Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội trong điều kiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Bài cuối: Phát huy vai trò chủ trì, tính chủ động

.

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải chú trọng phát huy vai trò chủ trì, tính chủ động của mình. Bên cạnh đó, cần nhiều giải pháp hữu hiệu khác để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giám sát và phản biện xã hội.

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chủ trì tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với cử tri để lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: TRỌNG HUY
Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chủ trì tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với cử tri để lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: TRỌNG HUY

Tạo chuyển biến trong nhận thức

Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26-10-2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả nhất định, chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, sự tham gia của các thành viên MTTQ Việt Nam và nhân dân.

Việc quán triệt, phổ biến, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội chưa được coi trọng đúng mức. Việc xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội có lúc, có nơi chưa chủ động, kịp thời, thiếu trọng tâm, trọng điểm, còn hình thức.

Các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội chưa sâu, tính thuyết phục chưa cao; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị thiếu quyết liệt, chưa đi đến cùng. Một số tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm chưa thực hiện nghiêm túc việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội.

Những hạn chế, bất cập nêu trên chủ yếu là do nhận thức về công tác giám sát, phản biện xã hội của một số cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội chưa đầy đủ; chưa quan tâm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội; thiếu quy định cụ thể về quy trình, trách nhiệm trả lời, giải quyết kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội. Sự phối hợp giữa các cơ quan Đảng, chính quyền với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả; nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế...

Là người từng có nhiều năm công tác Mặt trận, Luật sư Đỗ Thành Nhân cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật, quy định về hoạt động giám sát, phản biện ngày càng hoàn thiện, có hiệu quả hơn. Hiến pháp 2013 đã quy định MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, khẳng định: “MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong Luật đã dành 2 chương (V và VI ) để quy định: Tính chất, mục đích, nguyên tắc giám sát và phản biện; đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát và phản biện; hình thức giám sát và phản biện; quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong hoạt động giám sát và phản biện; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát và phản biện; trách nhiệm của các bên liên quan.

Nhiều văn bản của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều thể hiện quyền và vai trò giám sát của Mặt trận rất lớn, rất cụ thể (mới nhất là Chỉ thị số 18-CT/TW). Theo ông Nhân, cần phải thay đổi nhận thức, tư duy của cả hệ thống chính trị về vai trò, vị trí của Mặt trận. Có như vậy thì vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận ngày càng hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng và phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Theo PGS. TS Hồ Tấn Sáng, Đà Nẵng đang trong quá trình thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo hướng chính quyền địa phương một cấp (trừ huyện hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa), tổ chức chính quyền các quận, phường chỉ có thiết chế UBND. Do đó, đặt ra yêu cầu cao hơn về kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực đối với những chủ thể (UBND, chủ tịch UBND) khi thành phố đang đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền về quận, phường.

Vì thế, ngoài phát huy vai trò thiết chế của HĐND, cần quan tâm hơn nữa việc nêu cao tinh thần trách nhiệm của tổ chức Đảng, MTTQ và các thành viên, của người đứng đầu các tổ chức để thực hiện tốt hiệu lực, hiệu quả việc kiểm tra, giám sát đối với chính quyền, cấp trên với cấp dưới và của cả người dân với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu Trần Thị Thúy Hà cho rằng, bản thân những người làm công tác Mặt trận phải thay đổi tư duy, nhận thức về vai trò và tính chủ động của mình. Để thể hiện được vai trò và tính chủ động của mình, cán bộ Mặt trận buộc phải nắm chắc lý luận, từ đó có thực tiễn từ cơ sở thì tiếng nói của Mặt trận mới thuyết phục. Đặc biệt, người làm công tác Mặt trận phải có bản lĩnh, về cả mọi mặt và không ngừng học hỏi, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh. Theo bà Hà, cần tạo cơ chế độc lập về tài chính cho Mặt trận, để chủ động trong các hoạt động của mình.

Còn theo ông Huỳnh Sơn Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê, để phát huy hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, cùng với quan tâm bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho Mặt trận các cấp để có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần bảo đảm về kinh phí cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tăng mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho ban thanh tra nhân dân và các ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại các phường để khuyến khích, động viên cán bộ cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Một giải pháp được nhiều cấp lãnh đạo Mặt trận quan tâm, đó là cần phát huy tốt trách nhiệm vai trò đại diện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội. Nâng cao vai trò cá nhân tiêu biểu, các nhà khoa học, nghiên cứu, đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong hoạt động giám sát và phản biện.

Đối với vấn đề giám sát, phải theo đuổi đến cùng các vấn đề “hậu” giám sát và phản biện, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân cũng như lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân để tập hợp, phản ánh đến cấp ủy Đảng, chính quyền và kịp thời định hướng dư luận về vấn đề nổi cộm.

Cần quan tâm đến cải cách chế độ tiền lương, phụ cấp theo lương đối với cán bộ Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội các cấp phù hợp với thực tiễn hiện nay, tương xứng với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị của địa phương để họ yên tâm công tác, cống hiến.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng cho biết sẽ tiếp tục đề xuất thể chế các quan điểm của Đảng về dựa vào dân để xây dựng, thể chế hóa chủ trương giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam xây dựng cơ chế nội dung và cách thức thực hiện cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức.

Cần xây dựng cơ chế giám sát và thụ hưởng của nhân dân để thực hiện có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Theo ông Ngô Xuân Thắng, cần quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Cấp ủy Đảng các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

TRỌNG HUY - TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.