PHAN KHÔI - nhà báo tự học

.

Lớp hậu sinh chúng ta đều biết học giả, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà thơ, nhà văn, nhà báo Phan Khôi (1887-1959) là người con kiệt xuất của Quảng Nam. Nhưng ít ai biết, để trở thành “ngự sử trên văn đàn” như ông, khả năng và nỗ lực tự học của ông là tấm gương mà không phải ai cũng theo kịp.

Người con hiếu thảo

Sau này đọc lại những tư liệu về Phan Khôi, nhất là những bài viết, hồi ức của các con ông, ta biết thêm rằng ông không chỉ là người con hiếu thảo trong gia đình và họ hàng mà còn đối với cả quê hương là làng Bảo An (xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) và bà con tộc Phan ở mọi miền đất nước. Người con út của ông là Phan An Sa từng viết về cha mình: “Bà con dòng dõi tộc Phan là mạch sáng của ông, ở làng Bảo An, ở Quảng Nam, ở Đà Nẵng, ở Hà Nội, ở khắp dải đất hình chứ S yêu quý, ở khắp chốn cùng nơi trên trái đất bao la và vĩ đại…”.

Người con gái Phan Khôi, nhà văn Phan Thị Mỹ Khanh và cả ông An Sa đều mô tả cụ Phan là người con hiếu thảo, người chồng có trách nhiệm với gia đình theo nền nếp Nho giáo. Cụ Phan là con trai duy nhất lại mồ côi mẹ từ năm 9 tuổi, nhưng ngay từ thuở nhỏ, cụ đã một mực nghe theo lời dạy của cha, rồi của cậu. Khi ra Huế học trường Pellerin, khi về nghỉ Tết đã nghe lời cha đi hỏi vợ để nối dõi. Vợ ông là bà Lương Thị Tuệ, con gái đầu của nhà nho Lương Thúc Kỳ. Họ có với nhau 8 người con. Bà ở nhà lo cho cha chồng, lo mọi việc giỗ quảy và nuôi con, trong khi ông bôn ba với chí tiến thủ của mình. Nhưng theo lời kể, khi làm thư ký cho đại gia Bạch Thái Bưởi ở Hà Nội hay lúc đi viết báo, cụ đều dè sẻn trong chi tiêu để có tiền gởi về phụ giúp vợ con.

Thân sinh ông là cụ Phan Trân, theo hồi ức của Phan An Sa, vẫn thư từ cho con trai thường xuyên. Một trong những lý do Phan Khôi bỏ việc ở công ty Bạch Thái Bưởi dù lương khá cao là nghe theo lời khuyên của cụ Phan Trân: “Làm chi thì làm, chớ việc chi lại đến nỗi đi làm công cho thằng cha trọc phú ở tận Hải Phòng?”. Không chỉ hiếu đạo trong gia đình, ông còn là người có trách nhiệm với anh chị em nhà chú bác trong tộc. Ông Phan Vịnh có viết trong hồi ký “Phan Thanh, anh là ai?” đã kể chuyện Phan Khôi đi hỏi vợ cho Phan Thanh theo “kiểu mới” như sau: Năm 1927, Phan Khôi về quê ăn Tết, nghe chuyện trắc trở tình duyên giữa Phan Thanh và bà Lê Thị Xuyến do gia đình nhà gái chê ông Thanh không có sự nghiệp… Cụ Phan đã lên tận Đại Lộc, vào nhà bác nuôi bà Xuyến để hỏi cho ra lẽ. Cụ hỏi han bà Xuyến, vốn là học sinh trường Tây ở Huế, bằng vốn tiếng Pháp tự học của mình để tìm hiểu nguyên do và cả ý nguyện của đôi bên. Sau đó, đã thuyết phục được gia đình bà Xuyến đồng ý cho kết hôn với Phan Thanh.

Một số tác phẩm của tác giả Phan Khôi do nhà phê bình Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn.
Một số tác phẩm của tác giả Phan Khôi do nhà phê bình Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn.

Luôn là người tự học

Phan Khôi là con nhà dòng dõi nho gia, được người lớn dạy cho chữ nho từ nhỏ. Ông cũng từng mở lớp dạy chữ nho tại nhà. Nhưng khi chữ nho không còn được trọng dụng, ông lại là người đi đầu trong việc học chữ quốc ngữ và chữ Pháp để theo kịp đời sống mới và hướng tới mục đích viết báo, cùng hoạt động tích cực trong phong trào Duy Tân, theo Phan Châu Trinh khởi xướng phong trào cúp tóc (thế phát) và tham gia dạy các lớp học Duy Tân ở Phong Thử, An Phước... Nhưng nổi bật trong cuộc đời ông chính là khả năng tự học để vươn lên. Một mặt ông chê bai, lên án chế độ khoa cử lạc hậu, vô bổ, mặt khác là: “Tôi bao giờ cũng không bỏ sự tự học” (Việt Bắc, 1953). Con út của ông kể lại: “Chính nhờ sự tự học mà Phan Khôi đã hiểu và nắm rất chắc một phần rất quan trọng của tinh thần Tây học, đó là luận lý học… Ông là người tiên phong trong việc áp dụng khoa học logic trong nghệ thuật viết văn tiếng Việt… (Phan An Sa, Tôi với thầy tôi).

Trở lại chuyện tự học của học giả Phan Khôi, ta không quên quay lại những ngày ông bị chế độ giáo dục cũ đánh xuống “cái Tú tài” trong kỳ thi Hương năm Bính Ngọ 1906. Với phong trào Duy Tân, Phan Khôi bắt đầu học chữ quốc ngữ, từ sự hình thành và các mẹo luật, ngữ pháp của tiếng Việt. Sau này, từ những năm 1946-1954-1955, ông tiếp tục nghiên cứu sâu và ứng dụng tiếng Việt trong các bài báo của mình, để sau đó xuất bản cuốn Việt Ngữ nghiên cứu tại Hà Nội vào thời đó.

Người ta sau này lại nhắc chuyện ông tham gia dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt trong 5 năm trời, nhưng ít ai biết cụ thể ông cũng đã kiên trì tự học tiếng Pháp từ rất sớm, kể cả ra Huế xin vào trường Tây học thêm và ngồi chung với những đứa trẻ chỉ bằng nửa tuổi mình vào năm ông đã 23 tuổi. Trước đó, khi còn ở Quảng Nam, ông đã tìm đến nhà Duy Tân Phan Thành Tài, thầy Lê Hiên ở Bến Đền. Thầy Lê Hiên từng kể với người thân của Phan Khôi: “Anh ấy rất sáng dạ và học ra học, hỏi đến nơi đến chốn, cái gì cũng tìm hiểu đến ngọn ngành, có nhiều cái anh hỏi tôi phải chịu bí…”.

Đến đầu năm 1908, Phan Khôi được Phan Châu Trinh cử đi Hà Nội để tìm thầy học cao hơn. Nhưng bị lùng sục sau cuộc chống sưu thuế ở quê nhà, nên cùng Mai Dị, Nguyễn Bá Trác tránh xuống Nam Định. Tại đây họ được cụ Nguyễn Bá Học dạy trong hai tháng, sau đó trở về Hà Nội và bị bắt. Phan Khôi bị kết án 3 năm và đưa về giam ở nhà lao Hội An, bị khử luôn cái bằng tú tài trước đó. Trong tù, cụ Phan lại tìm được vài cuốn sách và từ điển tiếng Pháp, lại được các bạn tù dạy thêm trước khi ra Huế khi vừa hết hạn tù. Các con ông kể, sau mấy tháng học ở Huế, ông phải bỏ học quay về thọ tang bà nội, rồi tiếp tục tự học tiếng Pháp, tra từ điển, đọc sách “như cơm ăn nước uống hằng ngày”… Mười năm sau (1921), sau khi từ giã công việc ở công ty Bạch Thái Bưởi, ông lên Hà Nội viết báo và được vợ chồng mục sư Cadman  ở Hội thánh Tin lành mới tham gia dịch bộ Kinh Thánh ra quốc ngữ cho đến năm 1925, tức đến nay đã gần một thế kỷ, trong đó Phan Khôi là người trọng yếu, dịch một phần ba Cựu ước và toàn bộ Tân Ước. “Tôi dụng công trọn 5 năm dịch Kinh Thánh, cố nhiên để kiếm được nhiều tiền, mà cũng để xây dựng một lối văn Việt Nam thuần túy hơn và xứng đáng hơn”, như sau này ông đã kể.

Việc tự học tiếng Pháp của Phan Khôi đã giúp ông tiếp cận nền văn hóa Pháp, để viết được các bài báo trực tiếp bằng tiếng Pháp gửi in ở Sài Gòn với sự giúp đỡ của nhà báo Eugene Dejean de la Baatie - là bạn ông. Với vốn kiến thức Hán văn, quốc ngữ và tiếng Pháp tự học như đã kể, các con ông đều cho rằng nhờ vậy mà Phan Khôi sau này đã dịch ra tiếng Việt nhiều tác phẩm bất hủ của Alexandre Dumas, Eroshenco, Gorki, Lỗ Tấn từ rất sớm…

Không nhắc lại sự nghiệp đồ sộ của Phan Khôi mà nhiều tác giả đã đề cập. Ở đây, người viết chỉ nhấn mạnh đến hai tính cách nổi bật của con người ông: lòng hiếu thảo, trách nhiệm với gia đình và ý chí tự học. Hai khía cạnh ấy vừa được hun đúc từ nền tảng giáo dục gia đình, ý chí và sự thôi thúc của thời cuộc. Một nhà báo, học giả như ông, hai tính cách ấy đã làm nên một “ngự sử trên văn đàn” như người đời đã xưng tụng. Điều đó, sau một thế kỷ nhìn lại, nhiều nhà báo chúng ta ngày nay có lẽ sẽ rút ra những bài học cho chính mình. “Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết đến ông chủ yếu với những gì ông viết ra đăng lên báo chí, nhưng qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn. Là nhà tư tưởng, Phan Khôi đặt ra hàng loạt vấn đề về phê phán Khổng giáo, tiếp nhận tư tưởng Âu Tây, nữ quyền. Ông cũng là nhà Hán học, Trung Quốc học, am hiểu những vấn đề của xã hội Trung Quốc đương thời, một dịch giả, nhà Việt ngữ học, nhà văn xuôi và một nhà phê bình văn học…”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, sau khi thực hiện một công trình dài hơi “Phan Khôi, tác phẩm đăng báo” từ năm 1917 đến 1958 với hơn 4.000 trang sách khổ lớn, đã có đánh giá tổng quan như trên về sự nghiệp của Phan Khôi. 

“Sự nghiệp đồ sộ của Phan Khôi đều do tự học mà có…”, tôi muốn nhắc lại câu nói đó của Phan An Sa để nói rằng, tự học là con đường chưa bao giờ dừng lại, chưa bao giờ không hữu ích đối với một người cầm bút, tự cổ chí kim!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.