Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát đại biểu dân cử

.

Nhằm thực hiện hiệu quả Đề án giám sát hoạt động đại biểu dân cử nhiệm kỳ 2021-2026, Mặt trận thành phố tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát tại Mặt trận cơ sở nhằm nắm bắt tình hình thực tiễn. Qua đó phát huy những kết quả tích cực, chỉ ra những hạn chế và hướng khắc phục đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu dân cử.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm phát biểu tại buổi giám sát hoạt động của đại biểu dân cử trên địa bàn quận Thanh Khê năm 2023. Ảnh: N.QUANG
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm phát biểu tại buổi giám sát hoạt động của đại biểu dân cử trên địa bàn quận Thanh Khê năm 2023. Ảnh: N.QUANG

Mới đây, Đoàn giám sát của Mặt trận thành phố triển khai hoạt động giám sát đại biểu dân cử tại phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) để nắm bắt kết quả thực hiện Đề án giám sát hoạt động của đại biểu dân cử năm 2022 và quý 1-2023. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Xuân Đỗ Thị Nhung cho biết, hằng năm Mặt trận phường xây dựng kế hoạch về thực hiện giám sát hoạt động của đại biểu dân cử và triển khai đến Mặt trận cơ sở và các tổ chức thành viên để nâng cao trách nhiệm giám sát đại biểu dân cử. Mặt trận phường gửi danh sách đại biểu dân cử các cấp cư trú tại địa bàn khu dân cư (KDC) để ban công tác Mặt trận thực hiện giám sát và báo cáo kết quả về Mặt trận phường.

Mặt trận phường theo dõi, giám sát đại biểu dân cử bằng nhiều hình thức như thông qua lịch tiếp công dân hằng tháng của các đại biểu; giám sát việc tiếp nhận đơn thư, ý kiến phản ánh trực tiếp… đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố. Qua giám sát, các đại biểu cơ bản tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc với cử tri, thể hiện tốt trách nhiệm của mình; báo cáo kết quả nội dung của kỳ họp, thông báo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri tại buổi tiếp xúc kỳ trước.

Đại biểu dân cử đã lắng nghe, tiếp thu và giải trình đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Các ý kiến, kiến nghị không thuộc thẩm quyền đều được tiếp thu và có trả lời cử tri bằng văn bản sau đó. Các ý kiến kiến nghị đối với nhóm vấn đề dịch bệnh, môi trường, quản lý đô thị được giải quyết nhanh chóng. “Mặt trận phường đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố cần tiếp tục tăng cường việc đi thực tế tại địa bàn nơi mình ứng cử để giám sát một số vấn đề mà cử tri bức xúc, kiến nghị nhiều lần qua các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng chưa được giải quyết…”, bà Nhung nói.

Trong khi đó, tại buổi giám sát tại phường Thuận Phước (quận Hải Châu), Mặt trận phường tập trung kiến nghị HĐND thành phố tiếp tục tổ chức cho cán bộ địa phương tham dự bằng hình thức trực tuyến các kỳ họp của HĐND thành phố nhằm theo dõi tình hình kỳ họp, để giám sát và nắm bắt thêm các chủ trương, nội dung mới của thành phố được kịp thời.

Đồng thời, cho rằng việc tổ chức đối thoại với nhân dân của chủ tịch UBND phường là rất phù hợp, nhưng nên bố trí thời điểm hợp lý hơn việc tổ chức đối thoại của chủ tịch UBND và tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố vì hai cuộc này đều nhằm phục vụ cho kỳ họp của HĐND thành phố. Hiện nay việc tổ chức hai cuộc này trong thời gian quá gần nên cử tri phải tham gia nhiều lượt tiếp xúc, các ý kiến sẽ lặp lại.

Tại quận Thanh Khê, Mặt trận quận cho biết, hiện tổng số đại biểu dân cử đang được Mặt trận quận giám sát là 18 đại biểu. Trong đó có 3 đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố; 9 đại biểu HĐND thành phố và 6 đại biểu dân cử không ứng cử trên địa bàn quận nhưng cư trú trên địa bàn quận. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê Phạm Ngọc Tuấn cho biết, trong năm 2022 và quý 1-2023, các đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Thanh Khê tham gia đầy đủ các buổi đối thoại với nhân dân của chủ tịch UBND quận, chủ tịch UBND 10 phường trước các kỳ họp HĐND thành phố.

Trong năm 2022 và quý 1 năm 2023, các đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Thanh Khê đi cơ sở 76 lượt để thực hiện các nội dung giám sát, nắm bắt tình hình tại cơ sở.  “Để phát huy tốt hơn vai trò của người đại biểu dân cử, Mặt trận quận kiến nghị cần tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố chuyên trách; đề nghị các đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Thanh Khê định kỳ 6 tháng và 1 năm thông báo kết quả hoạt động của đại biểu dân cử về Mặt trận quận để tiện cho việc tổng hợp, theo dõi”, ông Tuấn nói.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm cho biết, trong tháng 4-2023, Mặt trận thành phố triển khai kế hoạch giám sát và hướng dẫn giám sát đại biểu dân cử năm 2023 tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), phường Thuận Phước (quận Hải Châu) và Mặt trận 3 quận: Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà. Qua hoạt động giám sát tại các đơn vị, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đánh giá cao việc chủ động triển khai thực hiện Đề án giám sát hoạt động của đại biểu dân cử nhiệm kỳ 2021-2026. Qua giám sát, các đoàn ghi nhận 19 ý kiến, kiến nghị của Mặt trận các cấp trong công tác triển khai giám sát hoạt động của đại biểu dân cử.

Theo đó, Mặt trận thành phố sẽ hướng dẫn cụ thể các nội dung thuộc thẩm quyền và phản ánh đến các cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết. Đồng thời, đề nghị Mặt trận các địa phương tiếp tục bám sát nội dung Đề án “Giám sát hoạt động của đại biểu dân cử nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn thành phố của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố Đà Nẵng”, kế hoạch hướng dẫn thực hiện năm 2023; tiếp tục triển khai hoạt động giám sát của đại biểu dân cử trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả, làm tiền đề cho những năm tiếp theo.

Mặt trận các cấp cần tích cực đồng hành, hỗ trợ hoạt động của đại biểu dân cử, góp phần giúp đại biểu hoàn thành trách nhiệm, lời hứa và xứng đáng với niềm tin của nhân dân địa bàn nơi mình ứng cử. Ngoài ra, cần tăng cường trách nhiệm, phối hợp đại biểu dân cử phụ trách địa bàn để hỗ trợ việc nắm bắt tình hình nhân dân và thông qua đó giám sát việc đi thực tế, liên hệ với địa phương nơi ứng cử của các đại biểu dân cử.

NGUYỄN QUANG

;
;
.
.
.
.
.