Thôn Phú Túc khoác áo mới

.

Thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) nằm trên quốc lộ 14G, từng là thôn nghèo nhất xã. Nhưng nay đã thay da đổi thịt.

Cổng chào ngôi nhà Gươl Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) vừa được sửa mới và lót gạch tạo điều kiện cho người dân có nơi sinh hoạt, giao lưu thuận tiện hơn. Ảnh: H.T.V
Cổng chào ngôi nhà Gươl Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) vừa được sửa mới và lót gạch tạo điều kiện cho người dân có nơi sinh hoạt, giao lưu thuận tiện hơn. Ảnh: H.T.V

Thôn có khu thể dục thể thao, đường bê-tông rộng, hệ thống đèn chiếu sáng, nhiều địa điểm thu hút khách du lịch như khu di tích căn cứ huyện ủy Hòa Vang, Suối Hoa, Ngầm Đôi, Hòa Phú Thành, khu sinh thái Lái Thiêu, Suối khoáng nóng Núi Thần Tài… Thôn vừa hoàn thành sửa mới cổng chào ngôi nhà Gươl để người dân có không gian sinh hoạt rộng rãi hơn mỗi dịp lễ hội. Nhiều năm qua, nhờ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thôn Phú Túc như khoác chiếc áo mới như: bê-tông hóa toàn thôn, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên; xây dựng trường học, trạm xá; mạng lưới công nghệ thông tin được phủ sóng, môi trường cảnh quan trong thôn bảo đảm tiêu chí xanh, sạch, đẹp, nhà nào cũng có xe máy, tivi, trẻ em đến trường 100%... Đó là kết quả tích cực sự vào cuộc của Đảng ủy, chính quyền xã, các tổ chức, đoàn thể như Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã... đã tạo điều kiện thuận lợi, triển khai nhiều phong trào hiệu quả, góp phần xây dựng bộ mặt mới của xã miền núi.

Nói về sự đổi thay của thôn, ông Lê Văn Nghĩa, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Túc chia sẻ, thôn có 170 hộ dân, 29 hộ nghèo, năm ngoái đã thoát nghèo 12 hộ. Người dân sinh sống chủ yếu bằng canh tác trồng rừng, nuôi bò, heo rừng và ươm cây keo giống, bắp lai… Những năm gần đây, nhiều địa điểm du lịch tại thôn nở rộ, thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Vì thế, người dân có thêm nguồn thu nhập từ việc bán trái cây vườn nhà như mít, chuối, xoài, ổi, dừa… Đặc biệt, Tổ hợp tác nấu rượu cần đã tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống người dân, góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa người Cơtu về nghề nấu rượu cần. Bên cạnh đó, các mô hình xử lý rác thải để cải tạo nông thôn xanh - sạch - đẹp được thôn phát huy tích cực nhiều năm liền. Thôn cũng áp dụng quản lý nhân khẩu, sinh hoạt quần chúng nhân dân qua mạng xã hội để các đảng viên, hộ dân nắm bắt kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xã và thôn. Qua đó, sự tương tác và trao đổi thông tin giữa người dân, bí thư chi bộ, trưởng thôn được nhanh chóng. Đặc biệt, các hộ dân phát huy tinh thần đoàn kết, không để xảy ra tệ nạn xã hội, phát huy vai trò của quần chúng, không có thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật. Nhờ vậy, nhiều năm liền thôn Phú Túc được Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện Hòa Vang công nhận là thôn văn hóa, đạt danh hiệu thi đua tiên tiến, xuất sắc…

Ông Nghĩa cho hay, đã tham mưu xây dựng cổng vào ngôi nhà Gươl Phú Túc, biểu tượng đặc trưng văn hóa của người dân Cơtu. Sau thời gian bị xuống cấp, nay cổng chào được nới rộng, xây mới, lót gạch toàn bộ trên diện tích rộng 3.000m2 để người dân sinh hoạt, tổ chức lễ hội truyền thống như: lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa, lễ ăn mừng được mùa… Ngoài ra, trong khuôn viên nhà Gươl có sân bóng mini và công trình khu luyện tập thể dục, thể thao do Hội Nông dân thành phố và các quận hỗ trợ xây dựng gồm các máy tập thể dục thể thao để người dân có nơi giao lưu, tăng cường sức khỏe.

Ông Nguyễn Bình, người dân ở thôn Phú Túc cho biết: “Được chính quyền quan tâm và có nhiều sáng kiến góp phần xây dựng nông thôn mới nên đời sống người dân đỡ chật vật hơn trước đây. Ví như cổng chào ngôi nhà Gươl được sửa chữa, chúng tôi ai nấy đều phấn khởi. Bởi nó như ngôi nhà tinh thần để chúng tôi tụ họp mỗi buổi chiều sau ngày dài tất bật với công việc”.

Theo ông Nguyễn Văn Bửu, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, thôn Phú Túc ngày xưa chủ yếu người dân Cơtu sinh sống nên tập quán du canh du cư còn nặng nề. Năm 1986, làng Phú Túc thuộc xã Ba (H. Hiên, Quảng Nam - Đà Nẵng) được chuyển UBND xã Hòa Phú thì cuộc sống người dân dần cải thiện nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng, thay đổi tập quán sinh hoạt.

Về Phú Túc hôm nay, dịch vụ mua bán diễn ra nhộn nhịp, trẻ con nô đùa, người già tụ hội nơi ngôi nhà Gươl, điệu múa tung tung da dá được vài cô thôn nữ thể hiện, một bức tranh miền sơn cước hiện ra sẽ để lại ấn tượng đẹp cho bất cứ ai đến đây.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.