề giám sát của Thành ủy, Thường trực HĐND thành phố, các ban HĐND thành phố, 5 đoàn thể chính trị - xã hội và các sở, ngành có quy chế phối hợp liên quan.

Bà Mẫn nhìn nhận, hoạt động giám sát năm 2022 có nhiều nét mới. Các chuyên đề tập trung vào những vấn đề nổi cộm mà dư luận quan tâm như công tác cán bộ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; việc hỗ trợ khó khăn do Covid-19; nâng mức khoán chi cho người hoạt động không chuyên trách phường, xã; giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về mô hình chính quyền đô thị; các dự án kéo dài ảnh hưởng đời sống dân sinh...

Trong đó, điểm mới là việc phối hợp, kết hợp nhịp nhàng, linh hoạt vận dụng các hình thức, lồng ghép các đoàn với nhau, vừa tiết kiệm thời gian, công sức của cán bộ, công chức cũng như giảm áp lực, giảm chồng chéo đơn vị, địa phương được giám sát. Hoạt động tham gia phối hợp giám sát tăng gấp đôi năm trước cũng góp phần thể hiện sự đa dạng của Mặt trận thực hiện vai trò giám sát. Chuyên đề giám sát được lựa chọn phù hợp thực tiễn và kiến nghị chất lượng, hiệu quả hơn.

Đối với phản biện xã hội, năm 2022, Mặt trận các cấp thành phố đã tổ chức 54 cuộc phản biện xã hội liên quan đến các dự án, chương trình trên địa bàn thành phố, tăng 15 cuộc so với 2021. Mặt trận thành phố tổ chức 2 cuộc phản biện xã hội; Mặt trận các quận, huyện tổ chức 8 cuộc phản biện xã hội; Mặt trận phường, xã tổ chức 44 cuộc phản biện xã hội với nhiều nội dung phong phú, chất lượng liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân như giảm nghèo, bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự vỉa hè, an toàn giao thông, mở rộng, nâng cấp kiệt hẻm, giải quyết việc làm, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị…

Qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp kịp thời báo cáo Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND thành phố và gửi các kiến nghị đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết. Hầu hết các kết quả phản biện, kiến nghị sau giám sát đều có văn bản phúc đáp, phản hồi từ đơn vị chủ quản gửi về.

Điều đó thể hiện sự lắng nghe, tôn trọng ý kiến của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội  đã góp ý, góp phần tăng đồng thuận xã hội. UBND thành phố và các sở, ngành đã quan tâm và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội thành phố; thường xuyên gửi văn bản lấy ý kiến của Mặt trận, đoàn thể trong việc xây dựng các dự án, đề án có liên quan đến sự phát triển của thành phố, của quận huyện cũng như đời sống dân sinh.

“Với những kết quả đạt được, từng bước nâng cao vị thế và tiếng nói của Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội các cấp thành phố trong điều kiện tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị, bảo đảm “đúng ý Đảng, hợp lòng dân””, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng khẳng định.

TRỌNG HUY - TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.