Tập trung các nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

.

Ngày 20-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đồng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, thiên tai trên thế giới, trong khu vực và trong nước chưa bao giờ diễn biến phức tạp, cực đoan và khó đoán định như hiện nay; càng ngày càng khắc nghiệt và khó đoán định hơn.

Trong hoàn cảnh hết sức khốc liệt đó, cũng có thể thấy rằng, các lực lượng chức năng và nhân dân ở các vùng chịu ảnh hưởng đã rất chủ động, tích cực ứng phó để hạn chế thiệt hại. Đồng thời, cũng đã nhận được sự chia sẻ, động viên, hỗ trợ rất kịp thời của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước.

Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành Trung ương và địa phương, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động phòng ngừa và ứng phó linh hoạt trước mọi tình huống. Đồng thời, tập trung nguồn lực cho công tác cảnh báo, dự báo thiên tai.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác ứng phó, phòng chống thiên tai để nâng cao nhận thức, xây dựng được ý thức ứng phó thiên tai trong mỗi người dân.

Huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, trong đó có lồng ghép công tác này với các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng; đầu tư sau thiên tai đối với các vùng bị thiên tai...

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho rằng, ngoài các loại thiên tai phổ biến như bão, lũ,… thành phố Đà Nẵng còn có nguy cơ đối mặt với nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm như: sạt lở đồi núi, ngập lụt lớn khu vực đô thị.

Điển hình nhất là đợt mưa lớn xảy ra vào ngày 14-10-2022 với lượng mưa vượt lượng mưa lịch sử năm 2018, lại xảy ra vào đúng thời điểm triều cường nên đã gây ngập diện rộng trên địa bàn thành phố và làm ngập khoảng 73.000 nhà; toàn thành phố đã sơ tán, cứu hộ, cứu nạn khoảng 15.000 người, ước thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng.

Để chủ động công tác phòng chống thiên tai, UBND thành phố ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025, đặc biệt, tháng 2-2023 đã ban hành Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn trong thiên tai giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tuy nhiên, công tác dự báo về lượng mưa chưa cụ thể, chưa theo kịp diễn biến thực tế. Mặc dù thành phố có kinh nghiệm ứng phó với bão và ngập lũ vùng nông thôn, nhưng việc ứng phó với tình trạng ngập lụt lớn trong đô thị thì có phần bị động.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhấn mạnh, trong thời gian đến, thành phố phối hợp với các cơ quan khí tượng thủy văn theo dõi, phân tích, cảnh báo thiên tai; chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Thành phố tiếp tục hoàn thiện, cập nhật các kịch bản ứng phó thiên tai phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn, đô thị, địa phương, nhất là khu vực trung tâm thành phố, khu vực đô thị có hạ tầng yếu kém dễ bị cô lập, ngập sâu.

Đồng thời, lồng ghép công tác phòng chống thiên tai, chống ngập úng đô thị, thoát nước đô thị vào quy hoạch phát triển thành phố, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, đầu tư công trung hạn và hằng năm của thành phố...

NAM TRÂN

;
;
.
.
.
.
.