Trước xu thế mưa cực đoan do biến đổi khí hậu, các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai các biện pháp công trình, phi công trình chống ngập úng ở khu vực trung tâm thành phố trước mùa mưa bão đến. Nguồn lực đầu tư cũng tăng thêm với dự kiến 1.000 tỷ đồng.
Hầm chui đường Điện Biên Phủ bị ngập sâu từ tối 14 đến ngày 15-10-2022 và phải khắc phục trong thời gian lâu do tác động từ nguồn nước ở sân bay Đà Nẵng chảy ra. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Tìm giải pháp thoát nước căn cơ
Trong bản tin cập nhật tình trạng El Nino vào ngày 15-6, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, El Nino làm tăng tính biến động của mưa ở Việt Nam. Từ thực tế và cảnh báo nói trên cũng như xu thế mưa cực đoan do biến đổi khí hậu, các địa phương, đơn vị không chủ quan với ngập úng đô thị trong mùa mưa bão đến.
Theo UBND quận Hải Châu, trong các đợt mưa lớn xảy ra những năm qua, một số khu vực của phường Thanh Bình và Thuận Phước bị ngập do trạm bơm chống ngập đã hoạt động nhưng vẫn không thoát nước kịp. Quận đã đề nghị các đơn vị, cơ quan chuyên môn đánh giá tổng thể các trạm bơm chống ngập và thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng để các máy bơm hoạt động tốt khi xảy ra mưa lớn.
Bên cạnh đó, quận có nhiều tuyến đường có cao trình thấp, hệ thống cống thoát nước nhỏ, đã lâu năm chưa được đầu tư, cải tạo, nhất là khu vực ngã tư đường Phan Đăng Lưu - Lê Thanh Nghị, Xô Viết Nghệ Tĩnh - Lê Thanh Nghị, Phan Đăng Lưu - Núi Thành, Trương Chí Cương - Nguyễn Hanh - Thăng Long, Trương Chí Cương - Lê Anh Xuân, đường Nguyễn Xuân Nhĩ... nên thường xuyên bị ngập nặng khi có mưa lớn; quận đề nghị UBND thành phố đầu tư, cải tạo hệ thống cống, nâng cao trình mặt đường để bảo đảm thoát nước, hạn chế ngập sâu.
Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Phan Thị Thắng Lợi cho biết: “Quận đã chỉ đạo các phường, phòng chuyên môn chủ động triển khai phòng, chống ngập úng, ngập lụt diện rộng tại các địa bàn dân cư, tuyến đường..., nhất là các khu vực dân cư trũng thấp. Các phường tuyên truyền, tập huấn cho nhân dân và các lực lượng xung kích nhằm nâng cao kiến thức, năng lực ứng phó thiên tai. Các phòng chuyên môn phối hợp triển khai nạo vét mương, cống thoát nước”.
Phó phòng Quản lý đô thị quận Thanh Khê Lê Hữu Đức cho hay, trên địa bàn quận có 14 vị trí thường hay xảy ra ngập úng cục bộ khi có mưa lớn kéo dài. Trong đó, vị trí ngập úng ở đường Hà Huy Tập đoạn trước Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ và khu vực phía tây hồ điều tiết thuộc Khu dân cư Phần Lăng 2 (giai đoạn 2) đã hoàn thành thi công công trình chống ngập.
Quận Thanh Khê đang phối hợp, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành các công trình chống ngập úng trong năm 2023 tại 5 vị trí thường hay ngập gồm: kiệt 818 Trần Cao Vân; cống thoát nước liên phường đoạn từ kiệt 96 Điện Biên Phủ đến kiệt 35 Hà Huy Tập; cống thoát nước liên phường trước chợ Tân Chính; công trình xử lý ngập úng khu vực ngã tư đường Nguyễn Đức Trung - Kỳ Đồng; công trình xử lý ngập úng tại khu vực tổ 1, 2, 5 và 6, phường Thanh Khê Tây.
Riêng đối với đoạn cuối tuyến cống thoát nước khu vực Khe Cạn (phường Thanh Khê Tây), UBND thành phố đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng phối hợp nghiên cứu đề xuất các phương án đầu tư hạ tầng, bố trí tái định cư tại khu vực để bảo đảm an sinh xã hội cho các hộ dân.
Đối với 6 vị trí thường hay ngập úng cục bộ còn lại (đường Lê Duẩn đoạn từ đường Ông Ích Khiêm đến Hoàng Hoa Thám; khu vực xung quanh hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung; ngã tư đường Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi; ngã ba Lê Đình Lý - Đỗ Quang; đường Trần Cao Vân đoạn trước Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 và đoạn trước số nhà từ 760-770 Trần Cao Vân, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng thường xuyên nạo vét bùn, đất, rác... trong cống và cải tạo, thay thế các cửa thu nước mưa bị hư hỏng. Công ty đang phối hợp vận hành các trạm bơm chống ngập cuối đường Ông Ích Khiêm và vận hành các hồ Công viên 29 Tháng 3, hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung... để hạn chế ngập úng.
Lực lượng xung kích phường Chính Gián, quận Thanh Khê di chuyển vào hỗ trợ người dân ở khu vực kiệt của đường Thái Thị Bôi bị ngập sâu vào chiều 15-10-2022. Ảnh: H.H |
Đề xuất 1.000 tỷ đồng đầu tư chống ngập úng đô thị
Mới đây, dựa trên vết lũ sau trận mưa lịch sử xảy ra vào ngày 14-10-2022, TS. Lê Hùng, giảng viên Khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã lập bản đồ ngập lụt quận Thanh Khê và một phần quận Hải Châu cho thấy, gần như toàn bộ diện tích bên ngoài sân bay bị ngập lụt, có nhiều nơi ngập sâu.
Theo Sở Xây dựng, trong các đợt mưa lớn gây ngập úng nặng và ngập lụt trên diện rộng những năm vừa qua, một số khu vực giáp sân bay Đà Nẵng và dọc theo các hướng thoát nước từ sân bay đổ ra bị ngập sâu do diện tích ở sân bay quá rộng và cao nên lượng nước chảy ra lớn. Sở Xây dựng đã đề xuất UBND thành phố phương án điều tiết, xử lý thoát nước ở sân bay Đà Nẵng và chống ngập cho khu vực xung quanh sân bay, chống ngập úng đô thị tổng thể với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.
Trong thời gian chờ đợi việc đầu tư các công trình chống ngập, xử lý thoát nước, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, trước mắt, TS. Lê Hùng đề nghị các địa phương hoàn thiện các bản đồ ngập lụt chi tiết đến cấp phường ứng với các cấp độ mưa và thủy triều; xây dựng phương án cảnh báo theo thời gian thực kết hợp với các bản đồ ngập lụt để ứng phó kịp thời và chính xác.
Đồng thời, xây dựng bản đồ chi tiết về di dời dân, nhất là ở các vùng trũng thấp và có các chỉ dẫn về hướng di chuyển, các vị trí cao để dân sơ tán đến. Cùng với đó, nâng cao năng lực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để có thể kịp thời chủ động ứng phó các tình huống thiên tai, nhất là mưa lớn kết hợp nước biển và sông Hàn dâng cao.
HOÀNG HIỆP