Những bóng hồng trên thao trường huấn luyện

.

Xen lẫn trong số hàng trăm chiến sĩ nam dân quân năm thứ nhất tham gia huấn luyện trên thao trường, ở bãi tập lần này, thấp thoáng nhiều bóng hồng rắn chắc trong bộ quân phục màu xanh. Họ là những cô gái tuổi thanh xuân, tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ của huyện Hòa Vang.

Các nữ dân quân không ngại khó, ngại khổ, ngày đêm luyện tập trên thao trường. Ảnh: C.C
Các nữ dân quân không ngại khó, ngại khổ, ngày đêm luyện tập trên thao trường. Ảnh: C.C

Dân quân Lê Thị Nguyệt, 24 tuổi, ở thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, hiện là giáo viên đang công tác tại Trung tâm giáo dục thường xuyên số 3 Hòa Vang. Vì quá yêu màu áo xanh, yêu những việc làm đầy tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của những người lính không mang quân hàm mà Nguyệt đã tự nguyện đăng ký tham gia vào lực lượng. Hôm nay, vinh dự đứng vào hàng ngũ lực lượng dân quân tự vệ, em tự dặn lòng phải ra sức học tập tốt, trau dồi kỹ chiến thuật thật giỏi, sớm trở thành người dân quân có đầy đủ phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, kỹ năng chiến đấu và xử lý tình huống thuần thục để phục vụ quê hương.

Trong mùa huấn luyện quân sự năm nay, Hòa Phú có 30 dân quân năm thứ nhất, đáng kể là trong số đó có 10 đồng chí dân quân nữ. Anh Nguyễn Thanh Chung, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Hòa Phú phấn khởi khoe:

“Thông qua công tác tuyên truyền, vận động từ cơ sở, các bạn nữ thanh niên, kể cả những người đã lập gia đình vẫn hăng hái tham gia. Đáng nói là trong 2 năm gần đây, tỷ lệ nữ là đoàn viên thanh niên tham gia vào lực lượng dân quân xã Hòa Phú tăng cao. Đây là tín hiệu đáng mừng cho công tác quân sự quốc phòng ở một địa phương miền núi như Hòa Phú”. Quả thật như vậy, nữ dân quân Lê Thị Nga, người dân tộc Cơ Tu ở thôn Phú Túc hiện đã có gia đình với 2 con nhỏ. Tuy thu nhập chính của hai vợ chồng chỉ dựa vào công việc trồng rừng nhưng khi cấp ủy, Ban nhân dân thôn Phú Túc họp bàn công tác soát xét thực lực, gọi công dân tham gia vào lực lượng dân quân tại chỗ, Nga đã không ngần ngại tham gia.

Trò chuyện với Nga, cô cho biết những ngày tham gia học chính trị, quân sự, hình ảnh anh em lực lượng dân quân nam chia sẻ từng chai nước lọc, gánh vác những việc nặng nhọc như di chuyển vị trí các mô hình học cụ cho dân quân nữ làm cho cô và các bạn nữ cảm thấy ấm lòng, và nhận thấy rằng, sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Sau khóa huấn luyện, cô sẽ về tích cực tham mưu cho đồng chí thôn đội trưởng xây dựng lực lượng dân quân tại chỗ vững mạnh, sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao. Còn nữ dân quân Nguyễn Thị Mỹ Anh, ở thôn Hòa Phát thì hiện đã lập gia đình và có 3 con nhỏ. Khi được hỏi vì sao em lại quyết định đầu quân vào lực lượng dân quân khi tuổi đời không còn trẻ, Mỹ Anh trả lời: “Ở môi trường đặc biệt này, em cảm thấy mình chững chạc và trưởng thành lên nhiều, cống hiến được sức trẻ cho quê nhà”.

Tốt nghiệp đại học, hiện đang làm nhân viên văn phòng cho một công ty ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, nữ dân quân Phạm Thị Thanh Tiền, ở thôn Phước Hưng Nam, xã Hòa Nhơn không giấu được niềm vui khi có giấy triệu tập khóa huấn luyện dân quân mới. Thanh Tiền trãi lòng, đã là đoàn viên thanh niên thì bất kể nam hay nữ cũng đều phải tham gia nghĩa vụ quân sự, bảo vệ quê hương, đất nước. Vì là phận nữ nhi, lại đang có công việc làm ổn định nên em không thể đi nghĩa vụ quân sự như các bạn nam giới được. Vì vậy, em tự nguyện đăng ký tham gia vào lực lượng dân quân địa phương với suy nghĩ, môi trường quân sự nào cũng được, nghĩa là có ích cho xã hội.

Anh Lê Trung Tá, cán bộ khung huấn luyện dân quân tự vệ Ban Chỉ huy Quân sự xã Hòa Phong nhìn nhận: “Hầu hết các bạn nữ dân quân có một nghị lực và sự dẻo dai thật đáng nể, tính kỷ luật rất cao. Nhiều nữ dân quân, tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, con mọn nhưng vẫn tham gia đều đặn các buổi tập, đây là tấm gương sáng để nhiều nam dân quân học tập, noi theo. Họ chính là những bóng hồng trên thao trường trong mùa huấn luyện năm 2023 này”.

CÔNG CHIẾN

;
;
.
.
.
.
.