Trung tuần từ 19 đến 25-6, những thông tin thời sự được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Bế mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV - kỳ họp đổi mới, dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm; thống nhất giảm thuế VAT 2%, nhưng không mở rộng thêm đối tượng; giải báo chí quốc gia vinh danh những nhà báo dấn thân; khởi công đường Vành đai 4 Hà Nội; ngăn làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần; sẵn sàng các kịch bản phòng chống bệnh tay chân miệng nặng tăng cao...
Phiên họp Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Bế mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Kỳ họp đổi mới, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm
Sau 23 ngày làm việc với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV đã thành công tốt đẹp. Nhiều đại biểu cho rằng, Kỳ họp này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng công phu, hợp lý và hiệu quả. Kỳ họp đã được cân nhắc kỹ, rút ngắn tối đa để tiết kiệm thời gian, chi phí, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và phù hợp với điều kiện, tình hình công việc chung của đất nước.
Các nội dung lập pháp đã được Ủy ban Thường vụ chuẩn bị kỹ lưỡng, được Quốc hội quyết định kịp thời và đúng đắn. Đó cũng chính là mệnh lệnh từ thực tiễn, hiện là điểm nghẽn, vướng mắc trong mọi mặt, từ cuộc sống của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, bốn dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có nhiều nội dung liên thông chặt chẽ với nhau và có tầm quan trọng đặc biệt đối với đất nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh:Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp, xác định cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn hoàn thành, làm cơ sở để giám sát việc thực hiện, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện nghiêm túc các cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước, vừa kịp thời khắc phục hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa phải tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài trong từng lĩnh vực được chất vấn.
Quốc hội cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận các báo cáo, tờ trình của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022. Tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cơ cấu lại thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường khoa học, công nghệ, thị trường lao động. Thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
Với không khí làm việc rất sôi nổi, dân chủ và đoàn kết, trong 23 ngày làm việc của Kỳ họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 8 luật, 17 nghị quyết đều với tỷ lệ tán thành rất cao. Đồng thời, đã cho ý kiến lần đầu 8 dự án luật, thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác. Đại diện Hội đồng nhân dân của 63 tỉnh, thành phố dự thính để theo dõi trực tiếp một số phiên họp toàn thể của Quốc hội, tiếp tục tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp, gắn bó chặt chẽ và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của các cơ quan dân cử ở trung ương và các địa phương.
Quốc hội thống nhất giảm thuế VAT 2%, nhưng không mở rộng thêm đối tượng
Tuần qua, Quốc hội đã đồng ý giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% từ ngày 1-7 đến cuối năm nay, trừ nhóm hàng viễn thông, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng. Liên quan đến giảm thuế VAT, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế VAT 2% để áp dụng với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%, nâng mức giảm lên 3%, 4% hoặc 5% và kéo dài thời gian áp dụng chính sách đến giữa năm 2024 hoặc hết năm 2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu mở rộng hơn nữa phạm vi, mức độ giảm thuế VAT sẽ tác động, ảnh hưởng nhiều đến thu NSNN, Chính phủ chưa có tính toán và đánh giá đầy đủ về tác động của chính sách, nhất là trong bối cảnh thu NSNN các tháng đầu năm giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ phạm vi và mức độ giảm thuế VAT như dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 kết quả thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT cùng với kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 để Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế (nếu có).
Giải Báo chí quốc gia năm 2022: Vinh danh những nhà báo dấn thân, sáng tạo
Tối 21-6, hàng trăm nhà báo từ khắp mọi miền đất nước đã tụ hội về Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội dự Lễ tổng kết và trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII năm 2022 - giải thưởng cao quý nhất tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc, có đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà; tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất trong năm 2022. Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia năm 2022 đã bỏ phiếu lựa chọn 123 tác phẩm xuất sắc để trao giải, trong đó có 8 giải A, 24 giải B, 46 giải C, 45 giải Khuyến khích.
Các nhà báo đạt giải đều bày tỏ niềm vui, xúc động và niềm vinh dự, tự hào trong quá trình tác nghiệp, hy sinh nhiều mồ hôi, công sức, quyết tâm điều tra, phản ánh chân thực, sinh động các vấn đề nóng, thời sự, đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Từ những câu chuyện nghề cho thấy, đằng sau mỗi tác phẩm báo chí đạt giải là những nhà báo lăn xả, dấn thân với nghề, đương đầu với những khó khăn, thử thách để sáng tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng, phản ánh những vấn đề nóng của xã hội, khẳng định những đóng góp quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam đối với sự phát triển của xã hội, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Khởi công đường Vành đai 4 Hà Nội
Tuần qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT phối hợp với UBND TP Hà Nội đã khởi công dự án đường Vành đai 4 Thủ đô. Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần (3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Tổng chiều dài dự án gần 113 km; trong đó, đoạn tuyến trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 58,2 km; đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3 km; đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3 km.
Dự án được đầu tư phân kỳ đường cao tốc với quy mô 4/6 làn xe, hạn chế tốc độ 80 km/giờ với bề rộng 17 m. Đầu tư phân kỳ đường song hành (không liên tục) với quy mô mỗi bên có bề rộng 12 m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 85.813 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.027.
Ngăn làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần
Cũng trong tuần qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) công bố, số người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) khoảng 5 năm trở lại đây có xu hướng tăng. Trước năm 2019, số người rút BHXH một lần bình quân một năm khoảng 500.000 người, đến năm 2022 tăng lên gần 900.000 người. Tình trạng này dẫn đến số người rút cũng gần bằng số người tham gia BHXH hàng năm và là nguy cơ với hệ thống an sinh xã hội. Nguyên nhân rút BHXH một lần do đời sống, thu nhập của người lao động ở mức thấp, khó khăn, người lao động cần có một khoản để dành nên rút BHXH một lần. Đối tượng rút chủ yếu là công nhân lao động và khu vực phía Nam chiếm tới 72%...
Khu vực tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của BHXH tỉnh Cà Mau. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN |
Trước thực tế trên, Bộ LĐTBXH yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền cho người lao động hiểu tác hại rút một lần; triển khai những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này; minh bạch thu chi BHXH... để người lao động yên tâm đóng góp, tránh suy nghĩ "không biết sau này tiền đóng bảo hiểm có được lấy hay không?". Hai phương án rút BHXH một lần trong dự Luật BHXH (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó có ý kiến đồng tình với phương án cho rút 50%, giữ lại 50%, nhưng cũng có nhiều ý kiến còn băn khoăn.
Sẵn sàng các kịch bản phòng chống bệnh tay chân miệng nặng tăng cao
Đáng chú ý trong tuần qua, số ca mắc và số ca nặng nhập viện do bệnh tay chân miệng tại các tỉnh phía Nam đang tăng cao. Điều lo ngại nhất hiện nay của các bác sĩ là nguy cơ thiếu thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân nặng, quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Tại các bệnh viện nhi tại TP Hồ Chí Minh, số trẻ nhập viện do bệnh tay chân miệng liên tục tăng trong tình trạng nặng, nguy kịch và lọc máu ngày càng nhiều. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong 6 tháng đầu năm có 2.583 trẻ đến khám và 431 trẻ nhập viện vì tay chân miệng. Trong đó, 24 ca nặng và 4 ca tử vong (ở tỉnh chuyển lên). Hiện, bệnh viện có 68 ca tay chân miệng nội trú với 6 ca thở máy, 1 ca lọc máu...
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu ba bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp tục phối hợp với OUCRU giải trình tự gene, xác định các genotype gây bệnh nặng của EV71 từ các bệnh phẩm của các bệnh nhân tay chân miệng. Bên cạnh đó, Ngành Y tế vận động mọi người dân, đặc biệt là các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh như sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất. Theo dõi sát khi trẻ bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng như giật mình, sốt cao liên tục, quấy khóc liên tục, mạch nhanh, đã nổi bông tím, yếu tay chân.
Theo Baotintuc.vn