Phụ nữ không chỉ đóng vai trò chính trong tổ chức cuộc sống gia đình, xây dựng mái ấm hạnh phúc, mà còn vượt qua định kiến giới, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương và đất nước.
Tích cực tham gia công tác xã hội
Lâu nay, chị Ngô Thị Hoàng Thi, Chi hội phó Chi hội phụ nữ Bình Kỳ 2B, phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), được biết đến như một cán bộ hội đoàn thể trẻ, năng động, nhiệt huyết, giỏi việc nước, đảm việc nhà. Ngoài tích cực tham gia công tác hội phụ nữ ở khu dân cư, chị còn kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác như: Bí thư Đoàn phường, Ủy viên Ban chấp hành công đoàn, Tổ trưởng Tổ nữ công phường Hòa Quý… Dù ở vị trí công tác nào, chị luôn tự tin vào bản thân, có ý chí cầu tiến, là hạt nhân trong mọi phong trào, nhất là các hội thi, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ. Về với gia đình, chị trở lại là một người phụ nữ đảm đang, biết quan tâm chăm sóc cha mẹ, chồng con, vun vén hạnh phúc.
Điều đáng nói là dù bận rộn đến mấy, nhưng chị Thi lúc nào cũng dậy từ sớm chu toàn công việc gia đình rồi mới rời nhà tham gia công tác cơ quan, hội đoàn thể. Chị Thi chia sẻ: “Có đảm việc nhà thì chị em mới xây dựng được gia đình hạnh phúc. Và, có một gia đình hạnh phúc thì chị em mới có điều kiện giỏi việc nước. Ý thức được điều này, tôi cố gắng cân đối, sắp xếp thời gian khoa học để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở mọi vị trí, vai trò của mình”.
Hơn 4 năm công tác trong chi hội phụ nữ và đoàn thanh niên, hỗ trợ, dẫn dắt phong trào địa phương phát triển, chị Thi cho rằng, mọi việc dù là nhỏ nhất cũng phải xuất phát từ tâm và hướng về lợi ích tập thể. Có như vậy mới gắn kết, thu hút được hội viên, đoàn viên tham gia và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Theo chị Thi, phụ nữ có những mặt hạn chế hơn đàn ông khi đảm nhận những công việc, làm đầu tàu cho các phong trào, hoạt động vì phải lo toan nhiều việc gia đình. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các chị em bỏ qua cơ hội bước ra ngoài xã hội của mình. Trong thời đại hiện nay, phụ nữ cần phải năng động, tích cực tham gia vào công tác xã hội để tăng cường sự giao lưu, tiếp xúc, học hỏi thêm những kiến thức, kinh nghiệm trong cuộc sống. Từ những kiến thức, kinh nghiệm này, người phụ nữ có thể cân đối cuộc sống, làm tốt công việc gia đình và từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong xã hội.
“Các gia đình, đặc biệt là những người chồng cũng cần có tư tưởng cởi mở, hiện đại hơn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia những công việc yêu thích. Từ đó, thúc đẩy bình đẳng giới, nhân lên những giá trị văn hóa của gia đình Việt Nam”, chị Thi bày tỏ.
Gia đình là điểm tựa
Giữ vị trí Chi hội trưởng phụ nữ 13, phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu) từ năm 2018 đến nay, chị Trần Thị Nở luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, nhiều năm liền được công nhận là cán bộ hội giỏi và được người dân trong khu dân cư tin yêu, quý mến. Thế nhưng, ít ai biết rằng 5 năm trước, khi được động viên nhận chức danh Chi hội trưởng phụ nữ, chị Nở từ chối quyết liệt bởi nghĩ mình chưa đủ trình độ, không có khả năng và thời gian để theo đuổi, gắn bó với công tác hội. Chị Nở bộc bạch, trước đây bản tính chị vốn nhút nhát, không giỏi ăn nói nên sợ không đảm nhận được trọng trách của chi hội. Tuy nhiên, được gia đình động viên và sự tín nhiệm của hội viên trong khu dân cư, chị vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nỗ lực học hỏi, bổ sung kiến thức, kỹ năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua thời gian, chị ngày càng yêu thích công tác hội, tích cực tham gia các phong trào thi đua, đưa chi hội trở thành chi hội phụ nữ tiêu biểu của địa phương.
Trên cương vị công tác của mình, chị Nở luôn cố gắng vượt qua khó khăn, gương mẫu trong công việc, chủ động sắp xếp thời gian để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, hài hòa với trách nhiệm một người con, người vợ, người mẹ trong gia đình. Với hoạt động hội, chị luôn xung phong đi đầu, thường xuyên động viên, trao đổi và lắng nghe tâm tư, tình cảm của hội viên để có thể hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Đồng thời, gắn hoạt động chi hội với các phong trào của tổ dân phố, khu dân cư để huy động sức mạnh chung, đưa phong trào địa phương phát triển. Khi về với gia đình, chị cùng chồng gương mẫu trong giáo dục các con, luôn tự giác, giữ lối sống giản dị, gần gũi với bà con lối xóm, thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong khu vực. Do đó, gia đình chị Nở được địa phương công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa trong nhiều năm liền.
“Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có tốt thì xã hội mới tốt. Vì vậy, mỗi thành viên trong gia đình chúng tôi luôn tôn trọng, ủng hộ, yêu thương nhau. Đây chính là nền tảng, động lực để chúng tôi xây dựng gia đình hạnh phúc và bản thân tôi có thể làm tốt công tác hội”, chị Nở chia sẻ.
KHÔI NGUYÊN