Ở xứ Quảng thời phong trào Duy Tân, có một nhân vật có tài diễn thuyết tiêu biểu nhất, hăng hái nhất, nhiệt huyết nhất, theo tôi đó là chí sĩ Trần Quý Cáp. Cụ sinh năm 1870 tại thôn Thai La, làng Bất Nhị, huyện Điện Bàn (nay là xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), hiệu Thai Xuyên, tự Dã Hàng, Thích Phu. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cha mất sớm, nhưng cụ nổi tiếng là người học giỏi nhất trường tỉnh.
Chí sĩ Trần Quý Cáp |
Thế nhưng trong khoa cử, lại lận đận, mãi đến năm 33 tuổi, cụ vẫn còn chân tú tài, trong khi đó các đồng môn đã là tiến sĩ, phó bảng. Dù vậy, tiếng tăm của cụ cũng vang lừng từ Nam chí Bắc. Khoa thi năm 1904, cụ đậu Nhất giáp Tiến sĩ, trên cả Hội nguyên Huỳnh Thúc Kháng và Đình nguyên Đặng Văn Thụy. Tuy đậu cao như vậy nhưng cụ Trần Quý Cáp vẫn cương quyết không ra làm quan.
Vậy, cụ làm gì? Cụ dạy học và làm “diễn thuyết”. Tại sao?
Từ một nhà nho của “cửa Khổng sân Trình”, cụ Trần Quý Cáp đã trở thành nhà nho cấp tiến, nhà nho dấn thân. Bấy giờ, đọc những tác phẩm có sức thuyết phục mãnh liệt khiến cụ dốc lòng đeo đuổi Tân học, chính là Thiên hạ đại thế luận của Nguyễn Lộ Trạch, Dân ước của J.J. Rousseau, Tinh thần pháp luật của Montesquieu…, dĩ nhiên là cụ đọc qua bản dịch Hán văn. Có người con thầy giáo họ Lê ngạc nhiên hỏi: “Anh không phải là do cử nghiệp mà ra hay sao, sao nay lại quay sang công kích những người học lối cử nghiệp”. Cụ trả lời: “Tôi cũng lấy làm lạ. Đầu óc tôi không hiểu từ bao giờ Tân học đã chiếm lĩnh, không còn chỗ cho nhà bát cổ sinh hoạt nữa! Biết làm sao bây giờ?”.
Có thể nói thời ấy, Tân thư có sức hấp dẫn rất lớn đối với sĩ phu nước nhà. Đang được bổ làm Thừa biện bộ Lễ, Phan Châu Trinh từ quan, còn Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp cương quyết không ra làm quan. Họ cho rằng chốn quan trường chẳng qua chỉ là nơi “túi áo giá cơm loàng xoàng vậy”. Năm 1905, cả ba cụ rủ nhau làm một chuyến Nam du, tự nguyện tuyên truyền tư tưởng Duy tân và thu nạp các bạn đồng chí hướng bàn chuyện cứu nước.
Sau đó, hai cụ Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp quay về lại Quảng Nam, còn cụ Phan Châu Trinh bị bệnh phải nằm điều trị ở Phan Thiết. Lúc trở về quê nhà, cụ Phan Bội Châu có khuyên cụ Trần Quý Cáp nên sang Nhật Bản, nhưng vì còn phải phụng dưỡng mẹ già nên cụ từ chối: “Người ta chỉ sợ không có chí độc lập, nếu có thì hà tất phải đi Đông, đi Tây”. Từ đó, với những câu thơ tràn đầy nhiệt huyết, với tài hùng biện hiếm có, cụ ròng rã đi tuyên truyền trong quần chúng. Trong tác phẩm Việt Nam nghĩa liệt sử do Phan Bội Châu và các chiến sĩ của phong trào Đông Du viết và xuất bản ở hải ngoại năm 1917, có kể lại hoạt động sôi nổi, lòng yêu nghề của chí sĩ Trần Quý Cáp - một nhà diễn thuyết kiệt xuất nhất Quảng Nam thời ấy:
“Ông đi khắp thôn quê thị thành, mưa nắng không nài để nói chuyện với dân chúng. Lúc thì kể chuyện Đông sang Tây, từ nhỏ đến lớn, vạch rõ các tập tục hủ lậu của nước ta, ngu hèn yếu đuối của dân ta và tỏ lòng đau xót. Ông nói như hát như khóc, như cười như mắng. Xét về kết luận thì công kích cựu học, khuyến khích dân tộc, khai thông dân trí đề xướng dân quyền, chỉ mấy việc ấy thôi, lúc đầu ông diễn giải, nhân dân người ta ít vui lòng nghe, có lúc họ cho ông Bất Nhị đã phát điên (Bất Nhị là tên làng và cũng là tên tự của ông). Nhưng ông là một ngôi sao trong học giới có danh vọng lúc bấy giờ, một người quân tử, nên càng được quần chúng tín ngưỡng.
Ông đã trở thành người chuyên đi tuyên truyền, giải thích không mệt mỏi để mở mang dân trí nên càng ngày nhân dân ta càng hoan nghênh ông. Vì thế các cuộc nói chuyện càng lâu càng đông người nghe. Ông lại càng nỗ lực làm việc. Có lúc đang giữa trưa, đi chân không lún dưới bùn, đứng dưới trời nắng chang chang mà vẫn nói chuyện, thao thao bất tuyệt, mồ hôi đầm đìa mà vẫn không dùng quạt. Nhờ ông diễn giải nhiều nên các danh từ “dân quyền”, “công lý” rộng khắp dân gian, người Pháp rất là căm ghét. Chúng cho mật thám lẫn lộn trong quần chúng để nghe ông nói những gì rồi tìm cớ buộc tội. Nhưng ông không nói gì phạm đến chính phủ cả, cho nên Pháp không thể buộc tội vào đâu được.
Có tên mật thám rất tức tối nói với người Pháp: “Không giết người này, vài năm nữa, nhân dân Nam Ngãi không thể trị được nữa!”. Người Pháp vẫn sẵn muốn giết ông, nhưng không có cớ gì. Bây giờ, nghe lời tên mật thám kia thì rất mừng mà nói rằng: “Nay hãy đổi hắn đi nơi xa để hắn không làm gì được, rồi hãy tìm cớ mà giết đi. Tôi cho anh cùng đi với hắn, khéo dò xét hắn, thì tính mạng hắn chỉ nay mai là xong đời” (Bản dịch Tôn Quang Phiệt - NXB Văn học,1972).
Âm mưu này, cụ Trần Quý Cáp có lường trước không? Tôi nghĩ là có, bằng chứng là Việt Nam nghĩa liệt sử có ghi lại, nhưng rồi với sứ mệnh của một nhà diễn thuyết chân chính - là người có nhiệm vụ gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh quốc dân, cụ vẫn không chùn bước, cụ bảo: “Báo chí thì do người Pháp, chúng còn ngu dân không hy vọng gì. Chỉ còn diễn thuyết mà thôi. Có cắt lưỡi tôi đi thì thôi. Nếu không thì lưỡi tôi là quyền của tôi, không thể lấy đầu tôi mà đổi lưỡi tôi được”.
Từ câu nói này, ta nhớ đến trường hợp của cụ Phan Châu Trinh: Sau phong trào chống sưu thuế nổ ra ở Trung Kỳ (1908), cụ Phan Châu Trinh bị bắt tại Hà Nội, giải về Huế. Ngay lúc bước ra cửa ngục Phủ Thừa, bị đưa đi đày Côn Đảo, cụ ứng khẩu khoái trá: “Khảng khái bi ca, thiệt thượng tồn” (Buồn hát một cách khảng khái, lưỡi vẫn còn). Còn lưỡi là còn nói, còn diễn thuyết, còn trình bày quan điểm - cụ hăng hái đến độ cụ Phan Bội Châu ghi nhận: “Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng, nhà cường quyền trông gió cũng gai ghê”.
Đền thờ chí sĩ Trần Quý Cáp được nhân dân xây dựng năm 1970 tại nơi ông qua đời (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) được xếp hạng di tích văn hóa, lịch sử vào ngày 30-8-1991. Ảnh: K.H |
Với sự diễn thuyết - một cách làm “báo nói” của thời ấy, các cụ nhà-nho-tân học đã làm được biết bao nhiêu điều ích nước lợi dân, đã góp phần quyết định thúc đẩy phong trào Duy Tân từ đầu thế kỷ XX. Tất cả đều xứng đáng nhận lời tuyên dương như cụ Phan Bội Châu đã dành cho cụ Trần Quý Cáp (Tôn Quang Phiệt dịch):
Giống nước muốn tươi gieo mới được,
Lưỡi gươm gặp lúc có mềm đâu.
Hồn thiêng đánh ngã cường quyền xuống,
Máu nóng vì chưng chính nghĩa trào.
Ngày nay, công việc nghề báo đã trở thành một công nghệ chuyên nghiệp, nhà báo được mọi người kính trọng, yêu mến vì họ là những chiến sĩ tiên phong có tài đức, sử dụng ngòi bút như một vũ khí sắc bén và hữu hiệu để đấu tranh cho nguyện vọng chính đáng của mọi người dân trong cộng đồng. Nhưng trước đó, vai trò của tiếng nói qua diễn thuyết cũng chính là một cách làm báo/ báo nói mà các nhà nho Duy Tân ý thức vận dụng để tuyên truyền quần chúng rất hiệu quả.
LÊ MINH QUỐC