Nguồn nước sông Cẩm Lệ tại cửa thu nước thô vào nhà máy nước Cầu Đỏ vẫn đang bị nhiễm mặn nặng liên tục, trong khi mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch (huyện Hòa Vang) bị hạ thấp dưới mức 2m từ 16 giờ ngày 6-5 và xuất hiện tình trạng nước yếu ở một số khu vực trên địa bàn thành phố vào sáng 7-5. Thực trạng này đòi hỏi các đơn vị liên quan cần tiếp tục phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là về nguồn nước trong thời gian đến nhằm không để xảy ra thiếu nước sinh hoạt.
Người dân ở kiệt 45 đường K20 (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) phản ánh nguồn nước cấp đang có áp lực yếu, nước ít. Ảnh: H.H |
Nước yếu, nước lợ
Theo ghi nhận vào sáng 7-5, tại khu vực đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), một trong những khu vực thường hay xảy ra thiếu nước cục bộ trong những năm trước đây thì hiện nay dù có tuyến ống cấp nước mới đường kính lớn hơn đã được lắp đặt đồng bộ khi nâng cấp, cải tạo đường, tuy nhiên những ngày gần đây, lưu lượng nước cấp cho người dân sử dụng bị yếu hẳn và có vị lợ.
Nhiều người dân ở dọc kiệt 45 đường K20 (phường Khuê Mỹ) phía sau đường Nguyễn Đình Chiểu cũng phản ánh tình trạng nước yếu và có vị lợ. “Nước đã bị yếu mấy ngày nay, nhất là vào buổi chiều tối và cũng có vị lợ hơn”, bà T.T.H. (một người dân ở kiệt 45 đường K20) cho biết.
Tương tự, tại khu dân cư phía tây âu thuyền Thọ Quang và khu dân cư Đại Địa Bảo (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), nhất là đường Vũng Thùng 3, Hồ Sỹ Tân..., nước cấp cũng bị yếu hơn. Rút kinh nghiệm từ những mùa hè thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng trước đây, nhiều hộ dân đã đầu tư lắp đặt máy bơm nước và được vận hành tự động bơm nước lên bồn chứa để sử dụng, nhưng trước tình hình nước yếu, các hộ dân phải thường xuyên kiểm tra để vận hành máy bơm an toàn.
“Mới sáng ra, mở vòi để sử dụng nước trực tiếp đã thấy yếu. Đến chiều tối, nước yếu thêm khoảng 20% so với buổi sáng. Chúng tôi chỉ mong nước không yếu hơn hiện nay và không xảy ra thiếu nước như những mùa hè trước đây”, một khách hàng sử dụng nước của Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng tại đường Hồ Sỹ Tân bày tỏ.
Ngoài nước yếu và có vị lợ, một số người dân trên địa bàn thành phố phản ánh tình trạng nước bị bẩn, đục trong những ngày gần đây do áp lực trong đường ống không ổn định, xáo động, các chất bẩn tích tụ lâu ngày dính chặt vào thành ống bị rời ra khỏi thành ống và chảy ra qua vòi nước.
Tuy nhiên, theo Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), khi có tình huống phát sinh liên quan đến dịch vụ cấp nước, nước yếu, nước thiếu, khách hàng liên hệ ngay Tổng đài chăm sóc khách hàng qua số điện thoại 1900234522 để được cử nhân viên hỗ trợ. Tổng Giám đốc Dawaco Hồ Minh Nam cho rằng, độ mặn trong nước sạch sau xử lý khi công ty cấp vào mạng lưới đường ống luôn thấp hơn 300mg/l, bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1:2018/BYT) của Bộ Y tế.
Bảo đảm vận hành 2 trạm bơm phòng mặn
Từ ngày 3-5 đến nay, khi nhà máy thủy điện (NMTĐ) A Vương và Sông Bung 2 dừng vận hành theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Nam để tích nước, các NMTĐ như Sông Bung 4, Sông Bung 5, Sông Bung 6 và Đăk Mi 4 đã phối hợp xả nước về hạ du sông Vu Gia. Các đơn vị của 2 địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam đã đóng các cửa van của các đập dâng thuộc hệ thống thủy lợi An Trạch để trữ nước.
Nhờ vậy, mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch dâng cao hơn 2m, bảo đảm cho 2 trạm bơm phòng mặn tại đây hoạt động bình thường. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng, lưu lượng nước chảy về sông Yên thấp dần nên từ 16 giờ ngày 6-5, mực nước tại thượng lưu đập dâng An Trạch hạ thấp xuống dưới 2m.
Trước tình hình trên, lúc 17 giờ ngày 6-5, NMTĐ Sông Bung 4 đã vận hành xả nước để phát điện trong 6 giờ với lưu lượng cao, có lúc vận hành 2 tổ máy với lưu lượng tối đa đến 160m3/s để xả về hạ du hơn 2,17 triệu m3 nước. Trong khuya 6-5 và rạng sáng 7-5, các NMTĐ Sông Bung 5, Sông Bung 6 và Đăk Mi 4 cũng phối hợp xả nước về hạ du sông Vu Gia, làm mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch dâng lên lại mức 2m từ 10 giờ trưa 7-5.
Ông Hồ Minh Nam cho hay: “Lúc mực nước tại thượng lưu đập dâng An Trạch dâng lên 2m, Dawaco có thể vận hành được 3 máy bơm của trạm bơm phòng mặn An Trạch cũ để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước gia tăng của người dân, doanh nghiệp... do nắng nóng. Tổng công suất cấp nước toàn thành phố cao nhất là 348.000m3/ngày vào ngày 6-5. Đến nay, Dawaco vẫn đang bảo đảm cấp nước cho thành phố, chưa xảy ra thiếu nước sinh hoạt”.
Đến chiều 7-5, mực nước tại thượng lưu đập dâng An Trạch lại bị hạ thấp xuống dưới mức 2m. Tuy nhiên, theo Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung Lê Đình Bản: “Khi các đập dâng An Trạch, Thanh Quýt, Bàu Nít, Hà Thanh đóng kín thì nguồn nước từ các NMTĐ xả về dù không nhiều nhưng cũng sẽ làm cho mực nước tại thượng lưu đập dâng An Trạch luôn bảo đảm cho 2 trạm bơm phòng mặn tại đây hoạt động bình thường để cấp nước sinh hoạt cho thành phố”.
Theo TS. Lê Hùng, giảng viên Khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), các sở, đơn vị của 2 địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam cần nghiên cứu, thống nhất phương án phối hợp các hồ thủy điện, đập dâng... sao cho sử dụng nước hiệu quả trong thời gian sử dụng nước gia tăng cũng như bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất vụ hè thu và sinh hoạt của người dân đến cuối mùa cạn, đặc biệt là tránh tình trạng các NMTĐ xả nhiều nước như trước ngày 28-4.
HOÀNG HIỆP