Đề nghị kéo dài thêm thời gian giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến năm 2024

.

ĐNO - Chiều 1-6, thảo luận ở hội trường về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022, đại biểu Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đề nghị Chính phủ cân nhắc cần kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách này cho đến hết năm 2024.

Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: VŨ HƯNG
Đại biểu Trần Chí Cường - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: VŨ HƯNG

Đại biểu Trần Chí Cường tán thành cao việc cần thiết tiếp tục có những giải pháp và chính sách để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức hiện nay.

Chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng ban hành tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 được thực hiện trong năm 2022 và đã hết hiệu lực thi hành vào cuối năm 2022.

Qua gần nửa năm 2023 không tiếp tục thực hiện chính sách này; Chính phủ đề xuất cho tiếp tục áp dụng chính sách này là rất cần thiết, sẽ góp phần trong việc giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng trong nhân dân; làm gia tăng chi tiêu, tăng sức mua; giảm bớt áp lực về giá cả; thúc đẩy để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, gia tăng sản xuất và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Vì vậy, đại biểu Cường nhất trí cao với đề xuất của Chính phủ.

Theo đại biểu, với việc thực hiện chính sách không liên tục, đã bị ngắt quãng 6 tháng; nay đề xuất tiếp tục cho triển khai chỉ trong 6 tháng cuối năm (từ tháng 7-2023 đến hết tháng 12-2023) thì thời gian thực hiện như vậy là quá ngắn.

Việc tiếp tục áp dụng chính sách này chỉ trong thời gian ngắn sẽ khó đạt được hiệu quả như mong đợi. Mặc dù trong giai đoạn 6 tháng cuối năm sẽ có những thời điểm nếu giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tạo thêm điều kiện để tăng chi tiêu, kích cầu tiêu dùng, tăng sức mua, ví dụ như thời điểm chuẩn bị vào năm học mới, dịp lễ tết cuối năm...

Tuy nhiên, cũng sẽ có một số yếu tố như việc tăng giá điện, tăng lương cơ sở có khả năng tác động làm tăng mặt bằng giá cả, và như vậy cũng sẽ có tác động đến việc thúc đẩy mục tiêu tiêu dùng và hiệu quả mong đợi từ chính sách này. Do đó, đề nghị cần đánh giá kỹ lại việc kéo dài thêm 6 tháng cuối năm đã đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng, đủ để đạt được các mục tiêu đề ra hay không?

Thứ hai là, với việc thực hiện chính sách không liên tục, đối với những địa phương có ngành dịch vụ phát triển, nguồn thu ngân sách từ thu thuế giá trị gia tăng có tỷ trọng lớn sẽ bị tác động rất lớn khi thực hiện chính sách, dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối ngân sách, phải điều chỉnh dự toán thu và nhiệm vụ chi.

Nếu chỉ thực hiện trong 6 tháng cuối năm thì khó chủ động được cho việc điều chỉnh dự toán cân đối thu, chi ngân sách của những tháng cuối năm 2023, cũng như xây dựng dự toán thu - chi của cả năm 2024. Việc dự kiến thu ngân sách sẽ giảm khoảng 24.000 tỷ khi thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đang được xác định trong điều kiện mức tiêu thụ bình thường.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng (ngoài cùng, hàng đầu) cùng các đại biểu Quốc hội thành phố dự buổi thảo luận tại hội trường ngày 1-6. Ảnh: VŨ HƯNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng (ngoài cùng, hàng đầu) cùng các đại biểu Quốc hội thành phố dự buổi thảo luận tại hội trường ngày 1-6. Ảnh: VŨ HƯNG

Tuy nhiên, trường hợp nếu chúng ta thực hiện chính sách giảm thuế đạt hiệu quả, vừa kích thích nhu cầu tiêu dùng tăng cao thì mặc dù giảm 2% nguồn thu từ sắc thuế này nhưng đối với mức thu thuế còn lại 8% cộng với phát sinh tăng thu từ các nguồn thuế khác khi chi tiêu của người dân, doanh nghiệp được kích thích đẩy mạnh, vẫn có thể giúp nguồn thu ngân sách tăng cao như kết quả đạt được khi thực hiện chính sách này trong năm 2022. Như vậy hướng tích cực có thể giúp hạn chế một phần tác động của việc giảm nguồn thu của ngân sách Nhà nước.

Do đó, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị cân nhắc cần kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách này cho đến hết năm 2024. Chính sách ban hành cũng cần có một khoảng thời gian đủ để bảo đảm có thể hấp thụ và đưa chính sách đi vào trong cuộc sống; để các địa phương có thể chủ động tính toán, cân đối việc giảm nguồn thu, giảm chi hoặc ngược lại; bảo đảm cho việc lập dự toán, cân đối thu chi của năm sau; bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm tạo ra những chính sách bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và toàn diện hơn, không chỉ ở hoạt động dịch vụ, tiêu dùng, mà ngay cả hoạt động sản xuất kinh doanh; nhất là tháo gỡ khó khăn từ chi phí đầu vào trong sản xuất đến tìm kiếm, mở rộng thị trường cho đầu ra, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong dự báo nhiều khó khăn.

N.PHÚ – VŨ HƯNG


 

;
;
.
.
.
.
.