7 ngày với Trường Sa thân yêu

.

Trước giờ chia tay, từng tiếng hô vang dưới bến: “Trường Sa vì Tổ quốc”, chúng tôi trên tàu đáp lời: “Tổ quốc vì Trường Sa”, “Yêu lắm Trường Sa” cứ vang lên từng đợt… đầy lưu luyến. Tàu kéo 3 hồi còi vang chào đảo, đồng loạt các chiến sĩ trên cầu cảng cùng đứng nghiêm chào…

Đoàn công tác số 7 chụp ảnh lưu niệm tại đảo Song Tử Tây. Ảnh: THÀNH ĐỘI
Đoàn công tác số 7 chụp ảnh lưu niệm tại đảo Song Tử Tây. Ảnh: THÀNH ĐỘI

Chúng tôi may mắn có mặt trong chuyến công tác đến huyện đảo Trường Sa từ ngày 22 đến 28-4 của đoàn công tác số 7 do Chuẩn đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Đình Hùng làm trưởng đoàn, trên tàu KN-390 của Kiểm ngư Việt Nam.

Đoàn công tác thành phố Đà Nẵng có 100 thành viên, do Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng dẫn đầu, đại diện Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đến thăm quân và dân tại 6 đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, Cô Lin, Đá Nam, Đa Tây C và nhà giàn DK1.

Xúc động lễ chào cờ trên đảo và tưởng niệm liệt sĩ giữa biển khơi

Sau 2 ngày dài trên biển, sáng 24-4, chúng tôi đến xã đảo Song Tử Tây. Tại đây, lần đầu tiên chúng tôi, những cán bộ nữ của thành phố như các chị: Kim Yến, Ánh Hồng, Thu Hạnh, Mai Thu, Thanh Tùng, Thúy Anh,... được dự lễ chào cờ với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo.

Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, lời bài hát “Tiến quân ca” cất lên trầm hùng giữa biển trời bao la làm không khí trở nên trang nghiêm, hùng tráng và xúc động đến lạ kỳ… Sau lễ chào cờ, đoàn công tác số 7 đến dâng hương tại tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, viếng chùa Song Tử Tây và tập trung tại hội trường để nghe chỉ huy trưởng đảo báo cáo tình hình.

Tại xã đảo Song Tử Tây, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng đến thăm thầy và trò Trường Tiểu học Song Tử Tây và một số hộ dân đang sinh sống trên đảo. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng trao những món quà tình nghĩa của đoàn công tác, ân cần động viên, thăm hỏi và chúc các hộ dân cùng thầy giáo trẻ luôn giữ gìn sức khỏe thật tốt và hoàn thành tốt nhiệm vụ của người công dân, người giáo viên nơi xã đảo xa xôi còn nhiều khó khăn.

Ghi lại những dòng lưu niệm trên sổ của đảo với những cảm xúc chân thực nhất, anh Ngô Xuân Thắng viết: “Xin trân trọng gửi lời tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đến với quân và dân đảo Song Tử Tây anh hùng”…

Chiều 24-4, chúng tôi tới thăm đảo Đá Nam - đảo đá chìm nhỏ bé giữa biển trời mênh mông. Khi lên thăm đảo, chúng tôi cảm nhận được tinh thần mạnh mẽ và ý chí quật cường của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Dù đảo nhỏ còn nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ nơi đây luôn lạc quan và kiên cường. Nhìn những khuôn mặt rám nắng, ánh mắt tinh anh, thái độ thân thiện và nụ cười hồn hậu của các chiến sĩ trẻ, chúng tôi cảm thấy thật ấm lòng, chân ra về mà lòng lưu luyến mãi.

6 giờ sáng 25-4, có lẽ là buổi sáng khó quên nhất trong đời chúng tôi, những thành viên trong đoàn công tác số 7. Tàu KN-390 thả neo tại vùng biển gần đảo Cô Lin để tiến hành lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Trường Sa. Trên boong tàu, tất cả chúng tôi nghiêm túc xếp hàng ngay ngắn dành phút mặc niệm tưởng nhớ 64 anh hùng là liệt sĩ trên đảo Gạc Ma và rất nhiều anh hùng liệt sĩ khác đã mãi mãi nằm lại giữa biển khơi…

Tôi nghe nhiều người hít thở sâu, thấy nhiều bàn tay đưa lên quẹt ngang mắt. Có người cúi xuống nhắm mắt không dám để lộ tiếng nấc… Tất cả chúng tôi, ai cũng lặng đi vì xúc động… Sau khi dâng hương, Chuẩn Đô đốc, Phó Tư lệnh Hải quân Nguyễn Đình Hùng cùng lãnh đạo các địa phương thực hiện nghi lễ thả vòng hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ về với biển…

Chiều 25-4, đảo Sinh Tồn đón chúng tôi bằng một cơn mưa giông lớn. Một số thành viên đi xuồng không mái che bị ướt hết. Nhưng sá gì. Nghe chiến sĩ đảo nói, đây là cơn mưa đầu tiên từ đầu năm tới giờ. Nghe giọng ai đó của đảo reo lên: “Đoàn Đà Nẵng mang mưa tới rồi nè, mát quá đi…”. Chúng tôi không ai bảo ai bật cười mà nghe thương chi lạ. Sau khi tiến hành các hoạt động thăm hỏi tại đảo, chúng tôi lại tiếp tục viếng cảnh chùa, ghé thăm nhiều nhà dân và trò chuyện để hỏi thăm về cuộc sống trên đảo…

Ngày 26-4, con tàu tiếp tục rẽ sóng đưa chúng tôi về đảo Đá Tây C và Trường Sa Lớn. Đảo Đá Tây C cũng là đảo chìm. Chị Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố thay mặt đoàn Đà Nẵng viết lại những dòng cảm xúc của mình lưu niệm trên sổ tại đảo Đá Tây C: “Chúng tôi vô cùng vinh dự, tự hào khi được đặt chân lên đảo. Mỗi chúng tôi tự nhận thấy, cần phải làm tốt hơn nữa công tác chính trị của mình, tích cực truyền tiếp ngọn lửa Trường Sa đến với mọi người dân Việt Nam”… Trưa cùng ngày, chúng tôi về tàu nghỉ ngơi, háo hức chờ đầu giờ chiều được đến thăm Trường Sa Lớn - đảo duy nhất có cầu cảng cho tàu KN-390 cập bến. Chúng tôi thong thả bước từ tàu lên đảo mà không phải đi ca nô, xuồng để đến như các đảo chìm khác… Thiệt là quá vui và mong chờ!

Đầu giờ chiều 26-4, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đến đảo Trường Sa Lớn và cùng đoàn công tác số 7 dự lễ chào cờ và duyệt binh với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Tại đây, Bí thư Thành ủy cùng lãnh đạo các đơn vị, địa phương trong đoàn công tác đến dâng hương tại Tượng đài liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm trường học và nhiều hộ dân trên đảo.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đã ghi lại những dòng lưu niệm: “Chúng tôi thấu hiểu và vô cùng khâm phục ý chí sắt đá của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Các đồng chí đã đoàn kết, đồng lòng vượt qua gian nan, thiếu thốn, vất vả nơi đầu sóng ngọn gió, cầm chắc tay súng canh gác giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc…”.

Đảo Trường Sa Lớn thật đẹp. Cây xanh, trường học, những ngôi nhà khang trang. Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tượng đài Tổ quốc ghi công, Chùa Trường Sa Lớn… tạo thành một quần thể hai bên đường băng sân bay. Đêm ca nhạc thấm tình quân dân vỡ òa mọi cảm xúc trong chúng tôi. Các em bé của Trường Sa Lớn trình diễn những tiết mục múa võ cổ truyền độc đáo. Màn dân vũ của các chiến sĩ hải quân trên đảo làm sôi động cả trời đêm. Những bài hát về người lính, về làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh lần lượt được trình diễn… Những nụ cười, tiếng cổ vũ, tiếng vỗ tay rộn rã cả góc trời…

Thương lắm Trường Sa ơi !

Chúng tôi lại trở về tàu ngay trong đêm để kịp tới nhà giàn DK1 vào sáng mai. Trước giờ chia tay, từng tiếng hô vang dưới bến: “Trường Sa vì Tổ quốc”. Chúng tôi trên tàu đáp lời: “Tổ quốc vì Trường Sa”; “Yêu lắm Trường Sa” cứ vang lên từng đợt… đầy lưu luyến. Tàu kéo 3 hồi còi vang chào đảo. Các chiến sĩ trên cầu cảng cùng đứng nghiêm chào. Chúng tôi dù miệng cười, tay vẫy nhưng không khỏi nhớ thương và bịn rịn… Một đêm chia tay không thể quên và khó ngủ với các thành viên trên tàu. Thương lắm Trường Sa ơi!

Sáng 27-4, chúng tôi đến nhà giàn DK1 (thuộc đảo Phúc Tần), điểm cuối cùng của hải trình Trường Sa. Sáng đó sóng khá lớn, gió cấp 6. Theo lệnh của trưởng đoàn công tác số 7 chỉ cho phép mỗi đơn vị đi từ 2 đến 3 người lên nhà giàn, ưu tiên thanh niên khỏe mạnh. Đoàn Đà Nẵng tham gia được 3 thành viên của lực lượng vũ trang thành phố. Nhìn thấy nhà giàn DK1 trước mắt, nhưng vì thời tiết gió mùa sớm đành phải “lỗi hẹn” đứng ngắm từ xa… Trong lòng chúng tôi ai cũng đều tiếc nuối…

Đối với chúng tôi, chuyến hải trình dài 7 ngày đến huyện đảo Trường Sa thật sự là chuyến đi quá nhiều ý nghĩa, là kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời. Ngày trở về Đà Nẵng, chúng tôi luôn nhớ về những đảo chìm, đảo nổi mà mình đã đi qua. Nhớ cây phong ba, cây bàng vuông trên đảo. Nhớ đến những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm vất vả giữa thời tiết khắc nghiệt với ý chí kiên định, cảnh giác trước kẻ thù, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thân yêu.

Đeo huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa trên ngực áo, mỗi chúng tôi tự nhủ và tâm niệm rằng: Trường Sa mãi mãi trong tim người Việt Nam, là vùng đất thiêng trên Biển Đông, nơi máu thịt của biết bao thế hệ cha anh đã đổi lấy để giành lại và gìn  giữ… Để tự soi mình và cần sống sao cho xứng đáng hơn. Mỗi thành viên đoàn công tác chúng tôi sẽ là những cầu nối truyền tiếp ngọn lửa, tinh thần Trường Sa đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Đà Nẵng.

Trong chuyến công tác đến Trường Sa, thành phố Đà Nẵng đã trao tặng gần 5 tỷ đồng cho quân và dân huyện đảo Trường Sa, trong đó tặng Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” với số tiền 3 tỷ đồng; các quận, huyện của thành phố tặng 10 bộ máy tính, máy in trị giá trên 350 triệu đồng; Công ty cổ phần Dược Danapha trao tặng thuốc các loại trị giá 200 triệu đồng và tặng nhu yếu phẩm trị giá gần 100 triệu đồng …

Trường Sa tháng 4-2023

TRẦN THỊ MẪN
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố

;
;
.
.
.
.
.